Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Trang bị nhạc cụ mã la cho các buôn làng Raglai ở Khánh Hòa: Một cách để “giữ hồn” dân tộc

PV - 11:50, 12/11/2018

Mã la là một nhạc cụ truyền thống, gắn liền với đời sống của đồng bào dân tộc Raglai. Tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân, loại nhạc cụ này bị thất lạc, còn lại rất ít và tiếng mã la chỉ còn trong ký ức người già. Nhưng, từ những nỗ lực của tỉnh Khánh Hòa với việc trang bị nhạc cụ mã la phục vụ sinh hoạt văn hóa truyền thống, đã góp phần níu giữ những âm thanh trầm hùng trong mỗi bản làng Raglai.

Raglai Lớp trẻ dân tộc Raglai đã được học để biết đánh mã la.

Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Phước Liên, người có nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu về văn hoá dân tộc Raglai, dàn mã la càng cổ xưa, âm sắc càng vang đẹp, sức mạnh của thần càng lớn. Vì vậy, với người Raglai, dàn mã la không chỉ biểu thị cho sự giàu có mà còn biểu thị sự giúp đỡ, bảo vệ của thần linh đối với gia đình người sở hữu.

Dàn mã la của người Raglai được diễn tấu theo hình thức tập thể. Mỗi nghệ nhân đảm trách một mặt mã la cùng hoà với nhau để thành một điệu và mỗi điệu lại được dành riêng cho một cuộc lễ: Lễ cưới đánh điệu ru-wơ; Lễ ăn đầu lúa mới chơi điệu ato-pa-krúc, điệu sa-va-lu-ơ; Lễ bỏ mả phải đánh điệu tu-ma-ya… Có cả các điệu chơi theo tiếng chim rừng, chơi theo tiếng gà rừng gáy, chơi theo tiếng chim cu…

Khi diễn tấu, bao giờ các nghệ nhân cũng đi vòng tròn theo chiều ngược vòng kim đồng hồ. Các điệu mã la là hình thức dâng cúng thần linh, ông bà chứ khổng phải là âm nhạc của đời thường. Chính vì vậy, khi cần sử dụng mã la, người ta phải làm lễ cúng Yang (Trời) và các nghệ nhân luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy định về bài bản diễn tấu trong từng cuộc lễ.

“Ngày nay, những quy định truyền thống đã được nới rộng, các nghệ nhân có thể sử dụng mã la để phục vụ cho những cuộc hội hè và cả biểu diễn trên sân khấu. Nhưng về cơ bản, mã la vẫn luôn được người Raglai giữ gìn nghiêm ngặt. Hồn của mã la bao giờ cũng gắn liền với một không gian văn hoá cụ thể”, ông Liên cho biết thêm.

Raglai Mã la được xem là tài sản quý trong mỗi gia đình người Raglai.

Trước nguy cơ mai một văn hóa truyền thống, từ năm 2014, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt 85 thôn, tổ dân phố được trang bị nhạc cụ mã la để phục vụ sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc Raglai. Mới đây, Hội đồng nghiệm thu của Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa gồm các nhạc sĩ, nghệ nhân ở Khánh Sơn, Khánh Vĩnh đã nghiệm thu 23 bộ mã la để bàn giao cho 23 thôn, tổ dân phố ở Khánh Sơn và Khánh Vĩnh quản lý, sử dụng.

Như vậy, qua 5 đợt nghiệm thu và bàn giao, đã có 81/85 thôn, tổ dân phố được trang bị nhạc cụ mã la phục vụ sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào Raglai, trong đó, TP. Cam Ranh, thị xã Ninh Hòa, các huyện: Cam Lâm, Diên Khánh, Khánh Sơn đã cấp hoàn thành theo chỉ tiêu phê duyệt. Năm 2019, sẽ tiến hành nghiệm thu và bàn giao cho 4 thôn, tổ dân phố còn lại ở huyện Khánh Vĩnh.

Tuy là một tài sản quý, nhưng người Raglai không tự làm ra mà phải mua của người Kinh, hoặc từ Lào, Campuchia rồi về chỉnh âm cho phù hợp với tai nghe của dân tộc mình mới đưa vào sử dụng. Do đó, Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa đã liên hệ với nghệ nhân đúc đồng Dương Ngọc Tiến ở huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) để chế tác những bộ mã la.

Mỗi bộ mã la được trang bị cho các địa phương gồm có 7 chiếc. Nhìn chung, các bộ mã la này đều có chất lượng tốt. Sau khi được chỉnh âm cho phù hợp và bàn giao cho các địa phương đều được người dân sử dụng một cách thuận lợi.

Qua tìm hiểu ở một số địa phương đã được trang bị mã la, chúng tôi cảm nhận được niềm vui của người dân, cũng như trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc sử dụng, phát huy giá trị của những bộ nhạc cụ đó. “Ở mỗi làng, khi nhận được mã la về đều tổ chức lễ cúng mừng rất trang trọng. Sau đó, dân làng thống nhất để mã la ở nhà của Người có uy tín trong làng. Hội đồng làng tổ chức mời nghệ nhân biết đánh mã la đến truyền dạy cho những người được chọn vào đội mã la. Không khí các bản làng vào tối cuối tuần hoặc đêm sáng trăng đã bắt đầu rộn tiếng tập luyện mã la”, nghệ nhân Tro Xuân Hội, xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn cho biết.

Theo ông Tạ Quốc Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Sơn, sau khi hai thôn Apa 2 và Tà Giang 1 của xã đã được trang bị mã la đã góp phần thúc đẩy sinh hoạt văn hóa, văn nghệ ở thôn có những bước chuyển đáng kể. Đặc biệt, các hội đồng làng đã tự đứng ra vận động thanh niên tham gia các đội văn nghệ, trong đó có đội mã la và lên kế hoạch tập luyện cụ thể. Những đội văn nghệ, đội mã la này là nòng cốt cho các buổi sinh hoạt tại địa phương vào những dịp lễ, Tết. Đồng thời; đại diện cho xã tham gia các hội thi văn nghệ ở huyện.

"Ở mỗi làng, khi nhận được mã la về đều tổ chức lễ cúng mừng rất trang trọng. Sau đó, dân làng thống nhất để mã la ở nhà của Người có uy tín trong làng. Hội đồng làng tổ chức mời nghệ nhân biết đánh mã la đến truyền dạy cho những người được chọn vào đội mã la. Không khí các bản làng vào tối cuối tuần hoặc đêm sáng trăng đã bắt đầu rộn tiếng tập luyện mã la” (Nghệ nhân Tro Xuân Hội, xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn).

THÀNH NHÂN

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.