Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Sản phẩm - Thị trường

Cần có nhiều giải pháp mạnh tay hơn để ngăn chặn vấn nạn hàng giả

Hương Trà - 20:59, 15/06/2024

Tại Hội thảo "Chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động thương mại điện tử, thương mại truyền thống: Thực trạng và giải pháp trong tình hình mới" do Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội vừa tổ chức đã đặt ra vấn đề cần có nhiều giải pháp mạnh tay hơn nữa để ngăn chặn vấn nạn này.


ngành cần xem xét bổ sung chế tài xử lý vi phạm đủ sức răn đe đối với các hành vi vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Cần xem xét bổ sung chế tài xử lý vi phạm đủ sức răn đe đối với các hành vi vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, năm 2023 các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý, bắt giữ 146.678 vụ vi phạm, trong đó 11.499 vụ mua bán, vận chuyển kinh doanh hàng cấm, hàng lậu (giảm 3,37% so với cùng kỳ); 129.713 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế (tăng 4,51% so với cùng kỳ).

Chỉ tính riêng vi phạm về sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là 5.464 vụ việc, tăng 48% so với cùng kỳ. Đây là thống kê đáng báo động về vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại.

Ông Đặng Văn Dũng, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết: Bên cạnh những mặt tích cực, thương mại điện tử cũng ẩn chứa nhiều thách thức đối với các nhà quản lý. Không ít đối tượng đã lợi dụng sự phát triển của thương mại điện tử để mua bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp với diễn biến ngày càng phức tạp.

Bên cạnh đó, tại các trung tâm thương mại, chợ truyền thống, cửa hàng tạp hoá tại các tỉnh, thành phố, không khó để tìm mua các loại hàng hoá có dấu hiệu giả nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Hoạt động nhập khẩu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thường có tổ chức rất chặt chẽ, bí mật, khép kín, nhiều mắt xích, nhiều đối tượng tham gia.

Tại Hội thảo, đại diện các cơ quan chức năng, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp đã thông tin thực trạng hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ với từng ngành hàng, doanh nghiêp và thống nhất cần có nhiều giải pháp mạnh tay hơn nữa để ngăn chặn vấn nạn này.

Về cơ chế, chính sách, các doanh nghiệp, hiệp hội đề nghị các bộ, ngành cần xem xét bổ sung chế tài xử lý vi phạm đủ sức răn đe đối với các hành vi vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền về sự ảnh hưởng cũng như tác hại của việc sử dụng hàng giả đến người dân.

Ngoài ra, cần nâng cao khả năng nhận diện cho cơ quan chức năng về phương thức thủ đoạn vi phạm hàng giả, hàng nhái. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đối với phương thức thương mại điện tử nhằm chấn chỉnh, cũng như xử lý vi phạm, tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh bền vững…

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, cần chủ động trong công tác xây dựng, bảo vệ thương hiệu, thực hiện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ chống giả vào sản phẩm. Đồng thời, doanh nghiệp cần loại bỏ tâm lý e ngại việc đấu tranh với hàng giả sản phẩm của doanh nghiệp.

Các hiệp hội, ngành hàng cần chủ động trong công tác tìm kiếm, chia sẻ thông tin với các lực lượng chức năng về các đối tượng có hành vi sản xuất kinh doanh, vận chuyển, cất giữ và buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp nói riêng cũng như vi phạm pháp luật nói chung.