Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Trồng cà phê theo cụm cảnh quan- Vừa nhàn, vừa lợi

Lê Hường - 16:52, 14/04/2021

Để đáp ứng yêu cầu về chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, cũng như góp phần bảo vệ môi trường, thích nghi với biến đổi khí hậu, từ năm 2018 đến nay, hàng ngàn hộ dân ở Đắk Lắk đã liên kết hình thành cụm cảnh quan cà phê bền vững. Nông dân không những được hỗ trợ thiết bị tưới tiết kiệm để ứng phó trong mùa khô, mà còn được hướng dẫn trồng các loại cây sinh cảnh dưới gốc giữ ẩm. Mô hình bước đầu mang lại hiệu quả khả quan.

Một vườn cà phê sản xuất theo hướng cảnh quan bền vững
Một vườn cà phê sản xuất theo hướng cảnh quan bền vững

Xây dựng vườn cà phê đa tầng

Tháng 3, là thời gian cao điểm của mùa tưới cà phê nên cần lượng nước rất lớn. Trong khi nông dân trồng cà phê tất bật lắp máy, kéo ống, có nơi còn phải canh, vét nước tưới, thì các hộ trong Cụm cảnh quan cà phê bền vững xã Ea Tân, huyện Krông Năng lại khá thảnh thơi. Bởi trước mùa khô, họ đã được trang bị kiến thức và các thiết bị hỗ trợ tưới tiết kiệm.

Gia đình anh Lê Anh Tiến, thôn Thanh Cao, xã Ea Tân có 3 ha cà phê và trồng xen một số loại cây ăn quả, mắc ca. Trong đó, 1 ha lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm phun mưa tại gốc, còn lại tưới bằng béc (tưới phun tự động). Anh Tiến cho biết: Trước đây, gia đình anh tưới bằng phương pháp thủ công, dí vòi nước vào gốc cây tốn nhiều nước nên những đợt tưới sau thường thiếu nước. Cao điểm mùa khô, mùa cây trồng cần nhiều nước nhất, thì ao hồ lại cạn không có nước tưới, ảnh hưởng lớn đến năng suất. 

Năm 2018, anh Tiến tham gia dự án Cụm cảnh quan cà phê bền vững, được hỗ trợ đồng hồ đo lượng nước tưới, hệ thống tưới tiết kiệm phun sương ở gốc. Nhờ đó, lượng nước tưới được đo chính xác, vừa tiết kiệm được 30-40% lượng nước, lại tiết kiệm điện, giảm chi phí đầu tư sản xuất mà năng suất cây trồng vẫn đạt cao, chất lượng sản phẩm đảm bảo.  

Gắn bó với cây cà phê hơn 20 năm, bây giờ ông Tạ Duy Thanh, xã Ea Tân đã cảm thấy chăm sóc cà phê cũng không vất vả. Ông Thanh chia sẻ: Tham gia chương trình cà phê cảnh quan bền vững, ông được đi tập huấn để chăm sóc cà phê, giảm lượng phân bón hóa học, tăng lượng phân vi sinh hữu cơ, tưới nước tiết kiệm; được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn kiến tạo thành khu vườn đa tầng từ cao đến thấp, và được bố trí phù hợp thông thoáng, ánh sáng trải đều nên các loại cây xanh tốt quanh năm, năng suất cao hơn trước và thu nhập ổn định. 

Hướng đi bền vững...

Chương trình Cụm cảnh quan cà phê bền vững do công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2/9 (Simexco) Đắk Lắk phối hợp cùng Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên triển khai, Tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững - IDH tài trợ, với tổng diện tích 5.200 ha. Khoảng 4.000 nông hộ ở 3 xã Ea Tân, Ea Toh và Dliê Ya (huyện Krông Năng), đã tham gia dự án.

Các hoạt động chính trong Chương trình gồm: xây dựng mô hình Cụm cảnh quan cà phê bền vững; tái cấu trúc chuỗi cung ứng vật tư đầu vào cây giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật); xây dựng mô hình dịch vụ nông nghiệp, tư vấn phân tích đất và sử dụng hóa chất nông nghiệp; thành lập và nâng cao năng lực của các hợp tác xã và học tập sáng tạo thông qua tập huấn nông dân chia sẻ mô hình ứng dụng công nghệ và sáng kiến mới.

Ngoài việc hỗ trợphân bón hữu cơ, các loại cây trồng xen, đơn vị cũng đã phối hợp với Chương trình ISLA xây dựng được 30 mô hình tưới nước tiết kiệm, cùng với nhiều hỗ trợ khác cho nông dân như lắp đồng hồ đo lượng nước tưới, hồ dự trữ nước mùa khô...

 Khi tham gia Chương trình, nông dân được sử hướng dẫn lắp đặt, áp dụng đồng hồ đo nước. Mục tiêu của chương trình đến năm 2025 là, 100% cà phê sản xuất ra đạt tiêu chuẩn bền vững được thị trường đón nhận; giảm 25% lượng nước tưới sử dụng, giảm 15% lượng hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật, tăng 30% thu nhập của nông dân trồng cà phê.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Dự án cà phê bền vững cho biết: Cà phê cảnh quan lấy cây cà phê làm chủ đạo, thiết kế trồng xen các loại cây che nắng, chắn gió, cây thảm phủ, cây làm đai cách ly, giúp vườn cà phê đẹp hơn, phát triển tốt hơn trong các điều kiện thời tiết bất lợi. Hướng tới nâng cao giá trị và thu nhập cho người dân, với việc cà phê trong cụm cảnh quan được chế biến theo phương pháp chất lượng cao và cà phê đặc sản. 

Việc phát triển cà phê cảnh quan là hướng đi tất yếu. Canh tác cảnh quan cà phê chính là quá trình hoàn thiện, cải tiến và thúc đẩy tiểu hệ sinh cảnh cà phê tiệm cận hệ sinh thái rừng hiệu quả, bền vững trên cả 3 khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường.

Theo báo cáo đánh giá, chương trình cà phê cảnh quan góp phần giảm 14% lượng phân bón hóa học được sử dụng; giảm 17% lượng nước tưới trong sản xuất cà phê; giảm 11% chi phí sản xuất và giảm 10% lượng CO2 phát thải ra môi trường. 100% lượng cà phê được sản xuất trong vùng thí điểm đang được thu mua với mức giá cao hơn giá thị trường. Tỉnh Đắk Lắk đề ra mục tiêu, đến năm 2025 sẽ có 90.000/203.000 ha cà phê cảnh quan bền vững để xác nhận thương mại hoá diện rộng.


Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.