Những tuyên truyền viên tích cực ở cơ sở
Hai mươi năm được bà con tín nhiệm bầu là già làng, Người có uy tín của buôn, ông Y Krúr Ayun, dân tộc Ê Đê ở buôn Đrao, xã Cư Né, huyện Krông Búk (Đắk Lắk) đã góp công lớn trong việc an ninh trật tự tại cơ sở.
Xã Cư Né từng là “điểm nóng” về tình trạng người dân vượt biên trái phép. Nghe theo lời dụ dỗ, một số hộ đồng bào DTTS trên địa bàn xã Cư Né rời buôn làng vượt biên đi tìm “thiên đường” nước thứ 3, ảnh hưởng lớn đến an ninh trật tự trên địa bàn.
Ông Y Krúr nhớ lại: Khoảng 15 năm trước, nhiều hộ gia đình trong buôn nghe lời dụ dỗ, xúi giục của kẻ xấu bỏ lại nhà cửa, nương rẫy vượt biên trái phép sang Cunpuchia, Lào để được đi đến nước thứ 3 sống cuộc sống sung sướng. Ông đã cùng cán bộ các cấp tổ chức nhiều cuộc họp buôn tuyên truyền pháp luật để người dân hiểu, thường xuyên gặp gỡ nắm bắt tâm tư, hiểu hoàn cảnh, rồi đến từng nhà có người vượt biên để khuyên nhủ, tìm các liên lạc trực tiếp để vận động họ về. Năm 2009, ông còn cùng Bộ Tư lệnh Quân khu 5 lặn lội sang tận Lào, Campuchia vận động bà con.
Bản thân là người Ê đê, ông hiểu ngôn ngữ, nắm rõ phong tục tập quán và cũng hiểu hoàn cảnh từng hộ gia đình trong buôn. Cùng với cách sống gần gũi, quan tâm, chia sẻ nên người dân tin tưởng, tín nhiệm. Đặc biệt, là cách tuyên truyền bằng những câu chuyện “người thật việc thật” về cảnh sống khốn khổ nơi đất khách của người từng vượt biên của ông, bà con rất lắng nghe.
Hiểu rõ bản chất, giác ngộ vấn đề, nhiều gia đình không còn tìm cách vượt biên, mà trở về với nương rẫy, tập trung làm ăn phát triển kinh tế. Cùng với sự quan tâm hỗ trợ của cấp úy, chính quyền, các hội, đoàn thể, cuộc sống của các gia đình từng vượt biên trở về dần ổn định.
“Những năm gần đây, buôn không còn có người vượt biên trái phép nữa, tình hình an ninh trật tự ổn định, bà con chí thú làm ăn, cuộc sống của bà con ngày càng ấm no, diện mạo buôn khởi sắc”, ông Y Krúr chia sẻ.
Ông Y Huấn Mlô, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Né tâm sự: Người có uy tín trên địa bàn xã luôn nêu cao vai trò, trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương.
Đặc biệt, Người có uy tín góp công lớn trong việc vận động bà con DTTS vượt biên trái phép trở về quê hương. Cùng với sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị tạo điều kiện giúp đỡ, Người có uy tín tích cực động viên, người vượt biên trở về tập trung phát triển kinh tế, đời sống ngày càng khá giả.
Cảnh giác cú lừa “việc nhẹ lượng cao”
Bằng sức ảnh hưởng, sự hiểu biết, ông Nay Ky, dân tộc Gia Rai, Người có uy tín, ở làng Tao Ôr, xã Ia Roong, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai góp công lớn trong công tác tuyên truyền, vận động, củng cố khối Đại đoàn kết dân tộc ở cơ sở.
Thời gian vừa qua, các đối tượng xấu đã lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của một bộ phận bà con DTTS, tìm cách móc nối, dụ dỗ, lừa phỉnh người dân sang nước ngoài làm việc nhẹ lương cao. Tin vào điều không có thực đó, nhiều người dân huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai đã bán hết tài sản, thậm chí vay thêm tiền đưa cho các đối tượng để vượt biên trái phép sang Campuchia, Thái Lan và ngậm ngùi trở về trong cay đắng.
Trước tình hình trên, là Người có uy tín, ông Nay Ky đã phối hợp với chính quyền địa phương và hệ thống chính trị thôn đến tận nhà động viên, giúp đỡ người lầm lỗi trở về sớm hòa nhập với cộng đồng, ổn định cuộc sống.
Ông Nay Ky cho biết: Trong các cuộc họp buôn, ông thường vận động bà con không nghe và không theo lời dụ dỗ của kẻ xấu vượt biên đi làm việc nhẹ lương cao, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng lòng xây dựng khối Đại đoàn kết, tích cực tham gia phong trào bảo vệ an ninh trật tự.
"Đối với những trường hợp vi phạm, tôi cùng với chính quyền địa phương, ban tự quản thôn đến tận nhà động viên, giúp đỡ họ hòa nhập với cộng đồng, ổn định cuộc sống. Trong số những người bị dụ dỗ đi làm việc nhẹ lương cao, chủ yếu lứa tuổi thanh niên, nên tôi gặp gỡ tuyên truyền giải thích cho họ nhận ra rằng, không đâu bằng quê hương mình, chăm lo làm ăn, tỉnh táo trước âm mưu, dụ dỗ của kẻ xấu", ông Nay Ky chia sẻ cách ông tuyên truyền, vận động Nhân dân.
Không chỉ có ở huyện Chư Pưh, ở một số địa phương khác ở Gia Lai như Đăk Đoa, Chư Sê, Phú Thiện, Krông Pa…thời gian vừa qua, tình trạng dụ dỗ đồng bào DTTS vượt biên trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra khá phức tạp, đã có không ít trường hợp đã bị dụ dỗ dính bẫy đi lao động ở nước ngoài của các đối tượng xấu.
Lực lượng Công an, các cấp chính quyền tỉnh Gia Lai đã tăng cường xuống cơ sở bám làng tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức rõ những âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng xấu. Đồng thời, phát huy vai trò của đội ngũ Người có uy tín tuyên truyền người dân không tin, không nghe kẻ xấu lôi kéo, kích động vượt biên.
Thượng úy Hoàng Đình Sơn, cán bộ Công an xã Ia Roong chia sẻ: Người có uy tín đã phát huy tốt vai trò phối hợp với lực lượng Công an xã thực hiện rất hiệu quả công tác tuyên truyền vận động người dân, nhất là những hộ dân có ý định vượt biên. Nhờ có Người có uy tín mà địa phương đã ngăn cản được nhiều người dân có ý định trốn đi nước ngoài ở lại an tâm chăm lo sản xuất, phát triển kinh tế tại thôn làng.