Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Ở nơi “bới cát lấy tiền”

Thảo Linh - 18:03, 09/05/2024

Ở vùng đất pha cát - xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng có đủ các loại rau thương phẩm được trồng, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, sinh trưởng và phát triển tốt. Vụ này nối tiếp vụ kia đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho đồng bào DTTS.

Theo anh Ya Than, chăn nuôi kết hợp trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều
Theo anh Ya Than, chăn nuôi kết hợp trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều

Trước đây, bà con nông dân ở Ka Đơn chủ yếu trồng bắp, củ mì và lúa nước là chính. Hơn 10 năm trở lại đây, đồng bào mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đã đưa vùng đất pha cát khó khăn một thời, thành miền đất ấm no, trù phú.

Điển hình như anh Ya Than, ở thôn K’Rái 1, xã Ka Đơn, một người rất năng động trong sản xuất, chịu khó tìm tòi học hỏi kỹ thuật để trồng rau hiệu quả.

“Vùng đất này pha cát, trước đây không có nước tưới nên trồng cây gì cũng khó. Từ ngày có điện, mình đầu tư khoan giếng, lắp mô tơ bơm tưới, nên mùa nào cũng trồng được rau thương phẩm”, Y Than chia sẻ.

Gia đình Ya Than có trên 3ha trồng rau thương phẩm (được chuyển đổi từ ruộng lúa và bắp cách đây 12 năm), trong đó có 2,4ha làm bằng nhà lưới. Nhờ áp dụng tốt khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng rau theo hướng công nghệ cao, nên năng suất và chất lượng nông sản đảm bảo. Ngoài trồng xà lách, Ya Than còn trồng nhiều loại rau thương phẩm khác như cà chua, ớt chuông, đậu leo, bí Nhật… nên thời điểm nào gia đình anh cũng có sản phẩm thu hoạch. Một năm, gia đình Ya Than thu về khoảng 1 tỷ đồng sau khi đã trừ chi phí.

Ngoài ra, Ya Than còn đầu tư chăn nuôi bò vỗ béo. Mới đây, anh bán 14 con bò, lãi từ 15 đến 20 triệu đồng/con; trong chuồng của anh vẫn còn 10 con bò. Nhờ chăn nuôi gia súc, Ya Than có nguồn phân chuồng dồi dào bón cho cây trồng, giúp kinh tế gia đình phát triển hơn.

Hiện nay, số hộ khá và giàu ở xã Ka Đơn trong các năm qua tăng mạnh. Nhiều hộ đồng bào DTTS đã trở thành những điển hình tiên tiến làm kinh tế giỏi trong sản xuất nông nghiệp”.

Ông Phan Hữu Phước, Chủ tịch UBND xã Ka Đơn

Không riêng gì Ya Than, mà hầu hết đồng bào dân tộc Chu Ru, Cơ Ho ở Ka Đơn đã mạnh dạn chuyển đổi nhiều diện tích ruộng lúa, bắp sang trồng rau thương phẩm. Từ năm 2010 đến nay, bà con ở địa phương đã chuyển đổi được trên 900ha diện tích từ lúa nước, bắp sang trồng rau thương phẩm, nâng tổng số diện tích canh tác rau thương phẩm ở xã Ka Đơn trên 1.700ha; trong đó có 27ha nhà kính, 510ha nhà lưới và số diện tích còn lại là tưới nhỏ giọt, phủ bạt nông nghiệp và tưới phun tự động.

Ngoài các nguồn vốn của Nhà nước hỗ trợ đầu tư cho bà con phát triển kinh tế, cán bộ khuyến nông thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn đầu bờ; từ đó, bà con áp dụng thành công khoa học kỹ thuật vào việc trồng rau thương phẩm, nên năng suất và chất lượng cây trồng được nâng lên rõ rệt. Chính quyền địa phương cũng đang khuyến khích bà con nông dân chú trọng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, vừa đảm bảo chất lượng, an toàn của sản phẩm, đồng thời tăng độ tơi xốp và chất dinh dưỡng cho đất. Đến nay, giá trị kinh tế đạt được trên 1ha trồng rau thương phẩm ở xã Ka Đơn đạt từ 600 triệu đến 1 tỷ đồng/năm.

Đồng bào DTTS ở Ka Đơn phấn khởi chăm sóc những vườn rau tươi tốt của gia đình
Đồng bào DTTS ở Ka Đơn phấn khởi chăm sóc những vườn rau tươi tốt của gia đình

Bà Ma Chương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ka Đơn cho biết: “Hiện nay, địa phương đang xây dựng các tổ liên kết cộng đồng để trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, kỹ thuật giữa các thành viên trong sản xuất nông nghiệp, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo đầu ra của nông sản. Qua đó, giúp bà con nông dân yên tâm đầu tư thâm canh rau thương phẩm, phát triển kinh tế”.

Nhờ chọn lối đi đúng trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên đời sống của người dân ở Ka Đơn được nâng lên rõ rệt. Toàn xã hiện chỉ còn 20 hộ cận nghèo; thu nhập bình quân đầu người đạt 65 triệu đồng/người/năm.

Ông Phan Hữu Phước, Chủ tịch UBND xã Ka Đơn cho biết, có được kết quả như ngày hôm nay là cả một quá trình lâu dài nỗ lực, phấn đấu của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các dân tộc anh em trong xã. Ka Đơn từ một vùng đất pha cát, khó thích hợp với nhiều loại cây trồng nay đã trở thành vùng đất phì nhiêu, trù phú, mang lại no ấm cho bà con nông dân.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Ngãi: Triển khai nhiều mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện của người dân miền núi

Quảng Ngãi: Triển khai nhiều mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện của người dân miền núi

Thời gian qua, từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), các địa phương miền núi Quảng Ngãi đã tập trung xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả cao. Từ đó, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững và mang lại thu nhập ổn định cho người dân.