Bài 1: Phòng chống phải đi đôi với phát triển bền vững
Chắc hẳn nhiều người vẫn còn ám ảnh về trận lũ bất ngờ xảy ra rạng sáng ngày 3/8/2019 ập xuống bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện vùng cao biên giới Quan Sơn (Thanh Hóa). Trận lũ đã cuốn trôi trên 20 ngôi nhà và nhiều ngôi nhà bị hư hại; 17 người chết và mất tích, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, năm 2019, thiên tai không diễn ra dồn dập và khốc liệt nhưng mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường trên khắp các vùng miền của cả nước với 16/21 loại hình thiên tai, trong đó, có 7 cơn bão và 4 đợt áp thấp nhiệt đới; 222 trận dông, lốc sét; 10 trận lũ quét, sạt lở đất; 4 đợt rét đậm, rét hại; 8 đợt nắng nóng; 63 trận mưa lớn, ngập lụt; 13 trận động đất…
Có thể thấy, thiên tai xảy ra phần lớn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Chỉ tính riêng trong năm 2019, thiên tai đã làm 131 người chết và mất tích; 1.319 nhà bị đổ, trôi; 40.276 nhà bị hư hỏng và di dời khẩn cấp; 100.000ha lúa và hoa màu bị ngập, thiệt hại; 24.000ha cây công nghiệp, cây ăn quả bị đổ, gãy. Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính trên 7.000 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường khẳng định, thiên tai thường gây ra những thiệt hại lớn về kinh tế và tính mạng con người. Đặc biệt, trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu đã làm cho mức độ thiên tai diễn ra khốc liệt, gây ra thiệt hại nghiêm trọng hơn.
Để công tác PCTT sát với thực tiễn, nâng cao hiệu quả PCTT, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật PCTT và Luật Đê điều đã được thảo luận tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.
Thảo luận về dự án Luật này, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, để hoàn thiện dự thảo luật, đáp ứng yêu cầu PCTT, Luật phải sát thực tiễn hơn. Đại biểu Lưu Văn Long (Vĩnh Phúc) cho rằng, các nội dung sửa đổi Luật chủ yếu tập trung vào những vướng mắc trong triển khai trên thực tế là cần thiết nhằm làm tốt công tác dự báo, hạn chế thiệt hại. Tuy nhiên, dự thảo Luật cần bổ sung trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc bảo đảm nguồn lực thực hiện PCTT; tăng cường công tác giám sát phòng, chống thiên tai…
Từ thực tế thiên tai xảy ra phần lớn ở vùng DTTS, miền núi còn nhiều khó khăn, có đại biểu cho rằng, Luật phải sát với công tác PCTT ở vùng DTTS và miền núi. Theo đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang), quy hoạch xây dựng đối với miền núi rất phức tạp và chưa đồng bộ, chưa có quy hoạch ngăn lũ. Trong khi đó quy định về công tác quản lý trong PCTT tại vùng cao, miền núi cũng còn chung chung, do đó cần bổ sung các quy định này trong Luật.
Cùng với đó, nhiều đại biểu kiến nghị, cần có chính sách về bảo đảm yêu cầu về PCTT với việc đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp khu du lịch, khu công nghiệp; bảo hiểm rủi ro thiên tai cho các công trình, cho tài sản của người dân trong vùng có nguy cơ thiên tai cao…