Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Chính sách dân tộc

Trăn trở cùng giáo dục nghề nghiệp: Nhiều rào cản (Bài 1)

Sỹ Hào - 10:41, 10/06/2020

Luật Giáo dục năm 2019, có hiệu lực từ 1/7/2020, có quy định học sinh (HS) tốt nghiệp THCS, tham gia học nghề theo mô hình 9+ (vừa học nghề vừa học văn hóa) có thể đăng ký học các bậc học cao hơn, hệ chính quy (cao đẳng, đại học). Nhưng để quy định này đi vào thực tiễn thì phải tháo gỡ những nút thắt trong nhận thức về giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cũng như trong đào tạo liên thông.

Học nghề hiện đang là lựa chọn của một số ít học sinh.
Học nghề hiện đang là lựa chọn của một số ít học sinh.


Thực trạng hàng trăm nghìn sinh viên (SV) cao đẳng, đại học (CĐ, ĐH) đã ra trường nhưng đang thất nghiệp vẫn chưa đủ để thay đổi nhận thức của phụ huynh có con em chuẩn bị tốt nghiệp THCS. Họ vẫn hướng con em mình thi THPT, để lên CĐ, ĐH mà không chọn con đường học nghề.

Tâm lý khoa bảng

Thời điểm này, hàng triệu HS lớp 9 trên cả nước đang bước vào những ngày cuối cùng của năm học cuối cấp THCS. Thi vào lớp 10 là lựa chọn ưu tiên của đại đa số HS, còn lựa chọn học nghề chắc chắn sẽ không nhiều, khi mà tâm lý khoa bảng vẫn rất nặng nề.

Theo thống kê của Vụ Đào tạo chính quy - Tổng cục GDNN (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), mỗi năm cả nước có khoảng 1,2 triệu HS tốt nghiệp THCS. Trong đó, trên 70% HS chọn học tiếp lên THPT, chỉ có khoảng 15% HS lựa chọn học nghề; số còn lại tham gia thị trường lao động ngay sau khi tốt nghiệp.

Cũng theo phân tích của Vụ này, số HS tốt nghiệp lớp 9 lựa chọn học nghề những năm qua đại đa số sinh sống ở nông thôn, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Còn HS ở thành phố, thi vào lớp 10 gần như là con đường bắt buộc. Vì thế, ở những thành phố lớn, tỷ lệ HS học tiếp lên THPT rất cao, như Hà Nội là 75%, TP. Hồ Chí Minh là 77%…

Một trong những nguyên nhân chính khiến ít HS lựa chọn học nghề là do “sức ép” từ phụ huynh. Một nếp nghĩ phổ biến lâu nay của các bậc phụ huynh là, con em vừa tốt nghiệp lớp 9 vẫn còn “non” khi chọn học nghề để lập nghiệp. Hơn nữa, đại đa số phụ huynh đều mong muốn con em học tiếp lên THPT, rồi học lên CĐ, ĐH. Chính tâm lý này nên phụ huynh tự chọn tương lai cho con em mình, trong khi có không ít HS không có đủ năng lực vẫn bị “đẩy” lên học THPT.

Hạn chế trong chính sách

Chính tâm lý thích học lên cao, không cần biết xin được việc hay không đã dẫn tới thực trạng, hàng trăm nghìn SV CĐ, ĐH đã ra trường nhưng đang thất nghiệp. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), hết năm 2019, cả nước vẫn còn hơn 100.000 người thất nghiệp có trình độ ĐH, chưa tính trình độ CĐ.

Ngoài nguyên nhân từ phía phụ huynh, việc số lượng HS học nghề thấp một phần còn do những hạn chế trong phân luồng HS sau THCS. Đặc biệt, một rào cản khiến HS không mặn mà với GDNN là ở chính sách tuyển sinh ĐH hiện quá “mở”, tác động không nhỏ đến công tác phân luồng HS.

Thực tế cho thấy, từ khi Bộ GD&ĐT thực hiện đồng thời chính sách thi tuyển sinh ĐH với điểm sàn chung thấp và xét tuyển sinh ĐH, CĐ thông qua xét điểm học bạ THPT thì cơ hội để HS tốt nghiệp THPT vào học ĐH được mở rộng hơn. Hệ lụy là luồng HS tốt nghiệp THCS và THPT vào hệ thống GDNN thấp, các cơ sở GDNN càng khó khăn hơn trong tuyển sinh, trong thu hút HS vào học. Hậu quả là hầu hết các cơ sở GDNN trong nhiều năm gần đây chưa năm nào đạt được chỉ tiêu tuyển sinh được giao.

Thực trạng này khiến cho phân luồng HS sau THCS và THPT không đạt được mục tiêu đặt ra. Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” đặt mục tiêu đến năm 2021 đạt 30% HS sau THCS vào học các trường nghề. Nhưng đến thời điểm này, tỷ lệ này mới chỉ đạt 15%.

Để đạt mục tiêu phân luồng HS sau THCS, cùng với việc xóa bỏ tâm lý “khoa bảng” thì những giải pháp liên thông trong đào tạo cần được các cấp, ngành chú trọng. Nội dung này sẽ được Báo Dân tộc và Phát triển phản ánh trong số báo tiếp theo.