Là một phụ nữ có trình độ học thức cao, trong một lần đi công tác ở miền núi, chị Phùng Thị Yến quê ở Thanh Hóa tình cờ gặp anh Nguyễn Văn Thành, sĩ quan Biên phòng đang công tác ở Lào Cai. Hai người nhanh chóng có cảm tình với nhau và đã nên duyên vợ chồng sau hơn 1 năm tìm hiểu.
Thế nhưng, ở đời không ai lường được chữ ngờ. Mặc dù là sĩ quan trong quân đội nhưng anh Thành vẫn rất ham chơi, tính cách gia trưởng. Còn chị Yến làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu, tiếp xúc nhiều với các chuyên gia nghiên cứu người nước ngoài nên thường xuyên mang tư tưởng “bình quyền” vào tổ ấm. Những sự “lệch pha” đó không được hai vợ chồng điều chỉnh, “kê” lại cho bằng dẫn đến sự mâu thuẫn, bất đồng, tranh giành quyền ảnh hưởng trong gia đình của cặp vợ chồng trẻ.
Đỉnh điểm của những mâu thuẫn, bất đồng là giai đoạn “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, chị Yến thường xuyên bị anh Thành đánh thâm tím mặt mũi sau mỗi lần xảy ra cãi vã. Mức độ bạo lực ngày càng gia tăng khiến chị Yến phải cầu cứu các cán bộ phụ nữ đưa vào “Ngôi nhà bình yên” lánh nạn. (Đây là một địa chỉ bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho những nạn nhân bị bạo lực gia đình do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thành lập).
Nhờ sự can thiệp của cán bộ các cấp Hội Phụ nữ, sau gần nửa năm điều đình và làm các thủ tục ly hôn, chị Yến mới được giải thoát khỏi cuộc hôn nhân đầy bi kịch và nước mắt.
Chị Phùng Thị Yến chỉ là một trong số hàng ngàn các nạn nhân bị bạo lực gia đình dẫn đến đổ vỡ hạnh phúc. Theo Nghiên cứu quốc gia về Bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam được Chính phủ Việt Nam và Liên Hợp quốc công bố mới đây cho thấy: Hơn một nửa phụ nữ tại Việt Nam đều có nguy cơ bị bạo lực tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời, trong đó có hai dạng bạo lực: bạo lực thể chất và bạo lực tinh thần.
Tại khu vực miền núi, số vụ bạo lực diễn ra trong cộng đồng các DTTS những năm qua cũng không ít. Ví dụ như tỉnh Sơn La, thống kê từ năm 2012 đến nay cho thấy, toàn tỉnh xảy ra gần 6.000 vụ bạo lực gia đình, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em gái. Đây có thể vẫn là con số khiêm tốn so với thực tế, bởi hầu hết các nạn nhân không tố cáo, nhận thức hạn chế về quyền con người. Còn tại tỉnh Bắc Kạn, năm 2017, toàn tỉnh xảy ra hơn 125 vụ bạo lực gia đình, trong đó chủ yếu là bạo lực tinh thần và bạo lực thân thể (chiếm hơn 90%). Bạo lực gia đình cũng xảy ra phổ biến ở huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, nơi có 85% dân số là đồng bào dân tộc Hrê sinh sống. Đồng bào Hrê vốn có thói quen uống rượu. Rượu vào, một số người không kiểm soát được lời nói, hành vi, dẫn đến các vụ bạo lực gia đình. Tính từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra hơn 300 vụ bạo lực gia đình, trong đó, nạn nhân là phụ nữ chiếm hơn 90%...
Bạo lực gia đình là một hiện tượng rất phổ biến nhưng vấn đề này vẫn bị nhiều chị em giấu giếm. Sự kỳ thị và sự xấu hổ khiến phụ nữ phải giữ im lặng, nhẫn nhịn chịu đựng để gìn giữ sự êm ấm cho gia đình. Chỉ đến khi mức độ bạo lực vượt quá sức chịu đựng, đe dọa đến tính mạng thì phụ nữ mới cầu cứu đến cơ quan chức năng can thiệp.
Tháng 11/2007, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Ngay sau đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp quy hướng dẫn thực hiện và triển khai thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng hiệu quả của công tác phòng, chống bạo lực gia đình chưa cao, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình chưa thực sự đi vào cuộc sống, đặc biệt ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.
Thực tế các chương trình can thiệp hiện nay tại Việt Nam trong thời gian qua chưa quan tâm đến vai trò và sự tham gia của nam giới trong việc xóa bỏ bạo lực gia đình. Trong khi đó, nam giới là đối tượng gây ra bạo lực gia đình đối với phụ nữ. Muốn ngăn chặn, phòng, chống bạo lực gia đình, phải bắt đầu từ nam giới. Thế nhưng cho đến nay, chưa có một chương trình, dự án, đề án nào đưa ra được giải pháp giải quyết triệt để vấn đề này. Đây chính là một khoảng trống về chính sách cần được thực hiện ngay ở cấp quốc gia.n
Ngọc Ánh