Nông dân vùng cao bắt nhịp chuyển đổi số
Trước những ưu điểm của việc ứng dụng công nghệ thông tin, Nghệ An đang tích cực triển khai Tiểu dự án 2: Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS và miền núi thuộc Dự án 10 Chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719).
Trước đây, đồng bào Thái bản Phòng trồng cà ngọt, cà chua múi ở thị trấn Thạch Giám (Tương Dương) hầu như chỉ biết trông cậy vào thương lái để tiêu thụ sản phẩm. Kể từ khi mạng xã hội phát triển, hầu như ai cũng có tài khoản Facebook, Zalo, TikTok nên người dân đã biết vận dụng để livestream bán nông sản qua mạng.
Đặc biệt, quy trình từ khâu xuống giống, chăm sóc cho đến khi thu hái được nhiều hộ quay lại hoặc phát trực tiếp trên trang cá nhân… Nhờ thế, rau sạch bản Phòng được người tiêu dùng biết đến, nhiều người kết nối được với các hệ thống bán lẻ hiện đại để tiêu thụ…
Ông Lương Văn Toàn, một hộ sản xuất rau ở bản Phòng cho biết: Những vụ đầu, khi thu hoạch, cán bộ xã ra tận ruộng, hướng dẫn bà con cách livestream, cách chốt đơn, tương tác với khách hàng... Ban đầu thì những hộ trẻ hưởng ứng. Sau này, hộ này học hỏi hộ kia và đến nay, hầu hết các hộ dân đều biết cách bán nông sản qua mạng.
Hay như thổ cẩm Hoa Tiến ở xã Châu Tiến (Quỳ Châu), chỉ cần gõ từ khóa “Thổ cẩm Hoa Tiến” trên Google, thì đã có gần 6,5 triệu kết quả hiện ra trong 0,3 giây. Điều đó cho thấy, độ “phủ sóng” rộng lớn trên môi trường mạng với sản phẩm của làng nghề truyền thống này.
Hiện nay, thổ cẩm Hoa Tiến không chỉ phổ biến ở thị trường trong nước, mà còn được người Việt ở nước ngoài đặt mua, xuất bán sang Lào, Thái Lan và khách du lịch ngoại quốc, tất cả là nhờ sự quảng bá trên các nền tảng số. Việc bán hàng trên nền tảng công nghệ 4.0 đã giúp HTX tiêu thụ được hơn 40% sản phẩm làm ra.
Ngoài ra, các sản phẩm của HTX thổ cẩm Hoa Tiến đã được số hoá theo chương trình “Hỗ trợ xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP” của Sở Khoa học và Công nghệ.
Theo đó, bằng cách sử dụng phần mềm triển lãm tương tác thông minh 3D/360 để số hóa sản phẩm OCOP, với các tính năng thì chỉ cần một cú click chuột vào đường link, thì toàn bộ thông tin về các sản phẩm OCOP của HTX làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến sẽ hiển thị với hình ảnh sinh động bởi công nghệ 3D, lời bình cuốn hút rất hấp dẫn người xem. Nhờ đó, tạo ấn tượng với khách hàng, giúp HTX có dữ liệu khi giới thiệu với các đối tác nước ngoài mà không cần phải mang hồ sơ, sổ sách, giấy tờ rườm rà như trước.
Lĩnh vực du lịch cũng trở nên đắt sô hơn từ công nghệ số. Và kho tài nguyên du lịch như rừng nguyên sinh Pù Mát, thác khe Kèm, rừng Săng Lẻ, đỉnh Puxailaileng… đều được du khách gần, xa biết đến thông qua sự quảng bá bằng công nghệ số, kết nối mạng internet. Bà Vi Thị Thắm, Chủ tịch Công ty TNHH Trung tâm Điều phối du lịch miền Tây Nghệ An (TNT Tây Nghệ Tourist) cũng khẳng định điều này.
Bà Thắm nhấn mạnh: Hầu hết các doanh nghiệp cũng như cá nhân kinh doanh mảng du lịch ở Nghệ An, đều đẩy mạnh công tác truyền thông đưa hình ảnh điểm đến, các dịch vụ đến với du khách thông qua mạng xã hội, qua các hỗ trợ của công nghệ số. Đó là bước đầu tiên để kết nối với du khách.
Những trợ lực của các cấp chính quyền
Xác định rõ vai trò của chuyển đổi số trong quảng bá, tiêu thụ nông sản, thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động này, với mục tiêu đổi mới, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh cho nông sản địa phương. Trong đó, xây dựng sàn thương mại điện tử nhằm giới thiệu quảng bá sản phẩm trong tỉnh tới người tiêu dùng trên cả nước.
Trong 2 năm qua, Sở Công Thương đã hỗ trợ 21 huyện, thành, thị mở các gian hàng cấp huyện trên sàn giao dịch thương mại điện tử Nghệ An, với hơn 266.373 hộ tham gia, tổng số sản phẩm được đưa lên sàn là 8.836 sản phẩm, xếp thứ 5 cả nước về số sản phẩm nông nghiệp được đưa lên sàn. Trong đó, có rất nhiều sản phẩm của đồng bào miền núi như thổ cẩm, bò giàng, lạp xưởng, mây tre đan, dược liệu…
Tuy nhiên, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại liên quan đến nhân lực và hạ tầng cơ sở. Thực tế thì vùng miền núi do gặp khó khăn về khoảng cách địa lý, dân cư sống rải rác, trình độ của một bộ phận người dân còn hạn chế, chưa kể mạng internet, điện lưới thắp sáng nhiều nơi chưa phủ kín…
Vì vậy, để giúp các địa phương vùng cao tiếp cận, ứng dụng công nghệ số, ngoài thực hiện hiệu quả Tiểu dự án 2, Dự án 10, Chương trình MTQG 1719 về việc ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS và miền núi; cũng như các cơ chế chính sách khác của Đảng, Nhà nước, thì cần có sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, với các giải pháp đồng bộ để tạo động lực, từng bước tháo gỡ các “điểm nghẽn”, khuyến khích, hỗ trợ đưa chuyển đổi số thành một trong những nguồn lực phát triển của vùng cao.
Tại Kế hoạch 1004/KH-UBND về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An năm 2024, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện các nội dung theo mốc lộ trình cụ thể. Trong đó, mục tiêu về kinh tế chiếm khoảng 10% GRDP.
80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác. Về xã hội số, phấn đấu trên 45% người dùng điện thoại, thiết bị thông minh được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh. 50% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử.
Ông Võ Trọng Phú, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An nhấn mạnh: Trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin ở vùng cao, yếu tố con người đóng vai trò quyết định. Chuyển đổi số thì nhấn mạnh chuyển đổi là chính, tức là chuyển trạng thái từ môi trường thực sang môi trường số, nên phải có thời gian nhất định, mà trước hết là chuyển đổi về nhận thức. Vì vậy, không thể nóng vội, mà cần có thời gian và lộ trình, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa.