Thế nhưng, nhiều chuyên gia luật nhận định, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình còn nhiều quy định thiếu khả thi. Một trong số đó là quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình hiện chưa nhất quán với Bộ luật Hình sự (BLHS). Trong khi BLHS quy định “xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm”.
Trong khi đó, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác là một dạng bạo lực tinh thần, song hành vi đối với thành viên gia đình chỉ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1,5 triệu đồng (Điều 51 Nghị định 167/2013/NĐ-CP).
Các thủ tục hành chính và điều kiện để xử lý vụ việc bạo lực gia đình hiện nay còn khá phức tạp, nhất là quy định về viết đơn, tố cáo. Nhiều nạn nhân bạo lực gia đình ngại tiếp xúc với chính quyền vì không biết phải trình bày thế nào, thậm chí bị người gây bạo lực hoặc người trong gia đình đe dọa nếu tố cáo.
Hiện tại, các biện pháp cấm tiếp xúc cũng chưa thực sự bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình. Khi áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc, thì nạn nhân thường là người phải ra khỏi nhà, trong khi đó, nạn nhân thường là người yếu thế (phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi). Vì vậy, để áp dụng biện pháp này thì nhất thiết phải sửa quy định về cấm tiếp xúc để tăng cơ hội bảo vệ nạn nhân và tăng hình thức răn đe với người gây bạo lực.
Để mỗi gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là tổ ấm của mỗi người, ngoài sự cố gắng của mỗi cá nhân thì cần sự cầu thị, lắng nghe sửa đổi những điểm chưa hợp lý của các cơ quan chức năng.