Cũng như các làn điệu hát ru của các dân tộc anh em sinh sống trên dãy Nam Trường Sơn, các bài hát ru của người Raglai phản ánh cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất của cư dân bản địa gắn bó với thiên nhiên, núi rừng, dạy con biết yêu núi rừng, yêu thôn xóm, yêu thương những người thân, ruột thịt, biết tránh cái ác, làm việc thiện. Nội dung các bài hát ru cũng kể về nỗi vất vả của cha, của mẹ và hy vọng một tương lai tươi sáng hơn. Những tâm tư, tình cảm đó cứ êm đềm, mượt mà và trong veo như dòng suối, nuôi dưỡng tâm hồn thơ trẻ, để mai này lớn lên, con sẽ mang đậm tâm hồn và bản sắc của dân tộc mình.
Các bà mẹ Raglai thường ẵm con trên tay hoặc địu trên lưng để hát ru con ngủ khi lên rẫy. Âm điệu của các bài hát ru lấy chất liệu từ dân ca Raglai làm nền tảng nên rất gần gũi với âm điệu, ngôn ngữ nói của người Raglai. Mặt khác, hát ru chủ yếu dành cho trẻ em nên cách hát đơn giản, mộc mạc, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người. Nội dung trong lời ru thường được người mẹ lấy từ những đồ vật, cây cối, con vật xung quanh để đứa trẻ cảm nhận được cuộc sống hàng ngày. Lời ru hòa với nhịp bước đi của mẹ để đưa đứa trẻ chìm vào giấc ngủ yên lành; những làn điệu chứa chan cảm xúc không bao giờ xưa cũ: “Ời ời ngủ đi con/Để cha lên rừng bắt thịt/ Để mẹ xuống suối bắt cá/đem về nấu cho bé mẹ ăn/ ời ời ời ngủ đi con”.
Hát ru của người Raglai có phần đặc biệt hơn, bởi người Raglai rất ít nói, ít biểu lộ tình cảm qua lời nói mà chỉ bày tỏ lòng mình qua âm nhạc; bởi vậy, qua các bài hát ru, có thể nhận thấy một phần “hồn” Raglai trong đó. Các bài hát ru Raglai không chỉ bộc lộ tình cảm yêu thương tha thiết với con, em mình, mà đôi lúc còn là hát cho chính mình, hoặc gửi gắm cho ai đó. Đặc biệt, người Raglai còn có 2 bài hát ru khá độc đáo mà các tộc người khác không có, đó là Hát ru bắp và Hát ru lúa. Người Raglai xem bắp như con trai và lúa là con gái. Con gái là lúa bao giờ cũng quý hơn con trai bắp. Trong lời hát ru, lúa và bắp được thay thế bằng con trai, con gái: “Ơi mẹ ru con gái/ Ơi lúa, ơi con gái, con của mẹ đẹp thay/ Đến với mẹ ơi con gái/ Con ơi con gái con của mẹ/ con đã chịu đau đớn/ Con chịu đứng dưới nước, trên rẫy, ơi con gái/ Con đã chịu khổ để nuôi cha nuôi mẹ, nuôi anh em. (Hát ru lúa). Đây là những bài hát ru được cất lên vào dịp lễ ăn đầu lúa mới là một trong những lễ hội lớn nhất của người Raglai. Trong buổi lễ, thầy cúng sẽ cất giọng hát ru hồn bắp, hồn lúa, mong lúa bắp về đậu trong mọi nhà, mong thần lúa sẽ phù hộ bà con làm ăn được mùa, no đủ.
Hát ru là một bộ phận quan trọng trong các thể loại dân ca của người Raglai. Cùng với các thể loại dân ca khác, hát ru thể hiện những giá trị tinh thần thuộc về bản sắc dân tộc Raglai. Tập tục, thói quen sinh hoạt, đạo đức, lòng tin, tình yêu, khát vọng, tinh thần nhân văn và cả vũ trụ quan, thế giới quan đều hàm chứa trong đó.
Do người Raglai không có chữ viết, nên những bài hát ru chỉ được lưu truyền qua phương thức duy nhất là truyền miệng, vì vậy, sẽ dễ mất đi khi những người già “khuất núi”. Làm thế nào để những người mẹ Raglai trẻ biết hát ru, truyền cho con những giá trị văn hóa dân gian ngay từ thủa ấu thơ là vấn đề đặt ra hiện nay. Những lời ru cần được cất lên và duy trì để nuôi dưỡng và bồi đắp tâm hồn con trẻ lớn lên đầy ắp ước mơ và khát vọng.