Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Cần siết chặt quản lý hoạt động thương mại điện tử

Minh Thu - 10:08, 28/10/2024

Với sự phát triển mạnh mẽ không ngừng của công nghệ thông tin, Việt Nam đang trở thành điểm đến mới, hấp dẫn của các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT), đặc biệt là các nền tảng TMĐT xuyên biên giới. Trước thực trạng này, cơ quan chức năng cần có biện pháp quyết liệt trong công tác quản lý hoạt động TMĐT.

Hàng hóa bán trên sàn TMĐT không được kiểm chứng, doanh nghiệp và người tiêu dùng dễ gặp rủi ro.
Hàng hóa bán trên sàn TMĐT không được kiểm chứng, doanh nghiệp và người tiêu dùng dễ gặp rủi ro

“Đại náo” thị trường

Theo thống kê của nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) Metric.vn, 9 tháng đầu năm 2024, đã có tới hơn 580 nghìn nhà bán hàng trên các sàn TMĐT. Đặc biệt, làn sóng gia nhập của nhiều nền tảng TMĐT Trung Quốc như Temu, 1688, Taobao đang bủa vây và gây sốc cho nhà bán hàng cũng như hàng Việt. Riêng trong tháng 10, sức tăng trưởng càng trở lên nóng hơn, khi Temu, sàn TMĐT của Trung Quốc gia tăng sự hiện diện của mình tại Việt Nam với nhiều mặt hằng thuộc loại giá rẻ “giật mình”.

Chúng tôi cho rằng các nhà quản lý cần sớm siết chặt quy định về thuế quan, các vấn đề kinh doanh chống phá giá trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới và tăng cường kiểm soát chất lượng hàng nhập khẩu online.

Ông Trần Lâm Giám đốc Công ty TNHH Natural House

Theo nhận định của các chuyên gia, điều này gia tăng áp lực cạnh tranh cho giới sản xuất và nhà bán lẻ trực tuyến (online) trước làn sóng giá rẻ và tốc độ dịch vụ, nhất là khi thị trường bán lẻ online vốn đã bị chi phối bởi các nền tảng nước ngoài như Shopee, Lazada và TikTok Shop.

Liên quan tới sự gia nhập của nền tảng TMĐT giá rẻ Trung Quốc Temu tại thị trường Việt Nam, mới đây, đại diện Cục Thương mại điện tử - Kinh tế số (TMĐT-KTS), Bộ Công Thương cho biết, việc gia nhập này là điều dễ hiểu, nhất là khi TMĐT đang được đánh giá là điểm đến của các nền tảng TMĐT xuyên biên giới.

Theo đại diện Cục TMĐT - KTS, hiện nay, dù Temu chưa đăng ký kinh doanh tại Việt Nam, nhưng thực tế, từ gần hai tuần nay, Temu đã triển khai rầm rộ các chương trình khuyến mãi khủng. Temu còn kêu gọi người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng tham gia chương trình tiếp thị liên kết (Affiliate), với chiết khấu lên tới 30%. Chưa hết, nền tảng này còn tặng tới 1,5 triệu đồng cho người dùng ứng dụng mới trên App Temu, thậm chí giảm đến 90% kèm theo miễn phí vận chuyển.

Là người kinh doanh ngành thời trang, cũng là mặt hàng chủ lực của Temu, ông Đào Thế Vinh, Nhà sáng lập của Midori Việt Nam đang mất ăn mất ngủ, khi chỉ một tuần qua, doanh số bán hàng sụt giảm liên tục, có mặt hàng giảm tới 55%.

“Một chiếc túi xách đang bán bên Trung Quốc với giá 22.000 đồng, trong khi giá gia công ở Việt Nam đang là 40.000 đồng. Vậy, làm sao cạnh tranh nổi nếu để Temu, hay các nền tảng giá rẻ khác ồ ạt vào Việt Nam. Giá bán này thực sự khiến các nhà bán lẻ online phải lo sợ và đặt câu hỏi về liệu có đảm bảo tính hài hòa về cạnh tranh giá”- ông Vinh bày tỏ lo ngại.

