Trong số các chính sách dân tộc được triển khai, phải kể đến Chương trình 135. Đây là chương trình đã tạo thêm nhiều động lực, thúc đẩy cho vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa phát triển nhanh. Theo Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận, tỉnh hiện có 34 DTTS với hơn 24.000 hộ/100.000 người (chiếm 8% dân số của tỉnh). Giai đoạn 2015 - 2016, Bình Thuận có 10 xã và 21 thôn được tham gia thực hiện Chương trình 135. Đến giai đoạn 2 (2017 - 2020), tỉnh được Trung ương tiếp tục hỗ trợ đầu tư hạ tầng, phát triển sản xuất tại 9 xã và 20 thôn đặc biệt khó khăn theo diện Chương trình 135.
Xác định hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng là một trong những nội dung quan trọng, từ năm 2015 đến nay, tỉnh đầu tư trên 186 tỷ đồng xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng 151 công trình, gồm: 90 công trình giao thông, 14 công trình thủy lợi, 21 công trình trường học… Nhờ đó đến nay, diện mạo vùng nông thôn đã có nhiều khởi sắc. 100% xã vùng đồng bào DTTS đã có đường nhựa thông suốt đến trung tâm xã. Hiện 98% số hộ sử dụng lưới điện quốc gia. Tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch đạt 88%...
Để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của bà con, ngoài việc triển khai hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất cung ứng đầy đủ, kịp thời giống, vật tư nông nghiệp, tỉnh cũng thực hiện tốt các chính sách như: Vay vốn tín dụng ưu đãi; chính sách đầu tư ứng trước và trợ cước vận chuyển… Thông qua đó tạo nguồn lực để đồng bào phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Cùng với đó, tại vùng đồng bào DTTS, các địa phương đều linh hoạt xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp với thực tế như: Mô hình trồng điều, cao su, keo lá tràm; mô hình trồng thanh long VietGAP, nuôi bò giống sinh sản, chăn nuôi gà thả vườn…
Việc thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc đã góp phần đổi thay đời sống vùng đồng bào DTTS, công tác xóa đói giảm nghèo đạt kết quả khá, tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS giảm đáng kể. Đầu năm 2019, vùng đồng bào DTTS còn 2.327 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 10,04% và 3.177 hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 13,71% so với tổng số hộ vùng đồng bào DTTS. Kết quả giảm nghèo trong năm là 734 hộ, tương ứng giảm 3,34%/năm.
Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, hầu hết đồng bào đã biết ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa. Diện tích và sản lượng các loại cây trồng hằng năm tăng, giúp đồng bào nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh.