Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Phóng sự

Trên vùng mây trắng Chư Tan Kra

Tiêu Dao – Bảo Anh - 09:01, 01/05/2022

Chư Tan Kra từng là một cao điểm chiến đấu trong những năm 1968, nơi ấy có những người lính quê Hà Nội đã chiến đấu cùng đồng bào và ngã xuống nơi đây, để bây giờ vùng chiến địa ấy ngày càng trù phú hơn.

Chư Tan Kra đã thay đổi nhiều, từ vùng núi hoang sơ, bốn mùa mây mờ che phủ, nay đã trở thành vùng đất đầy sức sống
Chư Tan Kra đã thay đổi nhiều, từ vùng núi hoang sơ, bốn mùa mây mờ che phủ, nay đã trở thành vùng đất đầy sức sống

Trên vùng chiến địa

Ở Kon Tum có lẽ không mấy người không biết đến địa danh Chư Tan Kra - rặng núi xanh trùng điệp nơi vùng đệm Vườn quốc gia Chư Mom Ray, huyện Sa Thầy. Nơi ấy, ngày 26/3/1968 đã xảy ra trận chiến khốc liệt giữa quân Giải phóng với quân viễn chinh Mỹ. Cuộc chiến đấu anh dũng đã có gần 200 chiến sĩ Trung đoàn 209 hy sinh.

Chiều trên xứ nắng, cao điểm Chư Tan Kra hiện ra trong miên man gió và hoang hoải hơi thở đại ngàn. Nhiều người không biết, nhưng cũng không ít người vẫn nhớ, cao điểm với cái tên nhẹ như một điệu hát của núi rừng, nhưng đã từng là chiến trường ác liệt bậc nhất trong mùa Xuân năm 1968. Chư Tan Kra là nơi chứng kiến sự quả cảm của hàng trăm chiến sĩ cũng là nơi các anh đã ngã xuống vì độc lập.

Không khó để tới được Chư Tan Kra, những con đường bê tông và nhựa trải rất đẹp hướng thẳng về những chùm đồi thấp. Nơi đó có một điểm cao đã từng xảy ra trận tiến công tiêu diệt quân Mỹ ở cao điểm 995 (thuộc dãy núi Chư Tan Kra). Bà Y Nhút, gần 70 tuổi của làng O (xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy) vẫn còn nhớ, cách đây hơn 50 năm, Chư Tan Kra là những cánh rừng mùa mưa sũng ướt, những cung đường đầy rẫy bom mìn với cái chết được báo trước… và cũng chính nơi đây đã diễn ra những trận chiến đấu khốc liệt nhất giữa các chiến sĩ và quân Mỹ.

Theo lịch sử Đảng bộ huyện Sa Thầy, mùa Xuân năm 1968, chiến trường Kon Tum bước vào giai đoạn cao trào, hàng loạt trận giao tranh ác liệt giữa quân ta và địch đã diễn ra trên ngọn núi này, điển hình như trận đánh ngày 21/3/1968 và ngày 26/3/1968. Sau những trận đấu, hàng trăm chiến sĩ (phần lớn là con em người Hà Nội) đã hy sinh anh dũng trên ngọn núi Chư Tan Kra.

Những chiến sĩ tham gia trận đánh đều đang trong độ tuổi thanh xuân, có người vừa tròn tuổi mười tám, có người mới đôi mươi. Từ Thủ đô hành quân vào vùng núi ác liệt này họ ra đi với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, đó chính là niềm tự hào sâu sắc của người Hà Nội.

Trong cuốn “Lịch sử Trung đoàn 209, Sư đoàn 312”, NXB Quân đội Nhân dân 2004, trang 94 – 95 viết: “Trong trận tiến công tiêu diệt quân Mỹ ở cao điểm 995 (thuộc núi Chư Tan Kra), 204 lính Mỹ đã bị tiêu diệt, ta bị thương và hy sinh hơn 200 đồng chí. Trận đánh Mỹ đầu tiên tại cao điểm 995, Trung đoàn không dứt điểm nhưng là trận đánh mở màn của Trung đoàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trên chiến trường Tây Nguyên và Nam Bộ.

Chư Tan Kra với trận đánh chấn động giờ đây không chỉ có trong ký ức của gần một trăm người còn sống của Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 ngày ấy nữa, mà còn trở thành những trang sử không bao giờ phai nhòa của người dân Sa Thầy, của người làng ở xã Ya Xiêr này.

Trải qua bao biến động, bao tháng ngày mưa nắng, Chư Tan Kra vẫn đứng vững chãi ở đó với hình ảnh ngọn núi chót vót, bốn mùa phủ mờ sương như là biểu tượng cho tinh thần anh dũng, kiên cường song cũng rất đỗi hiền hòa, nhân hậu của đất và người Kon Tum.

Người dân làng O học hỏi lẫn nhau để cùng phát triển kinh tế
Người dân làng O học hỏi lẫn nhau để cùng phát triển kinh tế

Đổi thay trên vùng mây trắng

Qua hơn một nửa thế kỷ, Chư Tan Kra đã thay đổi nhiều, từ vùng núi hoang sơ, bốn mùa mây mờ che phủ, bây giờ Chư Tan Kra và cả xã Ya Xier đã trở thành vùng đất đầy sức sống, hàng năm đón cả ngàn lượt người đến thăm, tưởng niệm những chiến sĩ đã anh dũng hy sinh.

