Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tiếp cận tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong công tác dân tộc: Đa dạng nhưng thống nhất (Bài 2)

Cù Hương - Khánh Thư - 10:52, 06/12/2023

Cùng với tín ngưỡng truyền thống, hoạt động tôn giáo của đồng bào DTTS có những nét riêng độc đáo đã tạo nên một nền văn hóa đa dạng, nhiều màu sắc của các dân tộc. Tuy nhiên, bên cạnh việc tiếp cận những nét độc đáo riêng, cũng cần nhận diện những tôn giáo lạ để giải quyết hài hòa vấn đề dân tộc, tôn giáo trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Đảng ủy Công an Trung ương tổ chức gặp mặt các đại biểu Quốc hội Khóa XV là chức sắc tôn giáo, người DTTS nhân dịp Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Đảng ủy Công an Trung ương tổ chức gặp mặt các đại biểu Quốc hội Khóa XV là chức sắc tôn giáo, người DTTS nhân dịp Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Hài hòa quan hệ giữa các tôn giáo

Ở Việt Nam, để bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, Điều 24 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo được cụ thể hóa trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ hai thông qua ngày 18/11/2016 ) và trong rất nhiều văn bản pháp luật khác.

Với chính sách nhất quán đó, đời sống tôn giáo ở nước ta đang ngày càng phong phú, góp phần làm cho nền văn hóa Việt Nam đa dạng và đặc sắc. Theo Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” (được Ban Tôn giáo Chính phủ công bố ngày 9/3/2023), ở Việt Nam có trên 26,5 triệu tín đồ tôn giáo (chiếm 27% dân số cả nước), hơn 54.000 chức sắc, 135.000 chức việc và khoảng 29.658 cơ sở thờ tự.

Ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, tôn giáo cũng đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống của một bộ phận đồng bào DTTS. Thống kê từ các Ban Tôn giáo các tỉnh cho thấy, ở khu vực Tây Bắc hiện có khoảng hơn 600 nghìn đồng bào theo đạo; trong đó hơn 200 nghìn tín đồ Tin lành, Phật giáo có trên 130 nghìn tín đồ, Công giáo trên 300 nghìn tín đồ. Khu vực Tây Nguyên hiện có trên 2 triệu người tín đồ, chiếm 36% dân số toàn vùng; trong đó Công giáo có khoảng 1 triệu người, Tin lành trên 578 nghìn tín đồ, còn lại là các tôn giáo khác.

Nhiệm kỳ 2021 – 2026, có 05 vị chức sắc trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. (Trong ảnh: Các đại biểu Quốc hội Khóa XV là chức sắc tôn giáo, người DTTS tại buổi gặp mặt do Đảng ủy Công an Trung ương tổ chức nhân dịp Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV )
Nhiệm kỳ 2021 – 2026, có 05 vị chức sắc trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. (Trong ảnh: Các đại biểu Quốc hội Khóa XV là chức sắc tôn giáo, người DTTS tại buổi gặp mặt do Đảng ủy Công an Trung ương tổ chức nhân dịp Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV )

Còn ở Tây Nam Bộ, toàn vùng có trên 6 triệu tín đồ các tôn giáo, chiếm khoảng 33,6% dân số toàn vùng; trong đó có một số tôn giáo phát triển mạnh và chiếm số lượng tín đồ đông như Phật giáo. Trong tiểu vùng Nam Trung Bộ thì Ninh Thuận và Bình Thuận là 2 địa phương tập trung đông người Chăm theo tôn giáo nhất. Hiện có hơn 66 nghìn tín đồ Chăm Bàlamôn; khoảng 53.000 tín đồ Hồi giáo Bàni. Các tôn giáo khác cũng đều có tín đồ người dân tộc Chăm.

Tại lễ ra ra mắt Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” được tổ chức ngày 9/3/2023, ông Nguyễn Tiến Trọng - Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, đã chia sẻ những nét riêng trong văn hóa tôn giáo của Việt Nam. Theo ông Trọng, Việt Nam là đất nước ôn hòa trong quan hệ giữa các tôn giáo; có truyền thống đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước. Việc chung sống hòa bình và bao dung giữa các tôn giáo cùng với tình nhân ái, nhân bản của con người và xã hội Việt Nam đã tạo ra một bức tranh sinh động về tín ngưỡng, tôn giáo Việt Nam phong phú, đan xen lẫn nhau.

Cảnh giác với những tôn giáo lạ

Theo số liệu của Ban Tôn giáo Chính phủ, hiện Nhà nước đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo. Các tôn giáo có đông tín đồ nhất là: Phật giáo (hơn 14 triệu tín đồ), Công giáo (khoảng 7 triệu tín đồ), Phật giáo Hòa Hảo (khoảng 1,5 triệu tín đồ), Tin lành (khoảng 1,21 triệu tín đồ); Cao Đài (khoảng trên 1,1 triệu tín đồ). Ngoài ra, ở Việt Nam còn có các tôn giáo khác như: Hồi giáo, Tịnh độ Cư sỹ Phật hội, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Bàlamôn, Bửu Sơn Kỳ Hương, Minh Sư đạo, Minh lý đạo…

Trong 10 tháng đầu năm 2023, huyện Mèo Vạc đã tổ chức 2 đợt cao điểm về tuyên truyền, qua đó vận động được 125 hộ, với 629 khẩu tự nguyện từ bỏ theo tôn giáo lạ “San sư khẻ tọ”, quay về tín ngưỡng truyền thống.
Trong 10 tháng đầu năm 2023, huyện Mèo Vạc đã tổ chức 2 đợt cao điểm về tuyên truyền, qua đó vận động được 125 hộ, với 629 khẩu tự nguyện từ bỏ theo tôn giáo lạ “San sư khẻ tọ”, quay về tín ngưỡng truyền thống.

