Mưa to đến rất to trong khoảng thời gian từ tối 26 - 27/9, cùng với các nhà máy thủy điện phía thượng lưu xả lũ đã gây ngập úng trên diện rộng ở huyện miền núi Quỳ Châu. Thiệt hại của đợt lũ lịch sử này là gần 180 tỷ đồng với với hàng ngàn ngôi nhà bị ngập sâu, nhiều tuyến giao thông bị sạt lở, chia cắt, 776 con gia súc và 23.032 con gia cầm bị chết; 850,48ha lúa hè thu-mùa bị thiệt hại; 234,45ha cây trồng hàng năm bị ngập, gãy đổ…
Con số thiệt hại của trận lũ lịch sử này gấp hơn 6,5 lần tổng thu ngân sách toàn huyện vào năm 2022 (năm 2022 huyện Quỳ Châu thu ngân sách 27 tỷ đồng).
Trước thảm họa thiên tai, người dân Quỳ Châu đã cho biết, việc thông báo xả lũ, cùng quy trình xả lũ của các nhà máy thủy điện phía thượng lưu các con sông có “vấn đề”.
Để làm rõ vấn đề này, Sở Công thương (Nghệ An) đã thành lập đoàn kiểm tra việc thực hiện Quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ đối với các chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện Châu Thắng, Nhạn Hạc.
Tại báo cáo số 2484 ngày 31/10/2023, Sở Công thương cho biết: thủy điện Nhạn Hạc được xây dựng trên sông Quang, thuộc địa bàn xã Mường Nọc và xã Quang Phong, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Tại thời điểm 0h ngày 27/9/2023, lưu lượng nước về hồ là 103,403m3/s, tương ứng với mực nước hồ là 307,9m. Đến 2h ngày 27/9/2023, lưu lượng về hồ 683,914m3/s, tương ứng mực nước hồ là 312,114m.
Với lưu lượng này tương ứng với dung tích nước về hồ chứa 4,179 triệu m3, đồng thời mực nước hồ chứa vượt cao trình 312,114m, vì vậy theo quy trình vận hành đơn hồ chứa thủy điện Nhạn Hạc chủ sở hữu hồ chứa vận hành trong tình huống khẩn cấp và thực hiện xả lũ khẩn cấp để đảm bảo an toàn cho công trình đầu mối và chuyển qua chế độ vận hành bảo đảm an toàn cho công trình.
Đoàn kết luận hồ chứa thủy điện Nhạn Hạc đã có quy trình vận hành được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt theo thẩm quyền. Theo đó, việc vận hành điều tiết lũ (từ thời điểm lũ lên đến khi đạt đỉnh) không được làm gia tăng lưu lượng xả xuống hạ du so với lưu lượng tự nhiên đến hồ.
Mặt khác, hồ thủy điện Nhạn Hạc có dung tích hữu ích nhỏ (4,82 triệu m2), không có dung tích phòng lũ và không có chức năng cắt lũ, vì vậy căn cứ mực nước của hồ chứa thủy điện Nhạn Hạc trong suốt quá trình vận hành xả lũ do chủ hồ cung cấp, nhà máy đã vận hành đảm bảo tuân thủ vận hành thiết bị xả lũ theo quy trình được phê duyệt.
Còn việc vận hành nâng cửa van sớm hơn so với dự kiến, theo thông báo số 2709/2023/TB-NMNH gửi cho các cơ quan, đơn vị lúc 1h56 (dự kiến 5h30, thực tế lúc 3h ngày 27/9/2023), là chủ sở hữu hồ chứa vận hành trong tình huống khẩn cấp và thực hiện vận hành để đảm bảo an toàn cho công trình.
Tổng lưu lượng xả qua nhà máy (qua tổ máy phát điện, qua cửa van và tràn tự do) từ lúc 3h ngày 27/9/2023 (thời điểm bắt đầu mở cửa van từ trạng thái đóng hoàn toàn) đến lúc 14h15 ngày 27/9/2023 (thời điểm đóng hoàn toàn cửa van xã tràn), không lớn hơn lưu lượng về hồ nên không làm gia tăng lũ cho vùng hạ du.
