Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Người nặng lòng với văn hóa Si La

Trọng Bảo - 15:44, 26/11/2019

Trong cộng đồng 54 dân tộc anh em của Việt Nam, Si La là một trong 5 dân tộc ít người nhất, có số dân chưa đến 1.000 người. Điều đáng lo ngại ở đây là lớp trẻ dân tộc Si La ở xã Kan Hồ, huyện Mường Tè (Lai Châu) hầu như không quan tâm đến việc gìn giữ và truyền bá nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.

Lớp học của nghệ nhân Hù Cố Xuân thu hút đông đảo chị em phụ nữ, các cháu thiếu niên tham gia
Lớp học của nghệ nhân Hù Cố Xuân thu hút đông đảo chị em phụ nữ, các cháu thiếu niên tham gia

Theo Nghệ nhân Hù Cố Xuân, dân tộc Si La ở bản Seo Hai, xã Kan Hồ, Mường Tè, nếu bây giờ không gìn giữ và truyền dạy các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc mình cho con cháu thì chẳng bao lâu nữa, những điệu múa, lời ca, những bản sắc văn hóa của dân tộc Si La sẽ không còn. 

Với suy nghĩ đó, nhiều năm qua, dù mưa hay nắng đều đặn hằng tuần, bà Hù Cố Xuân đều đến nhà văn hóa của bản dạy chị em và các bé gái ở bản Seo Hai và Sì Thâu Chải hát những điệu dân ca, những điệu múa cổ của dân tộc mình. Nhớ đến đâu bà truyền dạy đến đó, với mong muốn những nét văn hóa đó sẽ được lưu giữ cho các thế hệ sau này.

Để tiện cho chị em, lớp trẻ dễ học hát, học múa, bà Hù Cố Xuân đã viết lời của tiếng Si La bằng chữ phổ thông ra giấy để cho các chị em, các cháu hát theo. Ban đầu, mọi người, nhất là các thế hệ trẻ không mặn mà, tha thiết với những làn điệu ca cổ, hay điệu múa dân gian; chị em phụ nữ thì bận làm nương, làm ruộng và tất bật lo cho cuộc sống gia đình nên cũng không còn thời gian để cùng bà tập luyện. 

Thế nhưng, bằng sự tâm huyết của mình và tha thiết muốn giữ lại những bản sắc của người dân tộc Si La, bà đã không quản ngại vất vả, khó khăn đến từng nhà vận động từng chị em một. Mưa dầm thấm lâu, đến nay các chị em trong bản đã tranh thủ thời gian nhàn rỗi cùng bà ôn lại những điệu múa, ca cổ của dân tộc mình.

Nhờ vậy mà chị em trong đội văn nghệ của bản đã có thể tự tin đi giao lưu nhiều nơi như đi thi ở Trung ương hay đi tham gia văn nghệ chào mừng ngày Quốc khánh 2/9 tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam…

Ngoài ra, bà còn tham gia cùng với Phòng Văn hóa Thông tin huyện nghiên cứu và biên soạn tài liệu lưu giữ về những nét văn hóa của dân tộc Si La... Đến nay, nhiều nghi lễ truyền thống của dân tộc như thờ cúng tổ tiên, cưới hỏi, mừng cơm mới, tạ ơn trời đất, lễ cấm bản… đã bắt đầu được phục dựng lại. 

Bà Lý Thị Chanh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Kan Hồ cho biết: Bà Xuân là một trong số ít người cao tuổi trong đồng bào Si La hiểu, biết về văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đặc biệt, sau khi Đề án “Hỗ trợ phát triển dân tộc Si La” được triển khai thực hiện, bà càng có thêm động lực để nỗ lực gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Đến nay, bà đã tham mưu cho địa phương và đứng ra thành lập được 2 đội văn nghệ, một đội là các chị em từ 30 tuổi trở nên và một đội các cháu trẻ hơn.

“Với sự tâm huyết và những cống hiến trong việc bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc Si La, tháng 3/2019 vừa qua, bà Hù Cố Xuân đã được Nhà nước công nhận là Nghệ nhân Ưu tú”, bà Chanh cho biết thêm.


Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.