Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Trở lại Nậm Sin

Thuý Hồng - 12:46, 20/08/2022

Sau 3 năm trở lại Nậm Sin, bản của đồng bào dân tộc Si La ở xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, điều chúng tôi cảm nhận được là diện mạo nơi đây đã có nhiều đổi khác. Từ Đề án "Hỗ trợ phát triển kinh tế -xã hội dân tộc Si La", đã giúp cho cuộc sống người dân nơi đây đang dần khởi sắc.

Trung tâm bản Nậm Sin hôm nay
Trung tâm bản Nậm Sin hôm nay

Nậm Sin nay đã khác xưa...

Nằm cách trung tâm huyện Mường Nhé khoảng 40km, trước đây, bản Nậm Sin (xã Chung Chải, huyện Mường Nhé) chưa có đường giao thông nên gần như tách biệt với bên ngoài. Cũng vì thế mà bản Nậm Sin được xếp vào diện bản khó khăn nhất của huyện Mường Nhé.

Tôi còn nhớ như in chuyến công tác vào Nậm Sin 3 năm trước, dù quãng đường từ trung tâm xã Chung Chải vào bản Nậm Sin chỉ khoảng 10km nhưng chúng tôi phải đi mất 2 tiếng đồng hồ và phải chia thành hai chặng. 

Để vào Nậm Sin, anh cán bộ phòng Dân tộc huyện Mường Nhé  đưa chúng tôi bằng xe ô tô đến Trạm Biên phòng Leng Su Sìn, rồi từ đây chúng tôi phải nhờ các chiến sĩ biên phòng chở bằng xe máy đi tiếp. Mùa mưa, con đường vào bản trơn trượt, lầy lội, nhiều đoạn đất đồi sạt xuống hết cả đường đi nên chúng tôi phải cuốc bộ mới vào tới bản. Nhưng đó là chuyện của 3 năm về trước. Nậm Sin hôm nay đã khác.

Hôm gặp chúng tôi, anh cán bộ phòng Dân tộc huyện Mường Nhé năm trước phấn khởi nói: Đường vào Nậm Sin nay khác rồi, không phải “lội bộ” như 3 năm trước nữa đâu.

Đường vào bản Nậm Sin được trải bê tông phẳng lì
Đường vào bản Nậm Sin được trải bê tông phẳng lì

Lời của anh cán bộ phòng Dân tộc huyện quả không sai, con đường đất lầy lội trơn trượt trước đây đã được trải bê tông phẳng lì. Hai ven đường nhiều ngôi nhà mới được dựng lên khang trang. Tuyến đường vào bản Nậm Sin được nối quốc lộ 4H vào trung tâm bản, với tổng chiều dài 9,3km, trong đó tuyến chính có chiều dài 8,45km và hệ thống đường nội bản có chiều dài gần 1km, với tổng mức đầu tư hơn 46 tỷ đồng. Cùng với đó, các công trình nước sinh hoạt, thủy lợi cũng được đầu tư mới, sửa chữa, nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sinh hoạt, sản xuất.

Có được diện mạo mới này, là do nguồn vốn đầu tư xây dựng từ Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế -xã hội dân tộc Si La giai đoạn 2016 - 2025, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2086/QĐ-TTg, ngày 31/10/2016, được UBND tỉnh Điện Biên triển khai thực hiện từ ngày 22/3/2019.

Sau nhiều năm được hưởng lợi từ Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Si La của Đảng, Nhà nước, bản Nậm Sin đã có bước khởi sắc đáng mừng, người dân bản Nậm Sin đã an cư, con em được đến trường đầy đủ.

Nhiều ngôi nhà của bản được xây dựng khang trang
Nhiều ngôi nhà của dân bản được xây dựng khang trang

Đi một vòng quanh bản, điều dễ dàng nhận thấy ở bản làng Si La này là có nhiều ngôi nhà mới được xây dựng khang trang. Trò chuyện với chúng tôi trước căn nhà gỗ mới được xây dựng, bà mẹ trẻ Lỳ Pó Nu, 24 tuổi vui vẻ nói: Có đường rồi, đi lại thuận tiện rồi, không vất vả như trước kia nữa. Bà con phấn khởi lắm, giờ chỉ lo làm ăn thôi.

Cách đó không xa, là nhà của Hù Cố Thương cũng vừa mới được xây dựng rất khang trang, theo kiểu nhà truyền thống của người Si La, thay thế cho ngôi nhà lụp xụp 3 năm về trước mà tôi đã có dịp ghé thăm.

 Phấn khởi hơn là, bên trong căn nhà của Hù Cố Thương được sắm sửa đầy đủ từ bộ bàn ghế salon đến các đồ dùng thiết yếu như tivi và cả dàn loa âm thanh mới... Thương bảo, làm căn nhà này cũng phải hết tầm 200-300 triệu đồng. “Làm nhà xong, giờ nhà còn có một con trâu để làm vốn. Năm vừa rồi nhà mình cũng vừa mới thoát nghèo rồi”, Thương nói.

