Để giảm thiểu tác động xấu của tình hình dịch bệnh đến sản xuất, kinh doanh, một số hợp tác xã đã chủ động tìm giải pháp khắc phục khó khăn, tìm được những hướng đi khá hiệu quả. Minh chứng như, nhiều nhà hàng, bếp ăn tập thể, chuỗi cung ứng thực phẩm tươi sống ở các đô thị bị ảnh hưởng, các HTX đã thay đổi phương thức cung ứng, bằng cách liên kết nhiều HTX sản xuất các mặt hàng thực phẩm khác nhau, như gạo, rau, củ, quả,…lại với nhau, tạo nên một nhóm các HTX cùng đi bán hàng, cung cấp hàng đến tận các chung cư, khu đô thị.
Đồng thời, các HTX chủ động giảm giá sản phẩm, khoảng 20% để kích thích tiêu dùng; chấp nhận không lãi với mục đích tiêu thụ được hàng cho nông dân và quảng bá hàng hóa, thu hút khách hàng lâu dài cho HTX. Điển hình trong phong trào này, phải kể đến HTX Nông nghiệp Đại Lải, xã Ngọc Thanh, TP. Phúc Yên (Vĩnh Phúc), nhờ sự nỗ lực, năng động tìm kiếm thị trường mới, mà hoạt động của HTX vẫn phát triển ổn định trong mùa dịch.
Theo anh Lâm Văn Trung, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại Lải, thời điểm năm 2020, ảnh hưởng dịch Covid-19, khiến thị trường tiêu thụ của HTX sụt giảm, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn. Trước thực trạng trên, HTX đã liên kết với các khu chung cư ở Hà Nội cung cấp các sản phẩm rau, củ, quả an toàn cho người dân, giảm giá thành cho các cửa hàng rau sạch, thậm chí bán buôn cho các chợ đầu mối hòa vốn.
“Nhờ đó mà hiện nay, mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX vẫn ổn định, phát triển. Trung bình 1 ngày, HTX chúng tôi cung cấp hàng tấn rau, củ, quả, trong đó, rau xanh giá 10 nghìn đồng/kg, dưa lê 25 nghìn đồng/kg, dưa chuột 10 nghìn đồng/kg…”, anh Trung phấn khởi chia sẻ.
Cùng với HTX Nông nghiệp Đại Lải, nhiều HTX đã chủ động ứng phó và thích ứng trong bối cảnh mới như, HTX rau an toàn Quý Cuối huyện Ðan Phượng (Hà Nội); HTX Tâm Anh huyện Phú Xuyên (Hà Nội),… đã thay đổi phương thức cung ứng bằng cách cùng lúc liên kết lại với nhau; HTX rau an toàn Vĩnh Phúc, xã Kim Long (huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc) đã đẩy mạnh bán hàng trực tuyến. Nhờ đó, dù còn gặp nhiều khó khăn, song HTX đã có thị trường tiêu thụ mới, gia tăng cơ hội phát triển.
Có thể thấy, để ứng phó với dịch bệnh về lâu dài, các HTX đã chủ động tái cơ cấu sản phẩm và định hướng lại đầu tư, sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, là đẩy mạnh xây dựng lại quy trình sản xuất, đăng ký nhãn mác chất lượng sản phẩm, tập huấn kỹ thuật cho nông dân. Mục tiêu của các HTX là chuyển sang sản xuất các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tem, nhãn chất lượng.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết, để hỗ trợ khó khăn mà các HTX nông nghiệp đang gặp phải, Liên minh HTX đang nỗ lực thực hiện tốt vai trò hỗ trợ, gắn kết, tạo điều kiện cho các HTX phát triển; Xây dựng một số HTX kiểu mới theo chuỗi giá trị sản phẩm bền vững; Hỗ trợ phát triển kết nối thị trường nội bộ giữa các HTX và Hiệp hội doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, tìm nguồn cung ứng vật tư, nguyên liệu.
Ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết thêm, trong giai đoạn này, Liên minh HTX Việt Nam cũng đang tăng cường thực hiện chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng chuyển đổi số cho các HTX, qua đó đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông sản qua các nền tảng số.
(Nội dung thông tin, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)