Tiếp chuyện chúng tôi tại gian phòng khách của gia đình treo rất nhiều Bằng khen về thành tích gia đình văn hóa xuất sắc; Người có uy tín tham gia phát triển kinh tế- xã hội địa phương; thành tích trong Cuộc vận động Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy vai trò Người có uy tín trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư...
Đặc biệt là bức ảnh Chủ tịch nước đến thăm gia đình văn hóa xuất sắc Bá Bình Lợi được ông treo ở vị trí trang trọng nhất của phòng khách. Ông Lợi vẫn nhớ như in niềm vinh dự to lớn của gia đình là ngày 21/4/2012, nhân chuyến về công tác tại tỉnh Ninh Thuận, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới thăm gia đình và động viên ông phát huy vai trò Người cao tuổi tiếp tục xây dựng gia đình, tộc họ ngày càng phát triển, hạnh phúc và xây dựng thôn xóm ngày càng giàu đẹp.
Niềm vinh dự thứ hai là ngày 18/12/2013, ông được mời ra Thủ đô Hà Nội tham dự Hội nghị Tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc toàn quốc. Tại Hội nghị này, ông được gặp và chụp ảnh lưu niệm cùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. “Hai lần được gặp và chụp ảnh cùng người đứng đầu Nhà nước là kỷ niệm đẹp đáng quý nhất trong cuộc đời mình. Động viên tôi nỗ lực chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc, thôn xóm giàu đẹp”, ông Bá Bình Lợi bộc bạch niềm vui.
Trao đổi với Người có uy tín Bá Bình Lợi, chúng tôi được biết, ông sinh trưởng ở làng Chăm Thành Ý (Palei Tabeng, làng Nước Lợ) thuộc xã Thành Hải, TP. Phan Rang - Tháp Chàm. Từ thời trai trẻ, theo sự sắp đặt của hai bên cha mẹ, ông xây dựng gia đình với bà Lưu Thị Lầu rồi về ở rể làng Phước Đồng (Palei Mblang Kacak, làng Sân Gai). Khi về làm rể làng Phước Đồng, ông chuyên tâm gắn bó với nghề dạy học cho nhiều thế hệ con em địa phương. Các thế học trò do ông Bá Bình Lợi tận tâm dạy chữ bậc tiểu học đến nay đã lên chức ông bà vẫn bày tỏ lòng tôn sư trọng đạo, kính trọng người thầy dạy học đầu đời. Người dân làng Chăm Phước Đồng vẫn tôn kính gọi Người có uy tín Bá Bình Lợi là “Thầy Lợi” như thuở nào ông vẫn đến trường dạy chữ cho con em đồng bào Chăm địa phương.
Với phong thái mẫu mực của người thầy trong lời ăn tiếng nói và ứng xử chuẩn mực với dân làng, nên những việc khó giải quyết ở thôn xóm, khi có tiếng nói thấu lý đạt tình của “Thầy Lợi” là mọi việc được giải quyết thỏa đáng, tốt đẹp. Khi bà con xích mích hàng ranh, bờ rào, bà con lối xóm bất hòa tranh chấp con gà, con vịt, vợ chồng con cái bất hòa đều nhờ “Thầy Lợi” hòa giải, gắn kết. Các cháu thanh, thiếu niên ham chơi lêu lổng, dòng tộc đến nhờ “Thầy Lợi” giáo dục cảm hóa giúp các cháu trở thành công dân có ích cho gia đình, xã hội.
Trong những mùa lễ hội Ka tê tại tháp Pô Klong Garai, chúng tôi từng được nhiều lần nhìn ông Bá Bình Lợi say mê biểu diễn trống ghi năng với phong cách độc đáo, tài hoa, làm say đắm lòng người. Ông chơi thành thạo nhiều loại nhạc cụ, đồng thời là người biên đạo múa chương trình dân ca, dân vũ dân tộc Chăm. Ông có hơn nửa thế kỷ gắn bó với nhạc lễ dân tộc Chăm.
Ông kể, thời hoa niên, ông được các nghệ nhân làng Thành Ý truyền dạy đánh trống ghi năng và thổi kèn saranai. Đây là hai loại nhạc cụ chính “giữ hồn giữ vía” cho các chương trình dân ca, dân vũ dân tộc Chăm. Ông chơi trống ghi năng và kèn saranai bằng tất cả tấm lòng say mê của người nghệ sĩ dân gian. Am hiểu nhạc lý kết hợp năng khiếu “trời cho”, nghệ nhân Bá Bình Lợi trở thành biên đạo chuyên dàn dựng các điệu múa dân gian trong những mùa lễ hội. “Lời ăn tiếng nói của trống ghi năng, kèn saranai và điệu múa dân gian Chăm nằm trong máu thịt nên mình hết lòng phục vụ phát triển văn hóa cộng đồng”, ông nói.
Nay bước qua độ tuổi “cổ lai hy” bước đi dáng đứng không còn linh hoạt nên ông truyền dạy nghệ thuật biểu diễn trống cho thế hệ trẻ trong làng đảm nhận. Với vai trò Người có uy tín thôn Phước Đồng 1, mái nhà xưa cũ của ông trở thành nơi gặp gỡ trao đổi việc làng của các cụ cao niên. Vợ chồng ông luôn nêu gương sáng trong việc nuôi dạy con cháu học hành thành đạt. Mọi chuyện vui buồn trong khu dân cư đều được ông gặp gỡ động viên bà con chăm lo xây dựng đời sống văn hoá ngày càng phát triển.
Khu dân cư Phước Đồng 1 hiện có 455 hộ với 1.975 khẩu. Đây là địa phương có đông bào Chăm sinh sống đông nhất huyện Ninh Phước. Đời sống người dân dựa vào nguồn thu nhập từ trồng lúa. Bà con áp dụng mô hình “1 phải, 5 giảm” thâm canh đưa năng suất lúa đạt 70- 75 tạ/ha. Kết hợp chăn nuôi gia súc và canh tác nho, táo đạt hiệu quả kinh tế cao, bảo đảm đời sống no ấm. Được Người có uy tín Bá Bình Lợi tuyên truyền, vận động, các nông hộ Lưu Văn Hinh, Danh Thành Sắt, Võ Tâm… nêu gương sáng trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Tính đến nay, toàn thôn còn 8 hộ nghèo thuộc diện mất sức lao động, chiếm 1,7% số hộ sinh sống tại địa phương. Người có uy tín Bá Bình Lợi trở thành chỗ dựa tin cậy của cấp ủy Đảng, chính quyền vận động người dân xây dựng khu dân cư nông thôn mới xanh- sạch - đẹp, an toàn.
“Với vai trò Người có uy tín, tôi nỗ lực vận động gia đình, tộc họ, Nhân dân đoàn kết một lòng tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Còn sức khỏe là tui còn tích cực tham gia công tác xã hội, góp phần xây dựng thôn xóm bình yên, cuộc sống gia đình hạnh phúc, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đồng bào Chăm. Tôi thường xuyên đọc Báo Dân tộc và Phát triển chọn ra những việc làm hay, những kinh nghiệm quý về bảo tồn văn hóa, phát triển kinh tế- xã hội để phổ biến cho bà con thôn xóm học tập làm theo”, Người có uy tín Bá Bình Lợi chia sẻ niềm vui.