Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Thiên tai và phái yếu

Hiếu Anh - 14:47, 16/03/2020

Hiện nay, Việt Nam là 1 trong 4 nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của hiện tượng khí hậu cực đoan. Trung bình mỗi năm, thiên tai cướp đi mạng sống của gần 500 người, thiệt hại trên 1,5 tỷ USD. Trong số đó, phụ nữ và trẻ em gái là những đối tượng bị tác động nhiều nhất. Thế nhưng, trên thực tế, chúng ta chưa thực hiện được bình đẳng giới trong lĩnh vực này.

Nhiều phụ nữ ở Tây Nguyên phải đi xa hơn để lấy nước do hạn hán
Nhiều phụ nữ ở Tây Nguyên phải đi xa hơn để lấy nước do hạn hán

Bài 1: Điều thấy được sau những trận thiên tai

Trong những ngày lặn lội đến các vùng đồng bào DTTS chịu ảnh hưởng từ thiên tai như bão lụt hạn hán, chúng tôi nhận ra rằng, phụ nữ và trẻ em gái là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất. 

Mạng sống mong manh

Hẳn là cho đến tận bây giờ nhiều người vẫn ám ảnh, bởi cảnh tượng chị Bùi Thị Sinh ôm chặt 2 con chết trong đống đổ nát trong vụ lở núi kinh hoàng xảy ra ở bản Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) vào ngày 12/10/2017. Trận lũ kép xảy ra tại bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) vào ngày 3/8/2019 khiến 12 người trong cùng 1 bản tử vong. Trong số này, có tới 8 người là nữ giới. Hay trước đó, mưa lũ ở Quảng Ninh xảy ra ngày 28/7/2015 khiến 15 người chết thì có tới 9 người là phụ nữ… 

 Theo nghiên cứu gần đây của tổ chức quốc tế Oxfam, thiên tai còn làm tăng rủi ro bệnh tật đối với phụ nữ và trẻ em gái nhiều hơn ở nam giới. Tỷ lệ mắc bệnh tiêu chảy và bệnh phụ khoa ghi nhận tăng lên ở Việt Nam sau những trận thiên tai gây ra lũ lụt, hạn hán. 

 Không những vậy, thiên tai và BĐKH còn gián tiếp khiến cho công việc của phụ nữ tăng hơn rất nhiều so với nam giới. Ở một số vùng như Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, hạn hán kéo dài khiến phụ nữ phải đi xa hơn để lấy nước. Khan hiếm nước cũng ảnh hưởng đến việc nhà và nuôi dạy con, như nấu ăn, dọn dẹp và kiếm củi. Cũng theo nghiên cứu của Oxfam, khi thiên tai xảy ra, phụ nữ tham gia đến 60% tổng khối lượng công việc, còn nam giới chỉ tham gia 40%. 

 Và còn rất nhiều những vụ việc khác xảy ra từ thực tế đã cho thấy, tỷ lệ phụ nữ tử vong trong một số vụ thiên tai cao hơn so với nam giới. Xét kỹ hơn chúng ta thấy rằng, những hình ảnh trên đã chứng tỏ phụ nữ là những người rất thiếu kỹ năng và dễ bị tác động bởi thiên tai…

Bà Dương Thị Đa cặm cụi gom cam rụng để chôn lấp
Bà Dương Thị Đa cặm cụi gom cam rụng để chôn lấp

Áp lực về tâm lý

Chúng tôi đến xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang (Hà Giang) ngay sau những ngày cam rụng thành suối do ảnh hưởng của mưa đá bất thường. Trên những vườn đồi rộng hàng trăm ha, tận mắt chứng kiến cảnh hầu hết là phụ nữ ở đủ các lứa tuổi cặm cụi gom cam rụng để chôn lấp, tỷ mẩn rắc trấu trên hầu khắp các ngả đường để phòng chống dịch bệnh từ hậu quả thiên tai để lại. 

Bà Dương Thị Đa, dân tộc Tày, 58 tuổi buồn bã kể: Gia đình bà có 3ha cam trồng được hơn 10 năm nay. Thế nhưng, ngay sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán vườn cam của gia đình rụng đến 50%. Chồng bà là ông Đinh Văn Trình là người đầu tiên phát hiện ra cam rụng đã về báo. Đứng trước cảnh tượng đau lòng này, những người đàn ông vững tâm thì không sao, nhưng những người phụ nữ như bà Đa và con dâu đã không thể cầm lòng mà khóc ngất tại chỗ. Bao nhiêu vốn liếng của gia đình nay theo cam mà rụng tràn xuống đất. Bà nói, vì xót của bà đã ốm mất 3 ngày, nay mới gượng dậy cùng chồng và các con ra thu dọn và nhặt nhạnh những gì còn sót lại. 

Có thể nói, tác động của thiên tai đến phụ nữ và trẻ em gái là cao hơn ở nam giới, tuy nhiên đến nay, chúng ta chưa có những đánh giá sâu và toàn diện để khẳng định vị trí của phụ nữ trong phòng chống thiên tai, để từ đó có giải pháp, cơ chế giúp đỡ, trang bị cho phụ nữ có kỹ năng ứng phó với thiên tai; hỗ trợ họ vượt qua khó khăn, cú sốc về tâm lý… 

Giải quyết vấn đề này, ngoài sự lên tiếng mạnh mẽ của người trong cuộc, thì trách nhiệm thuộc về các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia chuyên ngành và những nhà hoạch định chính sách... 

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.