Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Phụ nữ vùng biên Thanh Hóa: Tăng cường phòng chống bạo lực gia đình

PV - 11:05, 17/07/2019

Để trao quyền cho phụ nữ vùng DTTS, vùng khó khăn có cơ hội nâng cao nhận thức về phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ), phòng chống tảo hôn, kết hôn cận huyết thống và xóa mù chữ…, thời gian qua, tại nhiều huyện vùng biên tỉnh Thanh Hóa, các cấp Hội Phụ nữ đã tích cực vào cuộc, thành lập các Câu lạc bộ PCBLGĐ, qua đó, đã mang lại sự bình yên, hạnh phúc cho hàng trăm gia đình nơi vùng biên.

Thành viên CLB PCBLGĐ tuyên truyền về cách phòng chống BLGĐ cho bà con dân tộc Mông huyện Mường Lát. Thành viên CLB PCBLGĐ tuyên truyền về cách phòng chống BLGĐ cho bà con dân tộc Mông huyện Mường Lát.

Chị Thao Thị Mây, thành viên tích cực của Câu lạc bộ PCBLGĐ xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát chia sẻ: “Nhiều chị em DTTS ở vùng miền núi còn hạn chế về trình độ nhận thức xã hội, thói quen sống cam chịu nên khi bản thân bị bạo lực gia đình, thậm chí bị chồng đánh đập thường xuyên cũng không dám kể với ai, chỉ biết âm thầm chịu đựng. Tuy nhiên, từ khi Câu lạc bộ PCBLGĐ hình thành, chị em được trang bị kiến thức về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật PCBLGĐ, bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình. Từ đó dần cởi mở, chia sẻ với nhau, tìm cách giúp nhau tháo gỡ khó khăn”.

Cũng theo chị Mây, các thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ PCBLGĐ xã Nhi Sơn thường xuyên đến từng gia đình tuyên truyền bằng những phương pháp gần gũi, dễ hiểu đã dần thay đổi ý thức của các cặp vợ chồng về việc PCBLGD, nhờ đó tình trạng bạo lực gia đình giảm hẳn.

Ví dụ như trường hợp chị T, ở xã Nhi Sơn, có chồng hay ghen và nghiện rượu. Mỗi lần uống rượu, chồng chị T lại tìm cớ gây sự, đánh đập chị. Qua các buổi sinh hoạt Câu lạc bộ, chị T đã mạnh dạn nói ra sự việc. Theo đó, các thành viên Câu lạc bộ đã đến tận nhà trao đổi, giải thích cho chồng chị T hiểu những hành động sai trái của mình và vận động người chồng cai rượu.

Hiện vợ chồng chị T đã hòa hợp và cùng nhau chăm chỉ làm việc hướng tới việc thoát nghèo bền vững và chăm sóc con cái.

Chị Hà Thị Thủy, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mường Lát cho biết: Hiện, toàn huyện Mường Lát có 2.563 hội viên tham gia các Câu lạc bộ PCBLGĐ. Với phương châm tuyên truyền, vận động theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, tăng cường khuyên can đối thoại, kết hợp tuyên truyền, vận động người trong gia đình, dòng họ, Người có uy tín trong cộng đồng dân cư, thời gian qua hoạt động của các Câu lạc bộ PCBLGĐ đã góp phần tạo chuyển biến rõ rệt cả về nhận thức và hành động trong cộng đồng, trong mỗi gia đình…

Từ khi các Câu lạc bộ PCBLGĐ đi vào hoạt động, tình trạng bạo hành gia đình đã giảm hẳn. Mô hình này đã phối hợp giúp đỡ, tư vấn, hòa giải thành công nhiều trường hợp bị bạo hành gia đình. Điển hình như tại các Câu lạc bộ của Chi hội Phụ nữ bản Sáng, xã Quang Chiểu; Chi hội Phụ nữ bản Chim, xã Nhi Sơn; Chi hội Phụ nữ bản Lát, xã Tam Chung…

“Hiện nay, 90 thôn bản trên địa bàn Mường Lát đã đưa nội dung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình bổ sung vào hương ước, quy ước của các thôn, làng, tổ dân phố và nhân rộng nhiều mô hình can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần giảm thiểu các vụ bạo lực”, chị Thủy thông tin thêm.

Tuy nhiên, cũng theo chị Thủy, hầu hết các vụ bạo hành Câu lạc bộ nắm được chỉ giới hạn ở bạo hành thể xác, còn bạo hành tinh thần và tình dục, nạn nhân không khai báo. Để công tác phòng chống bạo lực gia đình thực sự hiệu quả, cần có sự chung tay của cả cộng đồng, nhất là sự lên tiếng mạnh mẽ từ chính những nạn nhân.

QUỲNH TRÂM

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.