Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thuyền Kagor của người Raglay

Bá Nha - 14:43, 23/11/2020

Thuyền Kagor không phải là phương tiện giao thông đường thủy, cũng không phải mô hình dùng làm vật trưng dụng, trang trí. Kagor là một công trình nghệ thuật, kiến trúc độc đáo và cũng lắm công phu của những nghệ nhân dân tộc Raglay dành cho “người về thế giới bên kia” với mong muốn người khuất núi sẽ được con thuyền trắng đưa linh hồn về cõi vĩnh hằng.

Nét hoa văn độc đáo của thuyền Kagor
Nét hoa văn độc đáo của thuyền Kagor

Kagor mang hơi thở biển cả

Người Raglay sớm xuất hiện cùng với sự vận động, phát triển, sinh tồn song hành với dân tộc Chăm trên đất Khánh Hòa nói riêng, vùng núi của một số tỉnh khu vực duyên hải  miền Trung nói chung. Trong đó, phần lớn đồng bào Raglay sinh sống ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng.

Ở Khánh Hòa, người Raglay chiếm 3,4 % dân số toàn tỉnh, sống tập trung chủ yếu ở các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Ranh, Cam Lâm. Đồng bào có tập quán du canh du cư, sống quây quần thành từng plây (làng) và rất đoàn kết. Pô pa-lây (già làng) và “các đầu khôn người già” có uy tín nhất thường đứng ra giải quyết việc làng. Các gia đình tuân theo chế độ mẫu hệ và là 1 trong 5 tộc người thuộc ngữ hệ Mã Lai- Đa Đảo (Chăm, Raglai, Chu Ru, Ê Đê, Gia Rai). Đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy, người Raglay có nguồn gốc thủy tổ sinh cư ven biển.

Cũng như các dân tộc khác cư trú lâu đời trên dãy núi phía Nam Trường Sơn và Tây Nguyên, dân tộc Raglay có đời sống lao động, sản xuất và sinh hoạt tín ngưỡng phụ thuộc lớn vào sự tác động của môi trường tự nhiên, môi trường xã hội trong cộng đồng. Từ tư duy, quan niệm sống chịu ảnh hưởng của văn hóa Á Đông. Đồng bào sống trọng tình nghĩa, tôn sùng thần linh, biết ơn ông bà đã sinh ra nòi giống.

Theo các nhà nghiên cứu, văn hóa Raglay mang đậm hơi thở của biển, dấu ấn đặc thù còn lại đó là thuyền Kagor. Di sản văn hóa này được xem như linh vật được đúc kết, chọn lọc từ tinh hoa, sản vật của núi rừng, biển cả… qua bàn tay tài hoa, khéo léo.

Thạc sĩ Trần Kiêm Hoàng, Phòng Văn hóa và Thông tin TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa cho rằng: “Nếu rừng là toàn bộ văn hóa Raglay hiện tại thì biển chính là toàn bộ văn hóa Raglay trong quá khứ."

Giải mã huyền bí “con thuyền úp ngược”

Từ điều kiện cư trú, thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng đất đai, lao động sản xuất, người Raglay đã tạo cho mình một bản sắc văn hóa độc đáo, riêng biệt mà không dị biệt. Qua khảo sát không gian văn hóa Raglay, từ hệ thống các nghi lễ, văn hóa tổ chức đời sống cá nhân, đời sống cộng đồng thể hiện khá rõ nét về nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc xây dựng luôn gắn liền với đời sống tinh thần, nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng đa thần của đồng bào. Cấu trúc nhà ở gần giống các dân tộc thiểu số khác trên dãy Nam Trường Sơn - Tây Nguyên, khác là có cột cái lớn giữa nhà. Nhìn chung, nghệ thuật bài trí và điêu khắc nhà ở đơn giản, không cầu kỳ, hoa văn. Tuy nhiên, riêng kiến trúc nhà mồ thì người Raglay đặc biệt chú trọng và trau chuốt, chỉn chu hơn.

Các bạn học sinh tham quan, tìm hiểu mô hình thuyền Kagor
Các bạn học sinh tham quan, tìm hiểu mô hình thuyền Kagor

Khi nói đến nhà mồ Raglay thì phải kể đến thuyền Kagor. Theo PGS. TS Ngôn ngữ học Mai Thị Kiều Phượng và các nhà nghiên cứu văn hóa thì Kagor xuất phát từ cách phát âm, chỉ những người Raglay ở Ninh Thuận. Theo cách phát âm, từ gor chỉ địa danh Ninh Thuận. Còn Kagau xuất phát từ hình ảnh quen thuộc là sừng trâu, tiếng địa phương thì cuvau là trâu. Thí dụ, bà con hay nói câu “Nãu palơi Gor” tức là Đi đến làng Ninh Thuận. Hay câu nói: “Chhar, salau, cuvau, goq, cheh jro (tức là Mã la, mâm thau, con trâu, nồi đồng, ché cổ là năm tài sản quý).

Trong tín ngưỡng cúng “vạn vật hữu linh” đều có lễ vật Ahòq (Thuyền/ tàu đưa linh) để dâng lễ vật, cầu cúng. Ahòq có cả hai loại Kago và Kagau, đều chung một mục đích là đưa linh hồn người chết về với thế giới ông bà, tổ tiên. Nhưng khác nhau ở cấu trúc và cách thức lễ. Kagau có hình dạng như sừng trâu, được nối chặt với trụ chính từ trái bầu mẹ (bằng gỗ) bên trong mái của nhà mồ.

