Năm 2019, từ nguồn vốn CT135, xã Cao Sơn, huyện Bạch Thông được đầu tư gần 1,8 tỷ đồng để cải tạo, xây dựng các công trình hạ tầng và thực hiện dự án hỗ trợ sản xuất. Từ nguồn vốn này, 6/7 thôn, bản thuộc xã Cao Sơn đã có đường bê tông, 7 thôn có nhà văn hóa xây dựng khang trang.
Không chỉ thế, người dân còn được tham gia các công đoạn sửa chữa, thi công công trình nước sinh hoạt. Ông Triệu Văn Vương, thôn Khau Cà, xã Cao Sơn cho biết: “Tham gia vào quá trình thi công, nhiều ý kiến đóng góp của người dân trong thôn đều được UBND xã ghi nhận và đưa vào nội dung triển khai thực hiện. Vì vậy, công trình hoàn thành bảo đảm chất lượng, tiến độ đã đáp ứng đúng yêu cầu, mong muốn của người dân”.
Nhờ các giải pháp đồng bộ trong đầu tư hạ tầng thuộc CT135, đến nay, toàn huyện Bạch Thông đã có 84 công trình thủy lợi, hạ tầng và công trình dân sinh; thực hiện duy tu, bảo dưỡng 20 công trình trường học, đường giao thông, nước sinh hoạt… Nhờ đó, bộ mặt nông thôn, miền núi trên địa bàn huyện Bạch Thông đã có những chuyển biến đáng kể.
Ở thôn Đồng Tâm, xã Kim Lư, huyện Na Rì, với hợp phần hỗ trợ sản xuất, đời sống người dân đã được nâng lên một bước. Điển hình như hộ ông Hoàng Văn Khang, dân tộc Nùng năm 2016 là hộ cận nghèo nhưng sau khi được vay vốn đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, sau bốn năm, gia đình ông Khang đã vươn lên thoát nghèo.
Ông Khang chia sẻ: “Trước đây gia đình chỉ cấy lúa, năm được năm không được, cũng chỉ đủ ăn. Từ khi được hỗ trợ giống lúa, được vay vốn ngân hàng, tôi đã chuyển đổi sản xuất sang chăn nuôi lợn, trồng cam quýt, nuôi cá... Hiện nay, gia đình tôi có thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm từ vườn cam, ao cá”.
Trong 5 năm qua, Na Rì đã được đầu tư tổng nguồn vốn Chương trình 135 giai đoạn II là 84 tỷ 021 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, huyện Na Rì đã đầu tư hơn 58 tỷ đồng phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu (mở mới 32 công trình giao thông nông thôn, nâng cấp gần 45 km đường nông thôn và là mới 6 công trình cầu, cống, 16 công trình thủy lợi; xây dựng, sửa chữa, san ủi mặt bằng 27 công trình trường, lớp học, trạm y tế, trụ sở xã, công trình cấp nước sinh hoạt, nhà cộng đồng và duy tu sửa chữa 56 công trình khác).
Đối với Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, huyện đầu tư hơn 14 tỷ đồng hỗ trợ cho 2.900 hộ mua sắm máy móc nông nghiệp, 7.727 hộ mua vật tư nông nghiệp, cây giống, vật nuôi; ngoài ra, mở được 37 lớp tập huấn các hoạt động khuyến nông, lâm, ngư nghiệp cho 1.080 lượt nông dân tham gia và thành lập được 64 nhóm hộ, với 382 hộ tham gia…
Đánh giá cao tính hiệu quả, thiết thực của CT135, bà Triệu Thị Thu Phương, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn khẳng định: Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 đã được các cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện, tạo được sự đồng thuận cao trong Nhân dân; mang lại diện mạo mới cho các xã ĐBKK. Đời sống tinh thần, vật chất của đồng bào DTTS từng bước được cải thiện và nâng cao. CT135 được triển khai đồng bộ, minh bạch, đạt hiệu quả, hợp lòng dân, có tác động trực tiếp thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở vùng DTTS và miền núi tỉnh Bắc Kạn.