Tuy nhiên, đoàn liên ngành xác định, công tác dự báo của nhà máy chưa chính xác, còn bị động trong công tác dự báo lưu lượng nước về hồ nên chưa thực hiện được thông báo cảnh báo sớm cho vùng hạ du. Ngoài ra, công tác phối hợp trong phòng, chống thiên tai của nhà máy và UBND huyện Quỳ Châu thực hiện chưa tốt. Việc phát hành thông báo chưa có kết nối chặt chẽ (hộp thư đi nhà máy đã ghi nhận việc gửi các thông báo vận hành điều tiết hồ chứa qua hộp thư điện tử gmail, tuy nhiên UBND huyện Quỳ Châu phản ánh là không nhận được).
Đối với thủy điện Châu Thắng được xây dựng trên sông Quang, thuộc địa phận xã Châu Thắng, huyện Quỳ Châu và xã Mường Nọc, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Thời điểm 2h ngày 27/9/2023, mực nước hồ ở cao trình 112,67/114m và lưu lượng đến hồ 118,68m3/s, lúc 3h ngày 27/9/2023 mực nước thượng lưu hồ là 113,5m, lưu lượng nước về hồ là 768,69m3/s.
Như vậy, trong 1 giờ đồng hồ lưu lượng nước về hồ tăng lên 650,01m3/s, với lưu lượng này tương ứng với dung tích nước về hồ chứa là 2,34 triệu m3 đồng thời mực nước hồ chứa vượt cao trình 113m, vì vậy theo quy trình vận hành đơn hồ chứa thủy điện Châu Thắng chủ sở hữu hồ chứa vận hành trong tình huống khẩn cẩp quy định tại điểm b, khoảng 16, điều 22 “Ban hành thông báo về thực hiện lệnh vận hành hồ chứa Châu Thắng phải trước 4 giờ tính đến thời điểm mở cửa xã đầu tiên, trừ các trường hợp khẩn cấp, bất thường” và thực hiện vận hành bảo đảm an toàn cho công trình đầu mối đồng thời chuyển qua chế độ vận hành bảo đảm an toàn cho công trình.
Vì vậy, đoàn liên ngành cũng kết luận hồ thủy điện Châu Thắng có dung tích hữu ích nhỏ (4,217 triệu m3), không có dung tích phòng lũ và không có chức năng cắt lũ, vì vậy căn cứ mực nước của các hồ trong suốt quá trình vận hành xả lũ do chủ hồ cung cấp, nhà máy đã vận hành bảo đảm tuân thủ vận hành thiết bị xả lũ theo đúng quy trình phê duyệt.
Tổng lưu lượng xả qua nhà máy (qua tổ máy phát điện, qua cửa van và tràn tự do) vào lúc 2h35 ngày 27/9/2023 (thời điểm bắt đầu mở cửa van từ trạng thái đóng hoàn toàn) đến lúc 6h ngày 5/10/2023 (thời điểm đóng hoàn toàn cửa van xả tràn) không lớn hơn lưu lượng về hồ nên không làm gia tăng lũ cho vùng hạ du.
Tuy nhiên, công tác dự báo của nhà máy chưa chính xác, còn bị động trong công tác dự báo lưu lượng nước về hồ nên chưa thực hiện được thông báo cảnh báo sớm cho vùng hạ du; Thực hiện chưa tốt công tác kiểm tra, bảo trì, bão dưỡng các thiết bị phục vụ cho công tác vận hành dẫn đến xảy ra tình trạng hư hỏng thiết bị quan trắc, giám sát tự động.
Kết luận của đoàn Thanh tra Sở Công thương Nghệ An đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong quy trình xả lũ 2 nhà máy thủy điện Nhạn Hạc và Châu Thắng. Rõ ràng, đây là một trong nguyên nhân dẫn đến lũ lụt ở Quỳ Châu trở nên nặng nề hơn.
Vấn đề quan trọng bây giờ là cần phải xác định rõ trách nhiệm liên đới của các nhà máy thủy điện này như thế nào cũng như phương án đền bù, bồi thường cho người dân vùng bị ảnh hưởng ra sao. Không thể, cứ thanh tra xong rồi “đâu lại vào đấy”.