Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Thói quen dùng nhiều rượu của đồng bào vùng DTTS, miền núi: Hậu quả khó lường

PV - 18:05, 16/01/2018

Chuẩn bị đón Tết cổ truyền, bà con các dân tộc ở các huyện vùng cao đã lo ủ, cất rượu từ mấy tháng nay. Mỗi nhà dù giàu hay nghèo trong nhà đều có từ 2-5 chum rượu để đãi khách trong 3 ngày Tết. Đây là nét văn hóa truyền thống từ bao đời nay; nhưng việc sử dụng nhiều rượu, nhất là rượu không rõ nguồn gốc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Rượu là một trong những mặt hàng không thể thiếu ở các phiên chợ vùng cao. Rượu là một trong những mặt hàng không thể thiếu ở các phiên chợ vùng cao.

 

Thiếu nước, không thiếu rượu!

Nằm nơi cuối núi, thôn Trù Sán gần như tách biệt hoàn toàn với trung tâm xã Sơn Vỹ, huyện Mèo Vạc (Hà Giang). Nếu như Sơn Vỹ là xã khó khăn nhất của huyện Mèo Vạc thì Trù Sán là thôn xa xôi nhất của xã Sơn Vỹ. Tuyến đường dân sinh từ trung tâm xã vào Trù Sán dài 13km cheo leo bên sườn đá, chỉ có thể đi bộ. Cũng vì thế mà bao đời nay, thôn Trù San chưa hề vọng tiếng còi xe máy.

Nhưng cái khổ nhất của 27 hộ/141 nhân khẩu đồng bào dân tộc Mông ở Trù Sán là thiếu nước sinh hoạt. Dù rằng, đối diện thôn là Nhà máy thủy điện Nho Quế 3, dưới chân núi là dòng sông Nho Quế uốn lượn...

Năm 2017, mưa lớn bất thường trong các tháng 6, 7, 8 đem lại lượng nước đủ cho nhân dân Trù Sán sinh hoạt và sản xuất. Nhưng từ cuối tháng 9 (đến tháng 5 năm sau), Trù Sán bước vào mùa khô. Theo “lệ” cũ, bà con lại xuống núi gùi nước lên để dùng, mỗi lần lên xuống cũng phải mất vài tiếng đồng hồ để gùi khoảng 20 lít nước.

Không đủ nước sinh hoạt, ấy nhưng trong nhà ai cũng có rượu. Vào nhà anh Ly Mý Vàng, hộ nghèo của Trù Sán-mà cả thôn thì hộ nào cũng thuộc diện nghèo, chúng tôi được mời chén rượu thay nước. Anh Vàng bảo: “Ở đây không có nước đâu, rượu mua ở chợ phiên đấy, chỉ dành để tiếp khách thôi”.

Cái bụng của bà con thật thà là vậy, nhưng ngẫm kỹ thấy nhói lòng. Cuộc sống còn quá đỗi khó khăn, đến nước sinh hoạt còn thiếu trầm trọng; vậy nhưng rượu vẫn là thức uống không thể thiếu của mỗi gia đình nơi thâm sơn này.

Nhưng đâu chỉ có Trù Sán, ở các bản vùng cao của xã Sơn Vỹ, rồi cả xã Giàng Chứ Phìn, Cán Chứ Phìn, Lũng Phù, Khâu Vai,… của huyện Mèo Vạc thường xuyên lâm vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Những chiếc hồ treo được xây dựng đã góp phần giải cơn khát cho bà con; nhưng người dân ở những bản vùng sâu, núi cao cũng phải mất hàng giờ đi bộ để gùi nước về sử dụng.

Ấy vậy, nước thì có thể thiếu nhưng rượu vẫn luôn… đủ dùng. “Khách đến nhà không trà thì rượu”; hơn nữa, theo phong tục, tập quán của người vùng cao, khách đến nhà không có chén rượu thì gia chủ không làm trọn vai trò; gia chủ mời chén rượu mà khách không uống thì gia chủ không vui. Người vùng cao là thế.

Thói quen khó bỏ

Rời Trù Sán, chúng tôi mang theo trong lòng những ray rứt. Việc Trù Sán cũng như những bản làng vùng cao khác của huyện Mèo Vạc thiếu nước sinh hoạt đã được nói nhiều; hay tình trạng thiếu nước nhưng không thiếu rượu trong cuộc sống của bà con cũng chẳng phải là chuyện mới. Ray rứt là ở chỗ, rượu bà con sử dụng hằng ngày có từ đâu?

Như chia sẻ của Trưởng thôn Trù Sán, ông Lầu Mí Và, 27 hộ trong thôn đều là hộ nghèo, trong đó có 3 hộ thuộc diện đặc biệt nghèo. Trù Sán toàn đá núi nên mỗi năm chỉ trồng được một ít ngô, xen một ít đỗ tương nên thường xuyên lâm vào thiếu đói. Một năm, bình quân một hộ ở Trù Sán được cấp 90kg gạo để cứu đói. Số gạo ấy chưa đủ ăn, hơn nữa thiếu nước thì lấy gì để mà nấu rượu.

Không nấu được thì chỉ có đi mua ở các chợ phiên. Mà chợ phiên vùng cao chỉ họp mỗi tuần một lần, có nơi một tháng mới họp một lần. Với vùng xa như thôn Trù Sán, để về trung tâm xã Sơn Vỹ cũng phải đi bộ hơn 3 tiếng đồng hồ. Do đó, đến phiên chợ thì phải mua sắm để tích trữ. Tiền không có nhiều nên chỉ có thể mua rượu rẻ, rượu không rõ nguồn gốc, ấy là điều chắc chắn.

Cũng may, như chia sẻ của Trưởng thôn Lầu Mí Và, trong thôn chưa xảy ra trường hợp nào ngộ độc rượu. Nhưng đó là may mắn, ai biết trước được. Những vụ ngộ độc do sử dụng rượu không rõ nguồn gốc đang được nâng mức cảnh báo ở các địa bàn vùng cao. Ngay ở Hà Giang, vụ việc ngộ độc tập thể xảy ra tại bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải (huyện Hoàng Su Phì) mà nguyên nhân là do người dân uống phải rượu có nồng độ methanol quá cao, làm gần chục người tử vong, hơn 100 người bị ảnh hưởng vẫn là tiếng chuông báo động đỏ.

Ai cũng biết, rượu gây ra nhiều tác hại, thế nhưng điều đáng buồn là bây giờ rượu vẫn hiện hữu trong hầu hết các bản làng, các gia đình ở vùng cao. Không khó để nhận thấy trong mỗi việc vui, việc buồn, phiên chợ, lễ hội, ngay cả khi kết thúc buổi lên nương, ra đồng của bà con, rượu tồn tại như một thói quen ngàn đời khó bỏ. Những câu chuyện buồn từ rượu ở vùng cao vì vậy vẫn cứ treo lơ lửng.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Phổ cập xóa mù chữ: Cách làm hay ở Lạng Sơn

Phổ cập xóa mù chữ: Cách làm hay ở Lạng Sơn

Không chỉ được tăng cường khả năng sử dụng tiếng Việt, kỹ năng tính toán, mà các học viên còn được tham dự Ngày hội giao lưu Toán, Tiếng Việt để vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn… Đây là cách làm sáng tạo trong công tác xóa mù chữ đã và đang lan tỏa, góp phần nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ cho đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa, biên giới Lạng Sơn.