Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thiên tai không chờ kinh phí: Những gì đã làm vẫn như "muối bỏ biển" (Bài 3)

Thanh Nguyễn - 08:20, 08/11/2023

Dẫu các điểm sạt lở, ngập lũ nhiều, nhu cầu người dân được di dời đến nơi an toàn là rất lớn… nhưng do thiếu kinh phí nên địa phương cũng đành “bó tay”. Thực hiện Chương trình MTQG 1719, đã có nhiều dự án được khởi động và triển khai, nhưng vẫn là như “muối bỏ biển”.

Người dân vùng sạt lở bản Hòa Sơn xã Tà Cạ huyện Kỳ Sơn rất mong sớm được di dời tái định cư
Người dân vùng sạt lở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn rất mong sớm được di dời tái định cư

Cần đẩy nhanh thực hiện bố trí dân cư

Đã hơn 1 năm sau trận lũ quét, sạt lở đất kinh hoàng nhưng nhiều hộ dân vùng ảnh hưởng ở xã Tà Cạ (Kỳ Sơn) vẫn chưa thể di dời tái định cư. Còn nhớ, sau khi lũ quét xảy ra, chính quyền huyện Kỳ Sơn đã có văn bản đề nghị, UBND tỉnh sớm bố trí tái định cư cho người dân để đảm bảo an toàn. Trên cơ sở đề nghị của tỉnh, khu vực định cư mới đã được quy hoạch, nguồn vốn thực hiện cũng đã được bố trí…; tuy nhiên do còn gặp một số vướng mắc về thủ tục đầu tư nên đến nay, dự án này vẫn chưa thể triển khai khiến người dân vùng sạt lở Tà Cạ như ngồi trên lửa.

Thực hiện Chương trình MTQG 1719, đã có 4 dự án được phê duyệt quy hoạch, với tổng mức đầu tư khoảng 60 tỷ đồng tại Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương để sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết. Theo đó, huyện Kỳ Sơn được phê duyệt 2 dự án bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư bản Xốp Tụ, xã Mỹ Lý và bản Nam Tiến 2, xã Bảo Nam; huyện Tương Dương được phê duyệt dự án tái định cư Khe Hộc bản Huồi Pủng xã Hữu Khuông; huyện Quế Phong được phê duyệt cơ sở hạ tầng định canh, định cư bản Long Thắng xã Hạnh Dịch.

 Tuy nhiên, cả 4 dự án mang tính cấp thiết cho người dân thường xuyên chịu cảnh thiên tai có nguồn vốn rõ ràng, phân kỳ giai đoạn đầu tư cụ thể… vẫn chưa thể thực hiện do còn nhiều vướng mắc trong các thủ tục đầu tư xây dựng.

Lực lượng chức năng huyện Quế Phong xuống cơ sở nắm tình hình đồng thời chỉ đạo nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai
Lực lượng chức năng huyện Quế Phong xuống cơ sở nắm tình hình, đồng thời chỉ đạo Nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai

Thực ra, vấn đề quy hoạch dân cư thích ứng với thiên tai cũng rất được tỉnh Nghệ An quan tâm. Bằng chứng là từ ngày 21/1/2020, UBND tỉnh đã có Quyết định 214 phê duyệt quy hoạch vùng dân cư và tổ chức sản xuất thích ứng với thiên tai trên địa bàn đến năm 2030. 

Việc quy hoạch này dựa trên quan điểm phù hợp với chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai, quy hoạch tỉnh; đảm bảo an toàn dân sinh, ổn định sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội vùng miền, địa phương. Trong đó, ưu tiên các vùng có nguy cơ cao về thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn. Ưu tiên bố trí theo hình thức xen ghép, ổn định tại chỗ, trong trường hợp không thể bố trí được mới bố trí, sắp xếp đến thôn, bản khác.

Mục tiêu của chương trình này, là đến năm 2030, cơ bản hoàn thành việc bố trí dân cư và tổ chức sản xuất thích ứng với thiên tai trên địa bàn toàn tỉnh, ổn định cho Nhân dân vùng tái định cư, nâng cao đời sống, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai. Cụ thể, đến năm 2030 sẽ bố trí, sắp xếp ổn định cho 8.938 hộ, 38.405 nhân khẩu. 

Trong đó, có 99 hộ, 394 nhân khẩu thuộc đối tượng là hộ gia đình, cá nhân bị mất đất ở, đất sản xuất do sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, sụt lún đất, ngập lụt, lốc xoáy; 8.415 hộ, 36.585 nhân khẩu thuộc đối tượng là hộ gia đình, cá nhân sinh sống ở vùng có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét, lũ ống, sụt lún đất, ngập lụt, lốc xoáy…

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An và huyện Tương Dương trong chuyến khảo sát xây dựng dự án khu tái định cư Khe Hộc, bản Huồi Pủng, xã Hữu Khuông
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An và huyện Tương Dương trong chuyến khảo sát xây dựng dự án khu tái định cư Khe Hộc, bản Huồi Pủng, xã Hữu Khuông

Đây là kế hoạch không thể vui hơn đối với người dân vùng ảnh hưởng của thiên tai. Nhưng, nói gì thì nói, dù đã có kế hoạch cụ thể nhưng do khó khăn về vốn, mặt bằng… thành ra những kế hoạch này cũng dễ dàng có nguy cơ “đổ bể” nếu các cấp chính quyền không thực sự quyết tâm.