Tuy nhiên, ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, hiện vẫn còn một số hiện tượng tôn giáo lạ âm thầm hoạt động, tổ chức tôn giáo tự xưng không những chưa được cấp phép hoạt động, mà còn lôi kéo, kích động một bộ phận người dân ở vùng sâu, vùng xa đi ngược với phong tục, tập quán của dân tộc.

Công tác vận động đồng bào tôn giáo ở vùng đồng bào DTTS đã góp phần phát huy phát huy giá trị đạo đức các tôn giáo đẩy lùi các tệ nạn xã hội, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Đồng thời phát huy vai trò của chức sắc, tín đồ các tôn giáo trong phát hiện nhận diện và đấu tranh với các đối tượng cực đoan núp bóng tôn giáo hoạt động chống đối chính quyền; ngăn chặn hoạt động của các “tôn giáo mới, tà đạo, đạo lạ” như Hội thánh của Đức Chúa trời Mẹ, “Đạo Bà Cô Dợ”, “Hội thánh Giê Sùa”, các tổ chức bất hợp pháp như Pháp Luân công, Dương Văn Minh…

Đơn cử ở huyện Mèo Vạc (Hà Giang), địa phương từng là điểm nóng của hiện tượng tôn giáo lạ có tên là “San sư khẹ tọ”. Theo Bí thư Huyện ủy Phạm Văn Tú, hiện tượng tôn giáo này xâm nhập vào Mèo Vạc từ năm 1990, hiện vẫn đang hoạt động tại một số xã trên địa bàn huyện. Đi theo hiện tượng tôn giáo lạ này, đồng bào bỏ phong tục, tập quán của dân tộc, dỡ bỏ bàn thờ thờ cúng tổ tiên, chỉ ở nhà cầu nguyện, không còn chăm chỉ làm ăn và xa lánh cộng đồng, khiến cuộc sống của nhiều gia đình đã khó khăn càng trở nên khó khăn.

Để bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, giúp những người dân lạc lối, thời gian qua, huyện Mèo Vạc đã tập trung công tác tuyên truyền, vận động ở những địa bàn có tôn giáo lạ “San sư khẹ tọ” hoạt động. Trong 10 tháng đầu năm 2023, huyện đã tổ chức 2 đợt cao điểm về tuyên truyền, qua đó vận động được 125 hộ, với 629 khẩu tự nguyện từ bỏ theo tôn giáo lạ “San sư khẹ tọ”, quay về tín ngưỡng truyền thống.

Đến nay đã có 3 xã không còn hiện tượng tôn giáo lạ này hoạt động, gồm: Xín Cái, Khâu Vai, Cán Chu Phìn. Để đồng bào DTTS trên địa bàn huyện không nghe, không tin, tập trung phát triển kinh tế gia đình, từ ngày 15/11/2023 đến 15/1/2024, huyện Mèo Vạc sẽ tiếp tục mở cao điểm đợt 3 về tuyên truyền, vận động đồng bào theo đạo lạ quay về tín ngưỡng truyền thống.

Trong tiểu vùng Nam Trung Bộ thì Ninh Thuận và Bình Thuận là 2 địa phương tập trung đông người Chăm theo tôn giáo nhất. (Trong ảnh: Tết Ramưwan của đồng bào dân tộc Chăm theo đạo Hồi giáo Bàni ở tỉnh Bình Thuận - Ảnh: L.P)
Trong tiểu vùng Nam Trung Bộ thì Ninh Thuận và Bình Thuận là 2 địa phương tập trung đông người Chăm theo tôn giáo nhất. (Trong ảnh: Tết Ramưwan của đồng bào dân tộc Chăm theo đạo Hồi giáo Bàni ở tỉnh Bình Thuận - Ảnh: L.P)

Tại Hội nghị rút kinh nghiệm trong tuyên truyền vận động xóa bỏ tôn giáo lạ trên địa bàn tổ chức ngày 2/11/2023, Bí thư Huyện ủy huyện Mèo Vạc Phạm Văn Tú đề nghị, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; khuyến cáo người dân không tin, không theo các hiện tượng tôn giáo lạ; thực hiện tốt công tác quản lý về tôn giáo, đặc biệt là định hướng các hoạt động tín ngưỡng theo phong tục truyền thống và phù hợp với pháp luật Việt Nam.

Hoạt động của những hiện tượng tôn giáo lạ như “San sư khẹ tọ” ở huyện Mèo Vạc, không chỉ đi ngược với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước mà còn xâm phạm lợi ích của tín đồ theo đạo. Tại Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại hồi tháng 3/2023, Chánh văn phòng Ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Văn Long khẳng định, tại Việt Nam, các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, được tạo điều kiện hoạt động theo Hiến chương, Điều lệ và quy định pháp luật. Người có tín ngưỡng, tín đồ các tôn giáo được tự do bày tỏ đức tin tại gia đình, cơ sở thờ tự hoặc điểm nhóm đăng ký với chính quyền.

Trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam Xã hội chủ nghĩa, các tổ chức tôn giáo được tham gia vào đời sống chính trị xã hội. Nhiệm kỳ 2021 – 2026, có 05 vị chức sắc trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV; 88 chức sắc, chức việc và 35 tín đồ các tôn giáo trúng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh; 225 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và 246 tín đồ trúng cử đại biểu HĐND cấp huyện; 646 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và trên 5.000 tín đồ trúng cử đại biểu HĐND cấp xã. Các chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo cũng là thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và tích cực tham gia các Hội, đoàn thể khác như: Hội người cao tuổi Việt Nam, Hội người bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi Việt Nam, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam...

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.