Xây dựng tai mắt khắp nơi
Nhiều năm nay, những cánh rừng nguyên sinh ở Tây Nguyên sinh luôn là tâm điểm chú ý của các nhóm lâm tặc. Nhưng có những khu rừng, lâm tặc chỉ cần nghe đến đã tránh xa. Điển hình như khu rừng do cựu chiến binh thôn Phú Danh nhận khoán bảo vệ từ Ban Quản lý rừng phòng hộ Hà Ra.
Ông Thái Văn Cường, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Phú Danh cho biết: Năm 2014, Chi hội nhận khoán quản lý bảo vệ 250ha rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Hà Ra. Mặc dù, diện tích rừng lớn mà lực lượng của chi hội mỏng chỉ có 25 người, nhưng cánh rừng vẫn được bảo vệ nghiêm ngặt. Từ thôn Phú Danh đến khu rừng mà Chi hội Cựu chiến binh thôn Phú Danh nhận khoán khá xa, đi xe máy cũng mất một buổi, do đó, Chi hội lập nhiều nhóm đi tuần, mỗi nhóm 3-4 người, chia ca một đợt mấy nhóm chia nhau đi tuần hết cánh rừng. “Một chuyến đi rừng kéo dài vài ngày mang theo gạo, thực phẩm nấu ăn. Đêm đến mắc võng trên cây ngủ hoặc tìm hang đá trú ẩn”.
Để giữ được rừng, ngoài việc phân công người đi tuần tra theo kế hoạch, Chi hội cũng tập trung tuyên truyền người dân chung tay bảo vệ rừng. Chi hội chủ động vận động người dân sinh sống gần khu rừng hoặc có ruộng nương gần đó trở thành “tai mắt” của Chi hội, phòng ngừa lâm tặc từ cửa rừng. Mỗi khi có người lạ đi vào rừng, người dân sẽ báo Chi hội, nhưng nhóm đang tuần tra tại rừng sẽ kịp thời ngăn chặn hành vi xâm hại rừng.
Vừa ngăn chặn, vừa cảm hóa
Trong 4 năm tham gia bảo vệ rừng, các cựu chiến binh đã nhiều lần đối mặt với hiểm nguy khi giáp mặt lâm tặc, thậm chí bị đe dọa. Cựu chiến binh Nguyễn Thành Duy kể: Lâm tặc nghênh ngang lắm. Có lần chúng đi xe máy độ chế định vào rừng thì bị người dân phát hiện báo cho chúng tôi. Ngay lập tức, tôi và 1 đồng chí khác phóng xe truy tìm. Khi giáp mặt, các đối tượng này ngang nhiên nói để chúng vào rừng nếu không sẽ xử đẹp. Những lúc vậy, chúng tôi phải khéo léo nhẹ nhàng giải thích, khuyên răn vừa có lý, vừa có tình mới giải quyết được “Việc quan trọng là, phải cảm hóa để lâm tặc bỏ nghề, nên dù chúng đe dọa chúng tôi vẫn tìm được chỗ ở để đến tận nhà vận động, mềm dẻo phân tích để họ hiểu”.
Ngoài bị lâm tặc đe dọa, khi đi tuần các cựu chiến binh còn phải đối mặt với những tình huống như, bị lũ cô lập nhiều ngày không về được nhà, bị vắt cắn, muỗi chích trong những chuyến đi xuyên rừng. Tham gia dập lửa khi rừng bị cháy, có cựu chiến binh trong lúc dập lửa bị rơi tiền, giấy tờ, bị lửa thiêu rụi. Tuy nhiên, các cựu binh không hề mệt mỏi bảo vệ rừng, tình đoàn kết anh em, đồng chí trong các chuyến đi tuần kiểm tra lại được nâng lên.
Hiện nay, mỗi năm Chi hội được nhận gần 70 triệu đồng từ dịch vụ môi trường rừng. Số tiền các cựu chiến binh chủ yếu dùng vào mua sắm võng, bạt, thực phẩm, xăng xe, số còn lại đóng góp Quỹ nghĩa tình đồng đội, hoạt động hội, số tiền trên còn dùng để thăm hỏi động viên những gia đình hội viên lúc hiếu hỉ, gặp khó khăn và trích một phần giúp đỡ các cháu học sinh trong thôn vượt khó học tập...
Ông Nguyễn Văn Chín, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Hà Ra nhận xét: “Từ khi Chi hội Cựu chiến binh thôn Phú Danh nhận khoán bảo vệ rừng đến nay, chưa lần nào xảy ra trường hợp bị mất rừng hoặc cháy rừng. Với cách cảm hóa khéo léo, mềm dẻo của các cựu chiến binh, lâm tặc chỉ cần nghe đến là nể rồi. Tôi cho đây là cách làm hay, mô hình hiệu quả tốt, cần được nhân rộng”.
LÊ HƯỜNG - VINH GIANG