Khó khăn đâu chỉ là ngân sách

Mặc dù Quyết định 214 ngày 21/1/2020 của tỉnh Nghệ An đã được ban hành, nhưng để bố trí, sắp xếp ổn định cho 8.938 hộ, 38.405 nhân khẩu tại các vùng bị thiên tai là điều không dễ dàng.

Trong giai đoạn 2013-2020, toàn tỉnh đã bố trí được hơn 1.000 hộ đến nơi ở mới. Giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh cũng đã dành trên 100 tỷ đồng từ nguồn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để hỗ trợ một số dự án di dân tập trung.

 Hiện tại, do nhu cầu bố trí ổn định dân cư trên toàn tỉnh là rất lớn, vì vậy, trong quá trình thực hiện vừa phải cân đối ngân sách, vừa dựa vào điều kiện thực tế, lồng ghép nhiều nguồn vốn, chương trình để thực hiện một cách phù hợp… thành ra không dễ dàng triển khai.

So với vùng miền núi, vùng đồng bằng thuận lợi hơn trong việc xây dựng các công trình ứng phó với thiên tai - Trong ảnh là nhà cộng đồng tránh lũ ở xã Hưng Nhân huyện Hưng Nguyên
So với vùng DTTS và miền núi, thì vùng đồng bằng rất thuận lợi trong việc xây dựng các công trình ứng phó với thiên tai (Trong ảnh là nhà cộng đồng tránh lũ ở xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên)

Ông Lê Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn Nghệ An cho biết: Lựa chọn vùng đất để tái định cư cho người dân nhưng vừa đảm bảo chỗ ở an toàn trước thiên tai, bão lũ, vừa đảm bảo có đất để đảm bảo sản xuất, ổn định cuộc sống không phải là dễ. Điều này là do mặt bằng để bố trí dân cư ở các huyện miền núi hết sức khó khăn; quá trình thực hiện các dự án bố trí dân cư cũng mất nhiều thời gian, vì liên quan tới tâm tư, nguyện vọng của người dân. Chưa kể, việc bố trí các địa điểm tái định cư cũng phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch để đảm bảo người dân đến nơi ở mới đảm bảo an toàn, có đời sống, sản xuất ổn định lâu dài…

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang có 373 vị trí đã xảy ra và có nguy cơ cao xảy ra sụt lún, sạt lở đất đá, ảnh hưởng đến nhà cửa, tài sản, hạ tầng cơ sở cũng như gây tâm lý bất an cho 9.881 hộ dân đang sinh sống trong khu vực. Và phải cần 2.147 tỷ đồng để khắc phục. 

Nhiều điểm sạt lở cần nguồn vốn khắc phục lớn - Trong ảnh là điểm sạt lở nhà dân gần sông ở thị xã Hoàng Mai năm 2022
Nhiều điểm sạt lở cần nguồn vốn khắc phục lớn (Trong ảnh là điểm sạt lở nhà dân sống gần sông ở thị xã Hoàng Mai năm 2022)

Từ đầu năm 2023 đến nay, UBND tỉnh đã trích ngân sách và tạm ứng từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh với kinh phí 128,586 tỷ đồng. Trong đó hỗ trợ khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai năm 2021 là 0,68 tỷ đồng, năm 2022 là 25,099 tỷ đồng; hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng và xử lý cấp bách sự cố đê điều thuộc hệ thống đê điều do địa phương quản lý: 17 tỷ đồng; hỗ trợ các địa phương, đơn vị mua sắm các loại trang thiết bị phục vụ PCTT-TKCN năm 2023: 1,34 tỷ đồng; hỗ trợ sửa chữa các công trình trọng yếu trước mùa mưa bão là 30,5 tỷ đồng; tạm ứng ngân sách tỉnh 53,962 tỷ đồng để cấp tạm ứng cho các huyện, thành phố, thị xã để thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp khôi phục vùng sản xuất bị thiệt hại thiên tai năm 2022.

Do điều kiện ngân sách của địa phương còn khó khăn, để kịp thời xử lý các điểm sạt lở đảm bảo an toàn cho người dân, hạ tầng cơ sở bị ảnh hưởng do thiên tai, sạt lở gây ra; UBND tỉnh Nghệ An đã đề nghị, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai và các Bộ ngành trung ương xem xét, hỗ trợ cho tỉnh 660 tỷ đồng để xử lý các điểm sạt lở.

Khi mà cái quan trọng nhất là ngân sách còn thiếu, thì người dân vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai vẫn đang phải tiếp tục điệp khúc “chờ” như những năm vừa qua.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.