Bên trong căn nhà của Hù Cố Thương được sắm sửa đầy đủ từ bộ bàn ghế salon đến các đồ dùng thiết yếu như tivi và cả dàn loa âm thanh mới...
Bên trong căn nhà của Hù Cố Thương được sắm sửa đầy đủ từ bộ bàn ghế salon đến các đồ dùng thiết yếu như tivi và cả dàn loa âm thanh mới...

Không chỉ được hưởng lợi từ Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Si La, những năm qua, bản Nậm Sin được tỉnh, huyện thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư cho bản, như: Chương trình Xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo... Nhờ đó, đời sống người dân đã dần được cải thiện.

Ông Lỳ Hồng Sơn, Trưởng bản Nậm Sin (huyện Mường Nhé) cho biết: Những năm gần đây, đời sống của người dân trong bản đã thay đổi rất nhiều, không còn khó khăn như trước đây nữa. Người dân có điện thắp sáng, có đường bê tông đi lại thuận tiện, giúp người dân dễ làm làm ăn, phát triển kinh tế.

Ông Sơn bảo, nhờ được tập huấn nâng cao năng lực sản xuất, tiếp thu khoa học - kỹ thuật nên nhận thức của người dân đã dần thay đổi tập quán canh tác. Đặc biệt, năm 2020, từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên đã hỗ trợ 96 con lợn giống cho 48 hộ dân; UBND xã Chung Chải hỗ trợ 150 cây xoài Đài Loan cho Trưởng bản, Bí thư bản làm mô hình điểm, nên nhiều gia đình đã học tập làm theo.

Hiện cả bản có tổng diện tích đất nông nghiệp khoảng 30ha, trong đó có 20ha lúa nước, 1,2ha diện tích ao cá…sản lượng lương thực bình quân đầu người của bản đạt trên 360kg/người/năm. Trong bản đã có nhiều thanh niên đi làm công nhân tại các khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang…vì thế mà có nhiều hộ gia đình đã đầu tư xây dựng, sửa chữa mới nhà cửa kiên cố, mua sắm được tivi, xe máy…

Con em đồng bào Si La được đến trường đầy đủ
Con em đồng bào Si La được đến trường đầy đủ

Cùng với phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục được quan tâm đầu tư. Cả bản có một trường Tiểu học cùng một điểm trường và một trường mầm non tạo thuận lợi cho con em trong bản học hành.

Thầy Trịnh Văn Lập, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Chung Chải số 2, cho biết: Bản Nậm Sin đã được đầu tư trường tiểu học và mầm non khang trang, học sinh được đến trường đầy đủ, không còn tình trạng trẻ đến tuổi nhưng không được đến trường, lớp.

Tiếp tục xóa nghèo

Đồng bào dân tộc Si La ở Mường Nhé Là một trong 16 DTTS rất ít người của cả nước, bên cạnh các chính sách chung triển khai ở vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, thì còn được thụ hưởng nhiều chương trình, dự án đặc thù, song đến nay tỷ lệ hộ nghèo của Nậm Sin vẫn còn cao.

Theo Chủ tịch xã Chung Chải, Lỳ Ha Lòng, dù đời sống người dân thay đổi nhiều so với trước đây, nhưng mặt bằng trình độ dân trí còn thấp, kinh tế chậm phát triển, đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn, chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp; áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi còn hạn chế…

Dù diện mạo bản Nậm Sin có nhiều thay đổi nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao
Dù diện mạo bản Nậm Sin có nhiều thay đổi nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao

Theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều mới giai đoạn 2021 – 2025, cả bản có 52 hộ tỷ lệ hộ nghèo của bản Nậm Sin vẫn còn 40 hộ nghèo chiếm tới 76,9%, hộ cận nghèo 5,7%, mới chỉ có 17,3% hộ thoát nghèo.

Bí thư Huyện uỷ Mường Nhé Nguyễn Quang Hưng trăn trở: Nguyên sâu xa nhất vẫn là do trình độ, năng lực còn hạn chế, thay đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng còn chậm. Đặc biệt một bộ phận người dân, vẫn còn trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước, không tự vươn lên làm ăn phát triển kinh tế. Phần khác là nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng dịch Covid - 19 bùng phát trở lại, gây khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội nên khiến tỷ lệ hộ nghèo của bản Nậm Sin vẫn còn cao.

Rời Nậm Sin trong ánh chiều tà, mặc dù vẫn còn cảm giác băn khoăn chưa nguôi với những khó khăn của đồng bào, cái nghèo vẫn đang còn hiện hữu. Nhưng so với 3 năm trở về trước, thì cuộc sống của đồng bào Si La hôm nay đã có sự thay đổi nhiều. Đặc biệt là đường, điện trường, trạm cơ bản đã hoàn thiện; Bà con được hỗ trợ cây con giống mới để gieo trồng nên không còn cảnh bị đứt bữa. 

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là, đồng bào Nậm Sin rất mong, tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ bằng chương trình chính sách dân tộc trong giai đoạn mới để Nậm Sin phát triển bền vững..


Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.