Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Điện Biên: Hộ nghèo nhận bò lại “đeo” khoản nợ

Vũ Lợi - 14:13, 06/10/2020

Thực hiện Dự án hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế (Chương trình 135), một số hộ nghèo, cận nghèo ở bản Cộng, xã Chiềng Đông, huyện Tuần Giáo (Điện Biên) được hỗ trợ 1 con bò giống để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để được nhận bò, mỗi hộ phải nộp thêm số tiền đối ứng 5 triệu đồng cho nhà cung cấp giống. Và để có đủ số tiền trên, một số hộ phải đi vay lãi, trong khi chất lượng bò mang về lại không được như mong muốn.

Nhiều hộ nghèo ở bản Cộng phải đi vay lãi ngoài để lấy tiền đối ứng mới được nhận bò.
Nhiều hộ nghèo ở bản Cộng phải đi vay lãi ngoài để lấy tiền đối ứng mới được nhận bò.

Là 1 trong số 27 hộ nghèo và cận nghèo của bản Cộng, xã Chiềng Đông mới được nhận bò sinh sản về nuôi, nhưng nhiều ngày nay, gia đình ông Lò Văn Đôi rất lo lắng vì bò bỏ ăn lại đi ngoài kéo dài. Nhìn con bò gầy trơ xương khiến ông Đôi lòng như lửa đốt. Ông cho biết: “Chúng tôi dắt bò về nhà đã thấy nó không được khỏe. Bò gầy quá, không ăn, dắt về đến nhà là nó đi ngoài, phân lỏng. Giờ chúng tôi thấy lo lắng lắm, không biết làm thế nào, cứ đà này sợ bò sẽ chết”.

Không chỉ lo lắng về chất lượng bò giống, các hộ còn rất băn khoăn cho rằng, giá trị con bò nhận về không tương xứng với số tiền được Nhà nước hỗ trợ. Các con bò tuy khối lượng, kích thước khác nhau, nhưng tất cả các gia đình đều phải đối ứng 5 triệu đồng mới được dắt bò về.

Anh Lò Văn Thươi, hộ nghèo nhất bản Cộng cho biết: “Con bò của gia đình tôi vừa nhận bé nhất trong số những con bò người dân đã nhận và được định giá trên 15 triệu đồng. Bò bé và gầy, gia đình tôi yêu cầu đổi con khác, nhưng đơn vị cung ứng và chính quyền xã  đã không chấp thuận. Mặc dù trước đó, khi tuyên truyền chính quyền hứa hẹn nếu hộ nào chưa “ưng” về chất lượng, kích thước, cân nặng của bò giống thì có thể đổi con khác. Không được đổi bò, gia đình còn phải bỏ thêm 5 triệu đồng nữa mới mang được bò về. Số tiền đấy nhà tôi phải đi vay “nóng”, tiền lãi 10%, 5 triệu đồng, mỗi tháng phải trả 500.000 đồng tiền lãi”, anh Thươi lo lắng.

Ông Tòng Văn Xoan, Phó trưởng bản Cộng, xã Chiềng Đông cho rằng, so với thu nhập của các hộ nghèo trong bản, giá bò giống có hơi cao, nếu chỉ 13 - 14 triệu đồng/con thì người dân nhất trí, nhưng số bò giao đều có giá từ 17 - 18 triệu đồng, người dân phải đối ứng thêm tiền nên không đồng tình.

Theo Quyết định số 765 của UBND huyện Tuần Giáo, bò hỗ trợ cho hộ nghèo và cận nghèo ở bản Cộng là bò cái giống địa phương, có trọng lượng khoảng 120kg/con, với tổng vốn trên 361 triệu đồng từ nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2020. Theo đó định mức hỗ trợ hộ nghèo không vượt quá 12 triệu đồng, hộ cận nghèo không vượt quá 10 triệu đồng.

Trao đổi về nội dung này, ông Mùa Va Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết, Quyết định số 765 của huyện Tuần Giáo phê duyệt Dự án “Nuôi bò cái giống bò vàng địa phương cho xã Chiềng Đông” là Tiểu Dự án 2 thuộc Chương trình 135 - “Hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo”. Huyện Tuần Giáo triển khai Chương trình này tới 18 xã với hơn 800 hộ được hưởng thụ. Dự án do UBND các xã làm chủ đầu tư.

“Tiền của hộ cận nghèo là 8 triệu đồng và hộ nghèo là 12 triệu đồng, tương ứng là được 1 con bò nhỡ. Chúng tôi khuyến khích người dân đối ứng 1 phần, còn quy định người dân phải đối ứng là không có. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại, vì theo quy định, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ cho vay. Nếu người dân không vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội mà lại tự đi vay ở ngoài là trách nhiệm của người dân”, ông Hồ khẳng định thêm.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.