Trong xã Ya Xiêr, những con đường nhỏ nhưng sạch đẹp, uốn vòng qua những cánh rừng trùng điệp, qua những rẫy cà phê xanh ngút ngàn và bao cánh rừng cao su mênh mông. Những ngôi làng nhỏ với những mái nhà sàn xinh xắn giữa bạt ngàn màu xanh. Chư Tan Kra cao vời vợi ngày xưa giờ đã đầy đủ điện, đường, trường, trạm, với những ngôi nhà kiên cố và đời sống người dân khấm khá hơn xưa.

Ông A In (65 tuổi) Bí thư Đảng ủy xã Ya Xiêr nói đầy tự hào rằng, trước đây Ya Xiêr là xã đặc biệt khó khăn của huyện Sa Thầy, với dân số trên 1.500 hộ, tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm trên 90%, đời sống rất khó khăn. Những năm qua, cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, hệ thống chính trị và Nhân dân trên địa bàn đã đoàn kết, nỗ lực thực hiện và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh.

“Đảng ủy, HĐND, UBND xã tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân về phát triển kinh tế nhằm giảm nghèo. Đồng thời, mở các lớp tập huấn cho bà con tiếp thu khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao đời sống”, ông A In cho biết.

Xã Ya Xiêr đã tận dụng và phát huy tối đa các nguồn lực đầu tư của Nhà nước như Chương trình 135; Dự án Giảm nghèo bền vững, chính sách hỗ trợ phát triển cao su tiểu điền cho hộ nghèo… Nổi bật là địa phương đã tận dụng và phát huy hiệu quả nguồn vốn của dự án luân chuyển vốn hỗ trợ hộ nghèo chăn nuôi thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 – 2017 của Chính phủ. Đã có 24/25 hộ nghèo tham gia dự án thoát nghèo; xã đã thu hồi được gần 70 triệu đồng tiền vốn tiếp tục giải quyết cho 6 hộ nghèo vay.

Theo Chủ tịch UBND xã Ya Xiêr Nguyễn Văn Niệm, đã có những tấm gương điển hình thoát nghèo nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, như gia đình chị Y Rưới (làng O) vay vốn chăn nuôi bò sinh sản. Nhờ 30 triệu đồng vốn vay từ Nhà nước, chị mua 1 con bò cái sinh sản, đầu tư xây dựng chuồng trại, chăm sóc cây trồng; đến nay đàn bò đã sinh sản lên 4 con, cùng với đó là rừng cao su do chị chăm sóc cho thu nhập giúp cuộc sống ổn định. Hay như trường hợp bà Y Thơm (54 tuổi, làng O) có thu nhập hơn 180 triệu đồng/năm, thuộc dạng khá giả trong vùng. Bà mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích trồng lên 800 cây cà phê và 3ha cao su tạo nhiều công ăn, việc làm cho những người trong làng...

Hay điển hình nhất là sự đổi thay của thôn Thanh Xuân, nơi hơn 300 hộ dân gần 30 năm trước từ Thanh Hóa vào Tây Nguyên làm kinh tế mới (nay chia thành 2 thôn Thanh Xuân và thôn 4). Vượt qua muôn vàn khó khăn, người dân nơi đây đã xây dựng thôn Thanh Xuân ngày càng phát triển. Đi một vòng thôn Thanh Xuân hay thôn 4 hôm nay, nhà cửa, đường sá đều sạch đẹp và xây dựng kiên cố...

Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã Ya Xiêr chỉ còn gần 16%. (năm 2015 là 40%). Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới  tiếp tục đẩy mạnh và được sự hưởng ứng tích cực của người dân. Từ nhiều nguồn vốn khác nhau, xã tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, trạm biến áp, trường học… Theo đó, đến nay, xã đạt 12/19 tiêu chí nông thôn mới.

Đến Ya Xiêr dưới chân núi Chư Tan Kra hôm nay, chúng ta có thể cảm nhận sự đổi thay rõ nét, đời sống Nhân dân không chỉ ổn định mà ngày càng được nâng lên đáng kể. Các tầng lớp Nhân dân luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của hệ thống chính trị địa phương. Đó là minh chứng về thành quả của đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của cán bộ, Nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã. Mây trắng trên núi Chư Tan Kra vẫn bay và ở đó, công trình tưởng niệm những liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì bình yên cho Tổ quốc luôn được người dân Ya Xiêr hướng tới.

Tin cùng chuyên mục
Những cuộc di cư bất đắc dĩ vì... sạt lở đất

Những cuộc di cư bất đắc dĩ vì... sạt lở đất

Thành lệ, mỗi khi có mưa kéo dài, nhiều hộ gia đình vùng miền núi Nghệ An lại tất tả di cư để bảo vệ tính mạng. Những cuộc di cư bất đắc dĩ ấy, lại khởi đầu cho một cuộc sống mới khó khăn, vất vả hơn khi mà chốn ở cũ đã bị núi sụt, lũ quét vùi lấp.