Một thời “lâm tặc”
Như có duyên nợ với Nghệ An, chuyến luồn rừng tìm trầm đầu tiên của Nguyễn Văn Huy là đến huyện Con Cuông. Huy nói, năm đó em vừa tròn 20 tuổi. Quê em ở xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), cũng là vùng rừng núi… Từ Con Cuông, nhóm của Huy tỏa đi khắp nơi để tìm kiếm vận may từ cây dó trầm. Không la bàn, không thiết bị, chỉ bằng kinh nghiệm của các “đại ca”, nhóm tìm trầm cứ thế cắt rừng mà đi. Sau 1 tháng, nhóm “người rừng” đã sang đến đất Lào. Huy cho biết, kỳ nam và trầm có trong thân cây dó. Cây càng lâu năm, thì trầm càng nhiều và chất lượng càng tốt. Trầm có giá rất cao, nên hấp dẫn nhiều người đi tìm.
Đêm thứ 4 ở rừng Lào, nhóm của Huy đang cắt rừng về “đại bản doanh”, thì bị phỉ phục kích. Đoàng, đoàng… hàng loạt đạn chát chúa vang lên. Anh trai tử vong, còn Huy và hai người nữa may mắn thoát chết. Chờ bọn phỉ đi xa, nhóm của Huy trở lại hiện trường, chôn cất anh xong thì lại lên đường… tìm trầm. “Chuyến đi sinh tử đó, bọn em tìm được rất ít trầm, sau khi bán chia nhau, mỗi người được 2 triệu đồng”, Huy vẫn còn nghèn nghẹn.
- Sao liều vậy, đánh đổi cả mạng sống? Tôi hỏi Huy.
- Đàn ông làng em đều đi thế cả. Mình cũng có biết làm gì khác đâu - Huy trả lời.
Giọng Huy chùng xuống khi kể về các cuộc tìm trầm tiếp theo. “Em phải đi nữa vì hai lý do. Một là tiếp tục tìm kiếm vận may, hai là phải bốc mộ anh trai về quê bằng được”, Huy tâm sự. Thế là nhóm của Huy lại “cày nát” những cánh rừng ở tỉnh Borikhamxay của Lào. Theo Huy cánh rừng này có nhiều cây dó già nua, có cây đã hàng trăm năm tuổi, nên khả năng tạo ra kỳ nam và trầm rất nhiều.
Kể từ đó, năm nào Huy cũng khăn gói 4 chuyến tìm trầm. Mỗi lần đi mất khoảng 2 - 3 tháng mới về. “Đi là biết đi vậy thôi, chứ không biết sống chết thế nào đâu”, Huy nói. Lần đi tìm trầm thắng lợi nhất của Huy là vào năm 2011. Cây dó già nua ấy đã cho nhóm của Huy một lượng trầm rất lớn, chia nhau mỗi người được 200 triệu đồng. Cứ thế, mỗi năm 4 chuyến, “lâm tặc” Huy và “đồng đội” lại vào vai “người rừng” ra đi…
Sám hối
Ông Trần Xuân Cường, Giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát kể lại: Cuối năm 2018, khi nhóm của Huy đang thực hiện vượt biên sang Lào, thì bị “biệt đội” giải cứu thú rừng và Bộ đội Biên phòng bắt giữ. Tôi là người từng công tác ở Phong Nha - Kẻ Bàng nên rất hiểu khả năng đi rừng của những người này. Tôi hỏi han họ, nhất là thu nhập từ việc tìm trầm. Huy trả lời tôi, mỗi tháng kiếm được khoảng 10 triệu đồng. Tôi lóe lên ý nghĩ thu nhận họ vào “biệt đội” giải cứu thú rừng. Tôi tin những “người rừng” này sẽ làm việc hiệu quả, vì họ quá rành rẽ mánh lới của lâm tặc. Với mức lương 7 - 8 triệu đồng mỗi tháng, chỉ có 2 trong số 4 người họ đồng ý với tôi. Đó là Huy và anh Nguyễn Văn Hải. Nhưng rồi anh Hải cũng nhanh chóng rời đi, chỉ có Huy trụ lại cho đến hôm nay.
