Ông Nguyễn Thái Tư, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang (Hà Giang) cho biết: “Qua rà soát thực tế được, toàn xã hiện có trên 570ha cam sành cho thu hoạch, trong đó có hơn 445ha cam sành đạt chứng chỉ VietGAP, năng suất đạt 12 tấn/ha. Tuy nhiên, tính đến hết ngày 24/2, xã mới chỉ tiêu thụ được 815/6.500 tổng sản lượng cam. 80% số cam còn lại đã bị thiệt hại. Đây thật sự là tổn thất rất nặng nề cho bà con nông dân cũng như ngành Nông nghiệp của xã”.
Thiệt hại là rất lớn đối với những người nông dân trồng cam. Bởi theo kế hoạch, sau thời điểm bán cam thu lời, người nông dân sẽ có kinh tế để trả khoản nợ đã vay. Hiểu rõ nỗi lo của người nông dân trên địa bàn, cũng như các xã viên trong hợp tác xã (HTX), ông Trần Trung Thuyết, Giám đốc HTX nông dân trồng cam sạch xã Vĩnh Phúc chia sẻ: “Việc giãn nợ cho bà con là trách nhiệm của tập thể. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ lên phương án hỗ trợ vốn vay để bà con tiếp tục tái vụ. Đồng thời, duy trì đầu ra cho sản phẩm để bà con yên tâm tái đầu tư sản xuất”.
Những năm trước đây, cây cam trên đất Hà Giang chưa phổ biến, canh tác theo hướng “mạnh ai nấy làm” và không được quy hoạch đồng bộ. Khi thiên tai xảy ra, rất khó để người dân vực lại được kinh tế, nhiều gia đình còn rơi vào tình trạng vỡ nợ.
Ông Hoàng Văn Phiến, người trồng cam xã Tiên Kiều, huyện Bắc Quang chia sẻ: “Thiệt hại là không thể tránh khỏi. Bây giờ chúng tôi có sự ủng hộ của tập thể, nên dù khó khăn đến đâu vẫn có thể phục hồi được. Quan trọng nhất bây giờ là, giữ gìn thương hiệu tập thể, không ai bán cam kém chất lượng ra thị trường để thu hồi vốn”.
Không chỉ an tâm trong việc phục hồi lại kinh tế, trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay, người dân trồng cam vẫn giữ gìn thương hiệu tập thể mà họ đã dày công xây dựng.
Vai trò của kinh tế tập thể (KTTT) đã được thể hiện rõ rệt, thông qua việc tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động; giúp họ thay đổi ý thức trong phát triển kinh tế. Giờ đây, KTTT đã giúp những người làm nông nghiệp không phải đi đơn lẻ, mà đi theo hệ thống có quy hoạch và phát triển kinh tế bền vững.
Tuy nhiên, khó khăn hiện tại đối với những vườn cam tại Hà Giang vẫn chính là vốn. Bởi cam là giống cây trồng lâu năm, việc chăm sóc cam đòi hỏi nhiều công sức, nếu người nông dân không đủ vốn để mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… chăm sóc cho cây dễ dẫn đến tình trạng hỏng cả vườn cam lẫn đất trồng. Chính vì thế, việc tạo điều kiện cho nông dân vay vốn là cần thiết, để bà con tiếp tục duy trì vườn cam, xây dựng, phát triển nhãn hiệu cam tập thể trong thời gian tới.
Việc giãn nợ cho bà con là trách nhiệm của tập thể. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ lên phương án hỗ trợ vốn vay để bà con tiếp tục tái vụ. Đồng thời, duy trì đầu ra cho sản phẩm để bà con yên tâm tái đầu tư sản xuất”.
Ông Trần Trung Thuyết, Giám đốc HTX nông dân trồng cam sạch xã Vĩnh Phúc.