Temu đang thực hiện các thủ tục xin đăng ký kinh doanh tại Việt Nam (Ảnh minh họa).
Temu đang thực hiện các thủ tục xin đăng ký kinh doanh tại Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Cần siết chặt quản lý

Theo ông Trần Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Natural House, dù Temu đang mang lại cơ hội kiếm tiền thông qua Affiliate và cơ hội mua hàng giá rẻ nhưng đây chỉ là lợi ích ngắn hạn, không thực sự mang lại tín hiệu tốt về lâu dài. Bởi sẽ làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp, người tiêu dùng còn có thể gặp phải rủi ro về chất lượng sản phẩm. Trong khi việc đổi trả hàng là rất khó khăn.

“Chúng tôi cho rằng các nhà quản lý cần sớm siết chặt quy định về thuế quan, các vấn đề kinh doanh chống phá giá trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới và tăng cường kiểm soát chất lượng hàng nhập khẩu online”- ông Trần Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Natural House đề xuất.

Tại cuộc họp thường kỳ mới đây của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, bản thân ông cũng giật mình vì thấy giá rẻ của Temu.

“Chúng ta phải điều tra, nghiên cứu cụ thể, chưa dám khẳng định giá đó là thật hay không, vì tôn trọng việc mua bán là thỏa thuận trên thị trường. Khi có kết quả nghiên cứu, Bộ Công Thương sẽ đề ra giải pháp nhằm kiểm soát” - ông Tân nói.

Cũng theo đại diện Cục TMĐT - KTS, mới đây, ngày 24/10, Temu đã chính thức có văn bản gửi Cục TMĐT - KTS về việc thực hiện các yêu cầu tuân thủ pháp luật TMĐT Việt Nam khi gia nhập thị trường. Nói cách khác Temu đang làm thủ tục đăng ký hoạt động tại thị trường Việt Nam

Dù vậy, để tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực TMĐT xuyên biên giới nói chung, Cục TMĐT -KTS cho biết, Bộ Công Thương đã triển khai quyết liệt hàng loạt các biện pháp. Theo đó, Bộ đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành công điện về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về TMĐT. Trong đó có nội dung nghiên cứu, đề xuất ban hành Luật chuyên ngành về TMĐT, sửa đổi Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ tăng cường giám sát, kiểm soát các hàng hoá, sản phẩm từ các nền tảng xuyên biên giới. Chỉ đạo Ủy ban Cạnh tranh quốc gia tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng. Chú trọng tuyên truyền kịp thời đến người tiêu dùng, nâng cao nhận hức về những rủi ro khi mua hàng trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới.

“Trong trường hợp phát sinh những vi phạm, sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để có biện pháp kỹ thuật ngăn chặn phù hợp” - đại diện Cục TMĐT - KTS, Bộ Công Thương nhận định.

Trước nguy cơ hàng giá rẻ tràn vào thị trường Việt Nam qua kênh TMĐT sẽ gây khó khăn cho các ngành sản xuất trong nước, trao đổi bên lề phiên thảo luận Tổ về kinh tế - xã hội của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 26/10, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, ông đã nhận được phản ánh về sàn TMĐT Temu và đã gọi điện cho lãnh đạo Tổng cục Thuế, yêu cầu kiểm tra ngay việc lập hồ sơ thu thuế đối với sàn TMĐT Temu đang được thực hiện như thế nào, khẩn trương đôn đốc, yêu cầu kê khai nộp thuế.

Sau khi gọi điện chỉ đạo Tổng cục Thuế, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết sàn TMĐT Temu cũng nằm trong diện phải nộp thuế như Google, Facebook…

“Tổng Cục thuế đang cho kiểm tra dữ liệu và yêu cầu đến kê khai nộp thuế. Trường hợp không nộp sẽ tổ chức thanh tra, xử lý” - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay.

Trước nguy cơ hàng giá rẻ tràn vào thị trường Việt Nam qua kênh TMĐT sẽ gây khó khăn cho các ngành sản xuất trong nước, trao đổi bên lề phiên thảo luận Tổ về kinh tế - xã hội của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 26/10, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, ông đã nhận được phản ánh về sàn TMĐT Temu và đã gọi điện cho lãnh đạo Tổng cục Thuế, yêu cầu kiểm tra ngay việc lập hồ sơ thu thuế đối với sàn TMĐT Temu đang được thực hiện như thế nào, khẩn trương đôn đốc, yêu cầu kê khai nộp thuế.

Tin cùng chuyên mục