Nhiều HTX tăng trưởng ấn tượng
Tận dụng diện tích mặt nước tại khu vực thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, nhiều hộ dân đã tiến hành nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên trước đây, người dân chủ yếu làm theo kiểu tự phát nên năng suất, chất lượng thủy sản kém, đầu ra rất bấp bênh. Thế nhưng, từ tháng 10/2010, HTX thủy sản Lê Hồng Phong được thành lập, thì những bất cập này đã dần được khắc phục.
Ông Dương Hữu Vinh, thành viên HTX thủy sản Lê Hồng Phong chia sẻ: “Từ khi tham gia vào HTX, tôi và các hộ gia đình khác có điều kiện được làm việc một cách chuyên nghiệp. Từ khâu chọn giống, chăm sóc, đến tiêu thụ, các thành viên đều làm theo một quy trình chuẩn chung. Theo đó, năng suất, chất lượng sản phẩm tăng lên rõ rệt, thu nhập bình quân của gia đình tăng từ trên 3 triệu/người/ tháng lên đến 5 triệu đồng/người/ tháng.
Còn ông Dương Hữu Chức, Giám đốc HTX thủy sản Lê Hồng Phong cho biết: Xuất phát từ nhu cầu liên kết làm ăn của người dân, năm 2010, tôi đã đứng ra kêu gọi họ thành lập HTX nuôi trồng thủy sản. Theo đó, người dân tự nguyện liên kết sản xuất. Hơn 10 năm phát triển, từ một HTX có quy mô nhỏ, thu không đủ bù chi, vốn điều lệ ban đầu chỉ khoảng 60 triệu đồng, đến nay, số vốn điều lệ HTX đã tăng lên hơn 600 triệu đồng, duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, doanh thu đạt xấp xỉ 2 tỷ đồng/năm, thành viên HTX lên tới 20 người, với mức thu nhập 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Không riêng HTX Lê Hồng Phong, nhiều HTX khác trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, cũng đạt được những kết quả khả quan. Ông Dương Ngọc Đại, Giám đốc HTX Phượng Hoàng (huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) cho biết, trước đây người dân trong vùng cũng đã phát triển mô hình cây ăn quả. Tuy nhiên, do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa tuân thủ quy trình sản xuất… nên tình trạng mất mùa, mất giá thường xuyên diễn ra. Tuy nhiên, từ tháng 7 năm 2016, người dân đã tự nguyện liên kết thành lập HTX để hạn chế những điểm yếu trên.
Theo đó, người dân liên kết sản xuất theo quy trình chuẩn Vietgap. Đồng thời, HTX cũng đứng ra ký hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp kinh doanh. Nhờ đó đến nay, HTX đã thu hút 16 thành viên, với tổng thu nhập trung bình của HTX đạt gần 4 tỷ đồng/năm, tạo thu nhập cho lao động thời vụ ở HTX mức lương 4,5 triệu đồng/ người/tháng.
Xu hướng tất yếu
Theo thông tin từ Liên minh HTX Lạng Sơn, hiện nay số lượng HTX trên địa bàn tỉnh là 316 đơn vị (tăng 182 đơn vị so với năm 2016). Số thành viên HTX ước tính là gần 5.000 người, tăng 65% so với năm 2016; số lượng thành viên mới tham gia vào HTX giai đoạn 2016 - 2020 là 2.359 người; số lao động làm việc trong HTX ước tính là 7.390 người, tăng 87%.
Không chỉ tăng về số lượng, mà chất lượng của các HTX cũng có nhiều sự chuyển biến. Tổng số vốn điều lệ của HTX hiện nay trên 400 tỷ đồng, tăng 100,2% so với thời điểm 2016. Doanh thu bình quân của HTX đạt 1 tỷ đồng/năm, tăng 17,6% so với thời điểm 2016.
Tuy nhiên, HTX chỉ phát triển trên cơ sở tự nguyện và xuất phát từ chính nhu cầu của người lao động. Do đó, cũng còn khó khăn như, các thành viên phải góp vốn, góp sức để giải quyết những vấn đề kinh tế, xã hội nảy sinh mà bản thân mình không làm được hoặc có làm được nhưng hiệu quả không cao...
Chia sẻ về “bí quyết” phát triển mô hình HTX trên địa bàn, ông Vy Kim Truyền, Chủ tịch Liên minh HTX Lạng Sơn cho biết, qua thực tiễn đã chứng minh, mô hình HTX đang và sẽ là xu thế tất yếu trong giai đoạn kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.
Có thể nói, với những con số ấn tượng về phát triển mô hình HTX trên địa bàn Lạng Sơn đã cho thấy, đây là một mô hình thích hợp cho các tỉnh miền núi giai đoạn hiện nay. Theo đó các cấp, ngành, địa phương cần nghiên cứu ứng dụng mô hình một cách linh hoạt, sáng tạo nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng của người dân vùng dân tộc và miền núi.