Huy không còn dáng vẻ của một lâm tặc chuyên nghiệp. Anh cười hiền từ: Hồi đó bọn em bị phạt mỗi người 300 ngàn đồng. Nhưng nếu không bị bắt và bị phạt, thì đến nay em vẫn đang là “lâm tặc” mà không hay biết. Em nhớ mãi mùa Đông năm 2008, đó là thời khắc thay đổi cuộc đời…
Ông Lê Tất Thành - Đội trưởng Đội giải cứu thú rừng, nói: “Hải xin nghỉ phép rồi bặt vô âm tín. Lúc bấy giờ tôi nghĩ chắc Huy cũng “chuồn” thôi”. Huy không phủ nhận, em cũng đã có ý định bỏ việc. Nhà thì xa, cách những 300 cây số, vợ con cũng muốn em ở gần nhà… Thú thật, nếu về quê, không đi rừng nữa thì em vẫn có thu nhập hơn hẳn ở đây. Nhưng mỗi lần lóe lên ý định ấy, thì hình ảnh anh em trong đột miệt mài giải cứu thú rừng lại khiến em không nỡ xa họ. Và, em nghĩ mình phải có trách nhiệm trả nợ cho rừng, vì những tháng ngày trước đó mình đã góp phần tàn phá rừng…
“Trả nợ” cho rừng!
Dẫu đã nhiều năm lăn lộn ở Pù Mát, nhưng Đội trưởng Lê Tất Thành vẫn phải thán phục khả năng “cắt rừng” và năng lực nhận định của Huy. Hàng chục cây số đường rừng nguyên sinh, dốc đá dựng đứng nhưng Huy vẫn cứ phăm phăm, ít ai theo kịp. Với Huy chưa bao giờ cần đến bản đồ và la bàn. Cậu nói, chỉ cần nhìn tán lá và lớp rêu mọc trên thân cây là biết rõ phương hướng. Và kinh nghiệm “đi không dấu, nấu không khói” của “người rừng” Nguyễn Văn Huy đã làm cho lâm tặc khiếp đảm.
Ông Thành cho hay, kinh nghiệm đi rừng của Huy đã cho chúng tôi bài học rất lớn về giữ sức, giữ bí mật trong các cuộc giải cứu. Ví như, đêm đốt củi để sưởi ấm thì ngày dùng than đó để nấu ăn, không tạo ra khói, tránh bị lâm tặc phát hiện. Hay không cần mang vác lương thực, thực phẩm nhiều mà chia ra để giấu lại theo từng cung đường… Được tán thưởng, Huy rạng ngời nét mặt: “Đây là kinh nghiệm của dân đi tìm trầm bọn em. Làm cách này vừa bí mật, vừa không phải mang vác nặng, mà vẫn đủ thức ăn cho cả mấy tháng đi rừng”.
Cũng theo Đội trưởng Thành, dân đặt bẫy thú cũng rất tinh nghề, liên tục thay đổi cách thức, xóa dấu vết rất tinh vi. Nhưng, tất cả những mánh khóe ấy đều bị “người rừng” Huy phát hiện. Ví dụ: Sau khi bẫy giông giăng khắp rừng bị phát hiện, thì họ lại chuyển sang đặt bẫy lẻ, xóa các dấu vết khả nghi. Thế nhưng, với con mắt nhà nghề, Huy đã phát hiện ra dấu vết xâm nhập rừng dù rất nhỏ và phán đoán trúng phóc về vị trí đặt các bẫy lẻ…
Tôi hỏi Huy về cảm nhận của cậu khi từ “lâm tặc” trở thành “người nhà nước”? Huy cười rõ tươi: Vui lắm anh ạ, nhất là sau mỗi lần giải cứu được thú rừng. Những con thú cứ nhìn mình như van xin, cầu cứu, sau khi được gỡ bẫy, chúng vọt chạy vào rừng, hạnh phúc nào bằng. Có khi em ở lại luôn với Pù Mát cho đến ngày cảm thấy thanh thản để “trả nợ” cho rừng!