Theo báo cáo thương mại điện tử Đông Nam Á của tổ chức OpenGov Asia công bố gần đây, Việt Nam đã vượt qua Philippines để trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ ba trong khu vực. Năm 2023, tổng giá trị hàng hóa (GMV) của 8 nền tảng thương mại điện tử hàng đầu Đông Nam Á đạt 114,6 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việt Nam dẫn đầu quỹ đạo tăng trưởng, với GMV tăng 52,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam đang tăng cường nỗ lực phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới như một động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng, được hỗ trợ bởi nhiều chính sách, hướng dẫn và giải pháp đổi mới.
Lĩnh vực này đang mở rộng với tốc độ nhanh hơn 2,3 lần so với thương mại điện tử thông thường trong khoảng thời gian từ năm 2022 - 2025, với dự báo mức tăng trưởng hàng năm sẽ vào khoảng 20% cho đến năm 2026.
Trong 5 năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã mở rộng đáng kể phạm vi hoạt động quốc tế, với số lượng sản phẩm xuất khẩu qua nền tảng thương mại điện tử quốc tế tăng 300%, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt doanh thu hàng năm trên 1 triệu USD.
Chính phủ Việt Nam cùng các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp đang tích cực thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển bền vững trong thương mại điện tử.
Báo cáo đề cập đến những sáng kiến của Việt Nam nhằm thúc đẩy thương mại điện tử như Cục Thương mại điện tử và Kinh tế Kỹ thuật số Việt Nam đang tăng cường khuôn khổ pháp lý, cung cấp hỗ trợ tài chính, khuyến khích đầu tư và đảm bảo bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng; Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ban hành Công điện số 56/CĐ-TTg nhằm tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử và kinh doanh số.
Tuy nhiên, theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2023, thương mại điện tử đang tăng trưởng nhanh nhưng bộc lộ nhiều yếu tố không bền vững. Có hai khâu chính trong quy trình làm thương mại điện tử tác động xấu tới môi trường. Một là khâu giao hàng, liên quan đến xe cộ chạy trên đường thải lượng lớn khí carbon. Hai là khâu đóng gói, bao gồm việc sử dụng các vật liệu như hộp carton, bao bì ni lông, màng xốp hơi, hộp xốp, đồ nhựa dùng một lần. Giải pháp giao hàng siêu tốc cũng gây nhiều quan ngại vì làm gia tăng phát thải khí carbon.
Với tốc độ tăng trưởng trung bình duy trì trên 25% mỗi năm, có thể thấy tới năm 2030 lượng rác thải nhựa phát sinh từ thương mại điện tử sẽ rất lớn. Các sản phẩm được mua bán qua thương mại điện tử hầu hết dùng bao bi nhựa, không thể tái chế.
Khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho thấy rất ít doanh nghiệp thương mại điện tử và thương nhân biết tới và có các kế hoạch phù hợp để sử dụng các bao bì, vật liệu thay thế.
Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam cũng đã công bố báo cáo Chất thải nhựa bao bì từ thương mại điện tử tại Việt Nam. Báo cáo cho thấy, năm 2023, thương mại điện tử ở Việt Nam sử dụng tới 332 nghìn tấn bao bì, trong đó khối lượng bao bì nhựa các loại là 171 nghìn tấn, phần lớn bao bì nhựa này thải ra môi trường, làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm nhựa – vấn đề môi trường nghiêm trọng thứ hai trên thế giới, chỉ sau biến đổi khí hậu.
Theo đại diện Vụ Bưu chính, Bộ Thông tin và Truyền thông xác định mục tiêu phát triển kép: muốn phát triển nhanh thì chuyển đổi số, muốn bền vững thì chuyển đổi xanh. Việc lạm dụng các vật liệu nhựa sử dụng một lần, đặc biệt là khâu thương mại điện tử đang gây ra gánh nặng cho môi trường, ảnh hưởng đến tương lai của thế hệ sau.
Nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của rác thải nhựa từ thương mại điện tử nói chung, hoạt động đóng gói nói riêng, Bộ Thông tin và Truyền thông đang đề xuất một số giải pháp như quy định hạn chế tiến đến không dùng vật liệu nhựa sử dụng một lần trong đóng gói sản phẩm, thay thế bằng carton và vật liệu phân huỷ sinh học, đưa ra danh mục vật liệu thân thiện với môi trường.