Vững bước đi lên sau đổ nát chiến tranh
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, sông Bến Hải trở thành giới tuyến chia cắt hai miền Nam-Bắc. Vùng giới tuyến Quảng Trị trở thành chiến trường ác liệt với những trận chiến đi vào lịch sử dân tộc như trận 81 ngày đêm thành cổ, mặt trận đường 9- Khe Sanh…Cùng với sự bền bỉ và quyết tâm của quân, dân cả nước nói chung và quân dân Bình Trị Thiên nói riêng. Đến ngày 1/5/1972 quân địch đã phải tháo chạy khỏi Quảng Trị.
Sau khi được giải phóng, chính quyền và Nhân dân Bình Trị Thiên lại một lần nữa vững bước đi lên. Từ trong đổ nát sau chiến tranh, Đảng bộ và Nhân dân Bình Trị Thiên đã có những bước đi vững chắc trong phát triển kinh tế - xã hội.
Ngày 1/7/1989 tái tách tỉnh, Quảng Trị trở thành một đơn vị hành chính cấp tỉnh độc lập. Đây là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu thời kỳ mới, mở ra trang mới đối với Đảng bộ và Nhân dân Quảng Trị.
Nếu 1989, tổng sản lượng lương thực đạt hơn 11 vạn tấn thì đến 2018, toàn tỉnh đạt gần 29 vạn tấn, năm 2021, toàn tỉnh Quảng trị đã vượt trên 35 vạn tấn. Sau 50 giải phóng và 33 năm tái tách tỉnh, quy mô kinh tế ở Quảng Trị đã tăng gấp gần 200 lần, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng định hướng.
Theo số liệu thống kê, năm 2021, Quảng Trị có thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 2 khu vực Bắc Trung bộ (63 triệu đồng/người/năm), dẫn đầu khu vực về tốc độ GRDP. Tỷ lệ hộ nghèo đặc biệt là hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS giảm, giảm sâu trong những năm gần đây.
Vùng đồng bào DTTS được UBND tỉnh Quảng Trị có những chính sách ưu tiên phát triển. Hai huyện Đakrông và Hướng Hóa, nơi có hơn 80% dân số là người đồng bào DTTS đã có những bước tiến dài.
Đề án xác định cây con chủ lực, đề án định canh, định cư và những chính sách hỗ trợ phát triển cho cây cafê, chuối lùn… đã làm cho hàng trăm hộ đồng bào ổn định nơi ăn chỗ ở. Đời sống của những đồng bào DTTS không ngừng được tăng lên. Hoàng loạt chính sách như kiên cố hóa trường học, hỗ trợ sản xuất được triển khai đồng loạt đã làm cho bộ mặt ở vùng đồng bào DTTS như được “khoác tấm áo” mới.
Nhiều khu công nghiệp lớn như: Khu công nghiệp Quảng Trị, Quán Ngang, Nam Đông Hà…và hành loạt cụm công nghiệp như: Của Tùng, Hướng Tân… đã được hình thành và đi vào hoạt động. Cùng với đó, hệ thống cơ sở hạ tầng cũng không ngừng được đầu tư đồng bộ, tất cả đã tạo nên Quảng Trị phát triển, năng động trong thời kỳ hội nhập.
Làm điểm nhấn cho Quảng Trị, Đông Hà được đánh giá là một đô thị trẻ năng động. Với những tuyến đường thông thoáng, được quy hoạch bài bản. Trong quá trình phát triển, Đông Hà luôn hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh. Năm 2019, TP. Đông Hà cùng 37 thành phố khác trên toàn thế giới được vào vòng chung kết cuộc thi Thành phố Xanh giai đoạn 2017-2018 do Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên tổ chức.
Sau 50 giải phóng, 33 năm tái tách tỉnh, Quảng Trị vùng đất giới tuyến anh hùng đã có những bước tiến dài trong phát triển kinh tế - xã hội.
Quảng Trị “cất cánh”
Quảng Trị đang dần trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Những dự án điện gió, điện khí, điện mặt trời liên tục được xây dựng và đưa vào khai thác thương mại… Đặc biệt là dự án sân bay Quảng Trị đã được Chính phủ ký chấp thuận đầu tư, đó là những tiền đề để Quảng Trị “cất cánh”.
Hiện nay toàn tỉnh có 83 dự án điện gió đã được phê duyệt, trong đó có 31 dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác điện thương mại. Khi cả 83 dự án điện gió hoàn thành và đi vào khai thác, Quảng Trị sẽ có 3.500 tỷ đồng nguồn thu ngân sách mỗi năm từ điện gió.
Nắng và gió giờ đây lại chính là động lực, là điều kiện mà thiên nhiên dành cho Quảng Trị để bứt phá mạnh mẽ và đưa Quảng Trị dần trở thành một trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Những cánh đồng điện gió đã và đang hình thành tại vùng núi phía Tây của Quảng Trị. Khu vực Khe Sanh, Hướng Hóa được xem là “thủ phủ của gió” với 31 dự án được phê duyệt. Trong đó có 16 dự án đã đi vào vận hành, 5 dự án đang thi công vào giai đoạn cuối.
Cùng với điện gió, đất lửa Quảng Trị đã có 3 dự án điện mặt trời đi vào hoạt động với tổng công suất 149,5 MW. Để phát huy “lợi thế” của vùng đất nhiều nắng, UBND tỉnh Quảng Trị đã trình Bộ Công Thương xem xét và đưa vào bổ sung quy hoạch 19 dự án điện mặt trời với tổng công suất 1.391 MW.
Bằng những chính sách thu hút đầu tư, phát huy lợi thế từ những bất lợi như nhiều nắng, nhiều gió… những cánh đồng cát trắng giờ đây đã dần mang một màu xanh, màu xanh của sự phát triển bền vững, màu xanh của hy vọng. Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước đang dần được hình thành từ vùng giới tuyến anh hùng.
Một mô hình mới đó là điện khí cũng đang dần thành hình hài ở Quảng Trị, hiện đã có 3 dự án điện khí đang được triển khai thủ tục đầu tư tại Khu vực 1 thuộc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị bao gồm: Dự án nhà máy điện của Gazprom International (Liên bang Nga); Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng của Công ty Cổ phần T&T; Nhà máy điện khí LNG Hải Lăng 1 - Quảng Trị của Liên danh Công ty TNHH Tài Tâm và Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và Kinh doanh bất động sản Thăng Long.
Ba dự án này có tổng công suất là 6.340 MW và sẵn sàng tiêu thụ khi khí từ mỏ Kèn Bầu tiếp bờ. Trong đó dự án trung tâm điện khí LNG Hải Lăng do Công ty Cổ phần T&T đã được động thổ thi công.
Đặc biệt, cảng hàng không Quảng Trị cùng đã được Chính phủ ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng. Dự kiến cảng hàng không Quảng Trị sẽ được đầu tư xây dựng trong năm 2022 và hoàn thành và đưa vào sử dụng giai đoạn 1 vào năm 2024.
Những trụ điện gió, nhà máy điện khí, những khu công nghiệp hiện đại và cả những nỗ lực từ nội lực của Đảng bộ và Nhân dân Quảng Trị đã và đang làm cho “đất lửa” nở hoa. Khi Cảng hàng không Quảng Trị hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ trở thành đòn bẩy để đưa lĩnh vực du lịch và giao thông vận tải phát triển. Kinh tế - xã hội phát triển, đời sống Nhân dân từ miền xuôi đến miền ngược không ngừng được cải thiện, Quảng Trị chắc chắn sẽ “cất cánh” vươn cao.