Từ 12 CLB phòng, chống BLGĐ năm 2008, đến nay toàn tỉnh đã có 958 CLB, với gần 26 nghìn thành viên và 433 địa chỉ tin cậy, “nhà đồng cảm”. Hầu hết các khu dân cư đều đưa việc thực hiện phòng, chống BLGĐ vào hương ước, quy ước. Nếu năm 2008 toàn tỉnh xảy ra hơn 1 nghìn vụ BLGĐ, thì đến năm 2017 giảm xuống còn 259 vụ.
Điển hình như CLB phòng, chống BLGĐ thôn Cầu Chính, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) can thiệp thành công, hàn gắn hàng chục cặp vợ chồng, trước đó đã xảy ra bạo lực, gia đình rạn nứt. Bà Hà Thị Tiến, Chủ nhiệm CLB cho biết: Từ khi thành lập (năm 2009), CLB duy trì tổ chức nhiều tiết mục văn nghệ về xây dựng gia đình hạnh phúc. Khi có trường hợp bị bạo hành, tổ hòa giải đến tận nơi tìm hiểu nguyên nhân, khuyên nhủ, đồng thời có biện pháp phối hợp với cơ quan an ninh địa phương bảo vệ nạn nhân.
Một số địa phương thực hiện các biện pháp nhằm đẩy lùi BLGĐ như: TP Bắc Giang tổ chức thông tin chuyên đề về bí quyết giữ gìn gia đình hạnh phúc; huyện Tân Yên tổ chức tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững.
Huyện Lạng Giang tổ chức hội thi tìm hiểu Luật Phòng, chống BLGĐ; thi hòa giải viên giỏi, 100% xã, thị trấn duy trì mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng”, CLB “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Người chồng tâm lý”, “Gia đình không có bạo lực”.
Huyện Hiệp Hòa tổ chức nói chuyện chuyên đề “Bí quyết giữ gìn mái ấm gia đình hạnh phúc thời kỳ hội nhập”.
Các huyện: Yên Dũng, Lục Ngạn, Sơn Động phát huy hiệu quả mô hình “Nhà tạm lánh”, “Nhà đồng cảm”, “Địa chỉ tin cậy”…
PV