Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thông cáo báo chí số 9 Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

PV - 18:52, 02/06/2022

Thứ Năm, ngày 2/6/2022, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 9 tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ngày làm việc được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Truyền hình Quốc hội Việt Nam để Nhân dân và cử tri cả nước quan tâm, theo dõi.

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ngày 2/6/2022
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ngày 2/6/2022

Buổi sáng

Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, tiếp tục thảo luận về: (1) Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước (NSNN) những tháng đầu năm 2022; (2) Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017.

Tại phiên thảo luận đã có 24 đại biểu Quốc hội phát biểu, có 3 đại biểu Quốc hội tranh luận, tập trung vào những nội dung sau:

(1) Về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN những tháng đầu năm 2022

Tiếp theo các ý kiến phát biểu sôi nổi, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận ngày 1/6, tại phiên họp này, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội và cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được, báo cáo cần xác định rõ những thách thức, rủi ro do dịch bệnh và địa chính trị bất định từ bên ngoài và những tồn tại, hạn chế cần khẩn trương khắc phục như: giải ngân vốn đầu tư công không đạt kế hoạch; một số cấu phần của chương trình phục hồi và phát triển KT-XH 2 năm 2022 - 2023 triển khai còn chậm; nợ xấu tiềm ẩn nguy cơ gia tăng; lạm phát tiếp tục tăng cao; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới suy giảm đáng kể; thu ngân sách vượt dự toán nhưng chưa bền vững; thu từ cổ phần hóa đạt thấp; phân bổ giao dự toán chi chậm...

Ngoài ra, các đại biểu cũng chỉ ra những hạn chế trong giám sát, quản lý thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, về đầu tư công, nông nghiệp, nông dân, nông thôn, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, văn hóa, giáo dục, y tế, giao thông, chính sách đối với người có công, đồng bào DTTS và vấn đề việc làm, trẻ em, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi; về tăng giá nguyên vật liệu đầu vào, xăng, dầu, than, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,…

Bên cạnh đó, để thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022, nhất là những tháng cuối năm, các đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục thực hiện các giải pháp để bảo vệ vững chắc thành quả phòng, chống dịch COVID-19 đã đạt được, bảo đảm duy trì bền vững nền kinh tế mở trong trạng thái bình thường; đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quản lý, điều hành, theo dõi chặt chẽ diễn biến cung - cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp bình ổn giá phù hợp; điều chỉnh linh hoạt, kết hợp hài hòa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để điều hành cung tiền, lãi suất, điều tiết giá cả, tập trung triển khai hiệu quả và kịp thời Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch, đặc biệt chú ý tới chất lượng các quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án công trình trọng điểm quốc gia; chủ động kiểm soát, ứng phó với các rủi ro; bảo đảm cân đối NSNN; kiểm soát lạm phát, nợ xấu; quản lý giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản; có giải pháp ổn định thị trường, tăng niềm tin của nhà đầu tư; bảo đảm cân đối cung - cầu bình ổn giá; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường phân cấp đi đôi với kiểm tra, giám sát...

(2) Về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017

Đa số ý kiến của đại biểu đồng tình với sự cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 đến ngày 31/12/2023. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần có giải pháp tích cực, hiệu quả hơn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Nghị quyết, khẩn trương nghiên cứu xây dựng khung khổ pháp lý về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm.

Trong quá trình thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Buổi chiều

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về: (1) Phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2020; (2) Công tác thực hành tiết kiện, chống lãng phí năm 2021.

Tại phiên thảo luận đã có 24 đại biểu Quốc hội phát biểu, tập trung vào những nội dung sau:

(1)Về Phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2020

Đa số ý kiến đại biểu tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Báo cáo kết quả kiểm toán NSNN của Kiểm toán nhà nước; đồng thời, đánh giá các báo cáo được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đánh giá khá toàn diện về công tác quyết toán NSNN năm 2020. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về các nội dung như: việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến lập, chấp hành dự toán NSNN, quyết toán NSNN năm 2020; kết quả thực hiện thu, chi NSNN năm 2020; xử lý thu - chi NSNN không đúng quy định; phê chuẩn quyết toán NSNN chậm; hiệu quả quản lý, sử dụng các khoản chi NSNN, bao gồm cả chi đầu tư, chi thường xuyên, vay trả nợ; chuyển nguồn NSNN tiếp tục tăng cả quy mô và tỷ trọng; công tác giao và phân bổ dự toán NSNN năm 2020; ngân sách phân bổ cho giáo dục; lập dự toán thu tiền sử dụng đất; các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước trong Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2020 và kiểm toán NSNN tại các bộ, ngành, địa phương năm 2020; quyết toán các khoản chi chỉnh lý, thẩm định, tổng hợp quyết toán không đúng thời gian quy định;...

(2)Về Công tác thực hành tiết kiện, chống lãng phí năm 2021

Đa số ý kiến đại biểu tán thành với Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội; đồng thời, đánh giá các báo cáo được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đánh giá khá toàn diện về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực. Bên cạnh đó, các đại biểu tập trung cho ý kiến về các nội dung như: về công tác hoàn thiện thể chế, chỉ đạo, điều hành; kết quả, tồn tại, hạn chế và các giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực: ban hành, thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ; xây dựng cơ bản; quản lý đất đai; quy hoạch; chuyển đổi số; đầu tư công; đấu thầu, mua sắm và sử dụng tài sản công; chi thường xuyên; quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ; y tế; giáo dục; lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí NSNN; quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên; tổ chức bộ máy, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước; quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân; công tác thanh tra, kiểm toán việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...

Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Thứ Sáu, ngày 3/6/2022:

Buổi sáng: Quốc hội nghe: (1) Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Dầu khí (sửa đổi); (2) Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; (3) Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; (4) Thảo luận ở Hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam;

Buổi chiều: Quốc hội thảo luận ở tổ về: (1) Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; (2) Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi)./.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.