Khơi thông huyết mạch
Giai đoạn 2021 – 2025 là 5 năm đầu tiên thực hiện lộ trình phát triển đất nước theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra, hiện thực hóa khát vọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao năm 2045. Để thúc đẩy các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT – XH), tạo sức bật cho lộ trình dài, trong 5 năm này, Quốc hội đã quyết nghị tổng mức vốn kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 2,87 triệu tỷ đồng (tại Nghị quyết 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021), tăng 870 nghìn tỷ đồng so với giai đoạn 2016 – 2020.
Để khơi thông huyết mạch cho nền kinh tế, lĩnh vực được ưu tiên trong giai đoạn 2021 – 2025 là xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông. Đây cũng là một trong những đột phá chiến lược đã được xác định tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Trong giai đoạn này, nhiều dự án trọng điểm quốc gia của ngành Giao thông được triển khai ở địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi. Theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông Vận tải (GTVT), trong năm 2022 này sẽ có 26 dự án trọng điểm phải hoàn thành.
Có thể kể đến là Dự án cải tạo nâng cấp các đoạn xung yếu trên quốc lộ (QL) 25 qua địa bàn hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai; Dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên QL 24 từ Quảng Ngãi đi Kon Tum; Dự án cải tạo, nâng cấp QL 279 đoạn Phố Ràng - Khau Co (Km67 - Km158), tỉnh Lào Cai; Dự án nâng cấp QL 15 đoạn qua hai tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa; Dự án cải tạo, nâng cấp QL 279B, tỉnh Điện Biên; Dự án cải tạo nền, mặt đường và công trình đoạn Km8 - Km29, Km40 - Km66 trên QL 4A, tỉnh Lạng Sơn; Dự án nâng cấp QL 37 đoạn Km280+00 - Km340+00 tỉnh Yên Bái; Dự án nâng cấp QL 32C, đoạn Hiền Lương - TP. Yên Bái, tỉnh Yên Bái;…
Dự án trọng điểm thì cần nguồn vốn lớn. Trong năm 2022, Bộ GTVT đã được Thủ tướng Chính phủ giao 50.328 tỷ đồng vốn đầu tư công. Theo Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT), đây là kế hoạch giao lớn nhất từ trước tới nay; chiếm tới 23,5% kế hoạch vốn năm 2022 của khối các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và chiếm 9,7% kế hoạch vốn 2022 của cả nước.
Ưu tiên vùng “lõi nghèo”
Các dự án giao thông trọng điểm quốc gia được triển khai trên địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi sẽ là động lực cho sự phát triển của vùng trong tầm nhìn dài hạn. Còn trong giai đoạn 2021 – 2030, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và miền núi (gọi tắt là Chương trình) chính là giải pháp đột phá để phát triển nhanh và bền vững cho địa bàn này.
Theo báo cáo của Chính phủ, đây là Chương trình mục tiêu quốc gia đầu tiên được phê duyệt dành riêng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi; đồng thời là Chương trình có tổng nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước lớn nhất hiện nay. Riêng giai đoạn I (2021 – 2025), theo Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/9/2021, Chương trình dự kiến bố trí 137.664,959 tỷ đồng để thực hiện 10 dự án thành phần.
Tại Hội thảo triển khai Chương trình tổ chức tháng 4/2022 tại Sóc Trăng, ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, quan điểm đầu tư phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi là đầu tư cho phát triển bền vững gắn liền với giảm nghèo, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nhằm đạt được mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Do đó, ngân sách Nhà nước là nguồn lực đầu tư động lực, có tính định hướng để thu hút và thúc đẩy đầu tư từ khu vực tư nhân và các thành phần kinh tế, phục vụ cho mục tiêu phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Ngay trong năm 2022, dẫu còn bao bộn bề để phục hồi kinh tế sau khi đại dịch Covid-19 cơ bản đã được khống chế, nhưng Quốc hội, Chính phủ vẫn dành sự quan tâm đặc biệt để triển khai Chương trình MTQG dành riêng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022 cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương (tại Nghị quyết số 517/NQ-UBTVQH15 ngày 22/5/2022), Chính phủ đã giao kế hoạch vốn để các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương triển khai.
Là Chương trình dành riêng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, lần đầu tiên triển khai nên đòi hỏi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương phải nghiên cứu, ban hành một số lượng lớn các văn bản theo đúng thủ tục, trình tự và quy định của pháp luật. Bằng quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đến hết tháng 8/2022, đã có 231 văn bản khác nhau được ban hành để quy định, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các nội dung về cơ chế, chính sách, hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình; 50/50 tỉnh, thành phố triển khai thực hiện Chương trình đã hoàn thành công tác thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp tỉnh…
Điểm qua như vậy để thấy rõ tính ưu tiên trong triển khai chính sách dân tộc dưới góc nhìn đầu tư công. Sự ưu tiên này đã cụ thể hóa quan điểm “Các dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển, cùng nhau thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” được xác định trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.