Còn Kagor theo giải thích của già làng Bo Bo Đe (73 tuổi, ở Sơn Tân, Cam Lâm, Khánh Hòa) thì “Thuyền Kagor được làm trước và cúng mâm cơm tại nhà chủ tang. Sau đó mới khiêng rước từ nhà lên. Khi đưa lên nóc nhà mồ, phải “đập heo”, “đập gà”, “bốc ché” để cúng Kagor. Người khiêng phải là trai tráng chưa có vợ, người chủ lễ là chủ nhang có tiếng”.

Cuối cùng là Lễ bỏ mả (hay Lễ bỏ ma). Sau khi làm xong các nghi lễ cúng bái, chôn cất, đợi ngày lành tháng tốt, người Ralay sẽ làm lễ bỏ mả, thường thì vào tháng ba, tháng tư dương lịch. Hiện nay, một số nơi đã áp dụng làm Lễ bỏ mả kết hợp Lễ tang ma cho bớt tốn kém, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, thời tiết mà họ tổ chức.

Nhà mồ Raglay truyền thống được làm bằng chất liệu từ núi rừng: Mái bằng tranh, mây; có 4 cột, được chọn lựa và đẽo gọt, chạm khắc hoa văn, họa tiết theo dạng khấc tròn, vặn tròn, đối xứng, thường hai cột tròn và hai cột vuông. Các màu chủ lực là đen, trắng, đỏ, tím, lam, vàng…

Người Raglay đưa lễ vật và Kagor ra nhà mồ. Ảnh TL
Người Raglay đưa lễ vật và Kagor ra nhà mồ. Ảnh TL

Người Raglay vốn gắn bó, thân thiện với thiên nhiên nên họ chọn chất liệu chính từ vỏ cây, lá và các loại củ, quả, dây leo, với tro… để pha trộn, chế tác chất liệu. Thuyền Kagor được làm bằng chất liệu cũng giống như nhà mồ. Riêng phần họa tiết hoa văn có phần tỉ mỉ, công phu hơn, đòi hỏi người nghệ nhận phải khéo léo và có cái tâm. Hình dạng như tên gọi, Kagor là như một biểu tượng linh hồn nên người Raglai có câu Ahòq tanruaq rugãq atơu”, tức là con tàu quan tài hình thuyền úp xuống. Thông thường, trên thuyền luôn có nhà cửa tượng trưng, có cửa gần giống dạng tam môn quan, ngôi giữa cao hơn hai ngôi hai bên.

Mô hình Kago thường nhỏ nhất khoảng 50cm x 70 cm 80cm, hoặc lớn hơn gấp đôi tùy quy mô ngôi nhà mồ và điều kiện gia chủ. Người nghệ nhân cố gọt giũa, bào nhẵn đuôi thuyền, mũi thuyền vẽ hoa văn hình rồng (lưỡng long chầu nguyệt) uốn chầu trên đỉnh các ngôi nhà rất đối xứng tâm, thêm nữa là hình rắn garai. Bên dưới là hàng rào, chim chóc, cá, trái bầu và cả dụng cụ là dao, rìu... Điều đó cho thấy, người Raglay cổ xưa rất sùng bái tự nhiên, cầu phúc, cầu an, no ấm với người về bên kia. Bằng chất liệu thiên nhiên, đồng bào dùng lá trầu giã trộn củ nghệ, đá sỏi, than, tro và cây củ, nhựa cây trong rừng, trên núi để phối trộn màu sắc và chế tác. Còn nhà mồ hiện nay được hiện đại hơn bằng vật liệu xi măng, cốt thép, lợp ngói hoặc tôn.

Trải qua suốt chiều dài lịch sử, dân tộc Raglay từ buổi sơ khai đến nay vẫn giữ được nét văn hóa cho riêng mình. Thuyền Kagor là một biểu tượng không chỉ đông đặc phạm trù tập quán xã hội, tín ngưỡng “đa thần”, sùng bái các đấng siêu nhiên, kính trọng, biết ơn ông bà thủy tổ mà còn hiện rõ tính nhân văn, nhân sinh quan sâu đậm.

Ngày nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế thị trường, Nhà nước quan tâm chăm lo đời sống Nhân dân, người Raglay có mức sống khá ổn định. Nhà của đồng bào được xây dựng bằng vật liệu vững chãi như sắt thép, xi măng. Nhà mồ cũng kiên cố hóa nên hình tượng nhà mồ truyền thống, thuyền Kagor đa sắc màu đã dần mai một.

 Kagor được đưa lên nóc nhà mồ. Ảnh TL
Kagor được đưa lên nóc nhà mồ. Ảnh TL

Ông Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Khánh Hòa:

Trong hệ thống các nghi lễ của người Raglay thì Lễ bỏ mả là nghi lễ tâm linh tiêu biểu, nó mang đậm màu sắc văn hóa dân gian. Vừa tích hợp các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống, vừa thể hiện sự gắn kết cộng đồng. Qua đó, thấy được tính nhân văn, tính giáo dục qua việc thực hiện làm thuyền Kagor trên nóc nhà mồ. “Lễ hội bỏ mả của người Raglay ở Khánh Sơn” được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2012, thuộc loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng. Hiện nay, khi nhu cầu xã hội nâng cao, đời sống phát triển, ngôi nhà mồ được xây dựng bằng chất liệu kiên cố, dần mất đi hình ảnh Kagor đầy sắc màu. Cho nên việc cấp bách hiện nay là phải phục dựng, duy trì, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa nhằm xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã đề ra.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.