Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tập trung nguồn lực, triển khai hiệu quả Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng DTTS, miền núi

Hoàng Quý - 20:44, 01/06/2022

Chiều 1/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2021; Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp

Trong phiên thảo luận buổi chiều, đã có 21 ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội và 1 ý kiến tranh luận. Ý kiến của các đại biểu Quốc hội thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm sâu sắc về các nội dung: Tập trung đánh giá về tình hình KT-XH, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH, hiến kế để đẩy mạnh việc triển khai các công trình, dự án đầu tư công, phát triển kinh tế vùng; chính sách để phát huy, bảo tồn văn hóa các dân tộc; về đời sống và nhà ở cho công nhân lao động; về bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái rừng tự nhiên; về xử lý nợ xấu và việc kéo dài thời hạn của Nghị quyết 42 của Quốc hội.

Đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai): Cần luật hóa việc điều trị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính nặng ở trẻ em.

Đại biểu Lê Thu Hà đề nghị ngành nội vụ và các cấp chính quyền cần quan tâm đến đội ngũ giáo viên miền núi cả về số lượng và chất lượng. Thực tế cho thấy, với số lượng biên chế thời điểm cuối năm 2021, ngành Giáo dục các tỉnh miền núi phải căng hết sức mới đảm trách được nhiệm vụ, việc tiếp tục cắt giảm trong giai đoạn tới, sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học ở miền núi. Mặt khác, dư địa xã hội hóa giáo dục ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS không nhiều, nên đại biểu đề nghị Chính phủ khi giao chỉ tiêu giảm biên chế trong giai đoạn tới không cào bằng tỷ lệ 10% với các tỉnh miền núi, vùng cao.

Đại biểu Lê Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai
Đại biểu Lê Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai

Về vấn đề suy dinh dưỡng trẻ em, đại biểu Lê Thu Hà chỉ ra rằng, số trẻ suy dinh dưỡng nặng cấp tính chiếm khoảng 0,5% dân số và các tỉnh miền núi, vùng DTTS khác. Việc phòng và điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng là một trong những mục tiêu chính của Chiến lược dinh dưỡng quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 và các chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, cho tới nay chưa có chính sách, cũng như nguồn tài chính từ ngân sách Trung ương, hoặc địa phương cho các can thiệp quản lý, lồng ghép suy dinh dưỡng cấp tính và hậu quả là có tới 90% các trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng, không được điều trị.

Đại biểu đề nghị cần luật hóa việc điều trị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính nặng với cơ chế chi trả tiền thông qua quỹ bảo hiểm y tế. Đồng thời xem xét bố trí ngân sách riêng cho nội dung bổ sung dinh dưỡng cho trẻ em miền núi.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình): Cần có thêm giải pháp để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân

Về các nhiệm vụ giải pháp cho những tháng cuối năm 2022, đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị, Chính phủ tiếp tục có giải pháp để hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp và người dân, như đề xuất cấp có thẩm quyền giảm một số loại thuế, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn; có chính sách bình ổn giá, nhất là giá các mặt hàng thiết yếu để phát triển sản xuất kinh doanh; tạo việc làm cho người lao động và nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc - Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình
Đại biểu Đặng Bích Ngọc - Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình

Theo đại biểu, Chính phủ cần sớm phân bổ nguồn vốn đầu tư công để thực hiện các dự án trong danh mục thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH đã được Quốc hội phê duyệt. Đối với các dự án mới chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy trình rút gọn, để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện.

Cho biết việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay vướng nhiều ở các thủ tục, như chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà thầu... đại biểu đề nghị Chính phủ sớm phân bổ chi tiết các nguồn vốn đầu tư để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện bảo đảm tiến độ theo kế hoạch.

Đại biểu K’Nhiễu (Lâm Đồng): Tập trung nguồn lực, triển khai hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi

Đại biểu K’Nhiễu cho biết, theo Báo cáo giải trình của Chính phủ, việc triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi chậm do nhiều nguyên nhân, lý do khác nhau... đã dẫn đến không bảo đảm tiến độ đề ra. Từ thực trạng nêu trên, đại biểu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành liên quan một số vấn đề:

Đại biểu K'Nhiễu - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng
Đại biểu K'Nhiễu - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng

Các bộ, ngành liên quan, địa phương phải có quyết tâm chính trị cao nhất để tập trung nguồn lực, công sức, trí tuệ để triển khai tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình, phấn đấu giải ngân 100% vốn kế hoạch được giao.

Cần tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân chung sức tham gia thực hiện Chương trình; kịp thời tuyên dương, khen thưởng những điển hình tiên tiến, những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, phổ biến, giới thiệu mô hình tốt. Đặc biệt, việc ứng dụng, chuyển giao mô hình khoa học công nghệ để phát huy ưu điểm trên địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS.

Cần phát huy sự chủ động, sáng tạo và ý chí tự cường, khát vọng vươn lên của đồng bào các DTTS nhằm khơi dậy và đánh thức sức mạnh nội tâm, để thực sự hiệu quả đời sống của đồng bào DTTS và miền núi ngày càng được nâng cao.

Theo Chương trình làm việc, ngày 2/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.