Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thương hiệu cam Vinh đang có nguy cơ xóa sổ

Việt Thắng - Y Nguyên - 17:40, 18/11/2021

Cam Vinh một thời nức tiếng. Ai đã từng đến Nghệ An mà chưa thưởng thức một vài múi cam vàng óng ánh với mùi hương đặc trưng mang thương thiệu cam Vinh thì quả là thiệt thòi. Thế mà, những năm gần đây, loại quả hái ra tiền này đang có nguy cơ bị xóa sổ.

Người dân nẫu ruột trước hiện tượng cam rụng hàng loạt
Người dân nẫu ruột trước hiện tượng cam rụng hàng loạt

Cam Vinh - Thời vàng son

Xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) được coi là thủ phủ của cam Vinh. Một thời cây cam được mệnh danh là cây hái ra tiền, với năng suất cao, giá cả đắt đỏ. Những chuyến xe nườm nượp chuyên chở cam Vinh đi khắp mọi miền đất nước, bà con ai cũng phấn khởi. Cũng vì thế, mà nhà nhà thi nhau trồng cam. Chỉ riêng xã Minh Hợp, năm 2018, diện tích cây cam đã là 1.700 ha, gấp hơn 2 lần diện tích trồng cam của 5 năm trước. Riêng Công ty TNHH MTV nông nghiệp Xuân Thành, diện tích cam tăng từ hơn 500 ha lên gần 1.100 ha với hơn 800 hộ dân tham gia trồng.

Bà Nguyễn Thị Dung ở xóm Thọ Thành, xã Minh Hợp nói về thời cây cam lên ngôi: Với 1,5 ha cam này, khoảng 5 năm trước sẽ cho tui thu nhập hơn 700 triệu đồng/năm. Giá cam hồi đó thậm chí có lúc lên đến 70.000 đồng/kg mà vẫn cứ đắt khách. “Nay thì tận đáy rồi, chú ơi, cam rẻ như cho, chỉ có 2.500 đồng/kg mà vẫn cứ khó bán”, bà Dung thở dài.

Cũng theo bà Dung, năm 2011, nhà bà trồng 2 ha cam Vân Du. Năm 2014 thì cam cho quả, gặp lúc được mùa, giá cao, bán cam mà cảm giác lâng lâng như bán vàng. “Không riêng gì nhà tôi, mà hồi đó ai cũng phấn khởi, mỗi ha cam ít ra cũng có từ 500 – 700 triệu đồng. Nhà cửa, tiện nghi, mua sắm ô tô… từ cam cả đấy”, bà Dung nhớ lại thời vàng son của cây cam Vinh.

Nói về thời hoàng kim, cũng như việc ồ ạt trồng cam, ông Lê Viết Minh, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV nông nghiệp Xuân Thành cho hay: Hễ trống tí đất nào là người ta trồng cam, thậm chí đất nghĩa địa cũng được tận dụng trồng cam. Bạt ngàn cam. Tuy nhiên, cái giá của việc trồng cam ồ ạt cũng không hề rẻ”.

Bà Trần Thị Huyền ở xã Minh Hợp: “Năm nay bán 5 tấn cam chỉ thu được 12 triệu đồng, lỗ to”
Bà Trần Thị Huyền ở xã Minh Hợp: “Năm nay bán 5 tấn cam chỉ thu được 12 triệu đồng, lỗ to”

Nguy cơ xóa sổ 

Thu lãi lớn với 2 ha cam Vân Du, năm 2014, gia đình bà Nguyễn Thị Dung tiếp tục đầu tư trồng mới thêm 1,5 ha nữa. Thế nhưng, không như mong đợi, ngày thu hoạch - năm 2017, vườn cam của bà tuy trĩu quả, nhưng giá cả thì "lao dốc không phanh". Rồi những năm tiếp theo, không chỉ giá thấp, mà vườn cam bắt đầu nhiễm bệnh, rụng quả, sản lượng thấp. 

“Cứ sắp đến kỳ thu hoạch là cam rụng đầy gốc, đúng là trời cho thấy mà không cho ăn. Hốt từng đống cam đi đổ mà đứt ruột, chú ạ. Đấy, năm 2020, giá cam chỉ có 3.000 đồng/kg, cố kéo đến cận Tết Nguyên đán để vớt vát, nhưng cũng chẳng ăn thua. Thế là lỗ to”, bà Dung buồn bã nói về những mùa cam buồn.

Năm ngoái còn được giá 3.000 đồng/kg, năm nay lại còn bi đát hơn. Giá cam tại thời điểm hiện tại chỉ có 2.500 đồng/kg, nhưng tiền công thuê người hái đã chiếm tới 500 đồng/kg. Bà Dung nẫu ruột: “Nhà tôi đành phải chặt bỏ 2 ha cam trồng từ năm 2011 để chuyển sang trồng mía, chứ không trông chờ gì từ cây cam đươc nữa”.

Cũng ở xóm Thọ Thành, bà Trần Thị Huyền cho biết, từ năm 2013, bà nhận khoán 2 ha đất của Công ty TNHH MTV nông nghiệp Xuân Thành và trồng cam hết thảy. Năm 2017, thì vườn cam cho quả. Những háo hức, chờ đợi mùa vàng của cả gia đình đều tan biến, khi mà giá cam rớt thê thảm. Rồi tiếp đến là cam bị sâu bệnh, rụng quả… số phận vườn cam của gia đình bà Huyền cũng chung cảnh… chặt bỏ.

 Bà Huyền với giọng nói chậm buồn: “Năm nay, tôi bán 5 tấn quả thu được có 12 triệu đồng, lỗ to. Chúng tôi phải sang nhượng 1,5 ha cam cho người ta để họ đầu tư giống cây khác. Còn gần 1 ha cam nữa thì gia đình sẽ chặt bỏ chuyển sang trồng ngô”.

Ở Xóm Minh Hồ (xã Minh Hợp), anh Lê Văn Thịnh là người đầu tư tương đối nhiều tiền và làm rất bài bản để phát triển vườn cam. Thế nhưng cứ đến tháng 9, tháng 10, khi mùa mưa đến là cam rụng đầy gốc, số quả đậu chỉ đạt khoảng 20%. Năm 2020, nhà anh Thịnh phải chịu lỗ 20 triệu đồng. “Tưởng năm nay giá lên may ra léo lại phần nào, ai ngờ cam rụng nhiều hơn và giá cũng xuống thấp hơn. Thế nên sau vụ này tôi đành phải chặt cam để tính trồng cây khác”, anh Thịnh vừa nói vừa lắc đầu ngao ngán.

Trao đổi với ông Lê Viết Minh,Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV nông nghiệp Xuân Thành, chúng tôi được biết, nguyên nhân khiến giá cam rớt thêm thảm trong 4 năm qua, là do cung vượt quá cầu. Ngoài ra, bệnh nấm phytophthora và bệnh vàng lá gân xanh (greening) tấn công cây cam làm cho chất lượng quả cam giảm mạnh. Trong lúc đó, để đầu tư mỗi ha cam đúng chuẩn, mỗi năm phải tốn từ 120 - 130 triệu đồng. Do đó, để hòa vốn, giá cam phải bán được 10.000 đồng/kg, còn như năm nay giá cả chỉ có 2.500 đồng/kg thì người trồng cam chắc chắn lỗ nặng. Vì thế mà từ hơn 1.700 ha cam năm 2018, hiện xã Minh Hợp chỉ còn khoảng hơn 600 ha và dự kiến diện tích này sẽ còn giảm mạnh trong thời gian tới. Nguy cơ thương hiệu cam Vinh tại đây sẽ bị xóa sổ là điều khó tránh khỏi.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy-Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.