Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đà Bắc (Hoà Bình): Thiếu kinh phí sắp xếp, di chuyển dân ra khỏi khu vực nguy cơ cao về thiên tai

Nghĩa Hiệp - 12:51, 01/12/2020

Đà Bắc là huyện vùng cao, địa hình chia cắt, độ dốc cao, thường xuyên xảy ra sạt trượt, đá lở, đá lăn, lũ ống, lũ quét, đe dọa nghiêm trọng tính mạng, tài sản của người dân. Chính quyền địa phương đã rất nỗ lực, nhưng cái khó của huyện Đà Bắc hiện nay, là còn thiếu kinh phí để sắp xếp, di chuyển người dân khỏi các khu vực có nguy cơ cao về thiên tai.

Các điểm có nguy cơ sạt lở gần khu dân cư đang được UBND huyện Đà Bắc củng cố, giảm thiểu rủi ro trong mùa mưa bão
Các điểm có nguy cơ sạt lở gần khu dân cư đang được UBND huyện Đà Bắc củng cố, giảm thiểu rủi ro trong mùa mưa bão

Xã Nánh Nghê, huyện Đà Bắc là địa bàn nằm trong vùng trọng điểm nguy cơ cao thiên tai. Hàng năm, cứ mỗi mùa mưa bão, trên địa bàn xã thường xuyên xảy ra các hiện tượng lũ ống, lũ quét, trượt sạt nghiêm trọng. Con đập tràn nằm trên trục giao thông chính của xã cũng đã bị hỏng hoàn toàn sau mùa mưa năm 2018, đến nay vẫn chưa thể sửa chữa.

Theo ông Đặng Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Nánh Nghê, xác định thời tiết ngày càng diễn biến rất khó lường nên chính quyền xã luôn đề cao cảnh giác, có phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN). Trên địa bàn xã xây dựng điểm tái định cư (TĐC) tại xóm Nánh cho khoảng 90 hộ dân đến ở. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khu vực nguy cơ đá lở, đá lăn, chủ yếu tập trung ở các xóm: Cơi, Duốc, Bưa Xen…

 Theo thống kê của UBND huyện Đà Bắc, qua rà soát tại 17/17 xã, thị trấn của huyện có 83/122 thôn, bản còn các điểm nguy cơ cao về thiên tai, với 170 điểm nguy cơ sạt lở đất, đá, lũ quét. Toàn huyện có khoảng 850 hộ nằm trong khu vực nguy cơ về thiên tai; trong đó, 630 hộ khu vực nguy trượt sạt đất, đá; 190 hộ khu vực nguy cơ lũ ống, lũ quét.

Huyện Đà Bắc đã và đang kè lại các điểm giao thông trọng yếu, để đảm bảo giao thông được thông suốt, phục vụ công tác PCTT&TKCN
Huyện Đà Bắc đã và đang kè lại các điểm giao thông trọng yếu, để đảm bảo giao thông được thông suốt, phục vụ công tác PCTT&TKCN

Theo ông Lường Văn Thi, Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc, cùng với việc rà soát những vị trí nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, lập phương án cụ thể di dời dân cư đến nơi an toàn, huyện đã tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức tự phòng tránh thiên tai cho người dân. Đối với khu vực đã xảy ra hiện tượng sạt lở, hoặc vùng mới di dân TĐC, cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương thường xuyên kiểm tra, theo dõi hiện tượng bất thường để chủ động phòng tránh, sẵn sàng di dời người dân nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản.

Cũng theo ông Thi, hiện trên địa bàn huyện có nhiều điểm dân cư nằm trong vùng nguy cơ cao từ nhiều năm nay; nhưng huyện chưa có đủ kinh phí để xây dựng khu TĐC và tiến hành di dời người dân.

Trong đó, có 4 điểm đặc biệt đông dân cư tập trung cần lưu ý là các xóm: Bưa Xen, Cơi, Duốc (xã Nánh Nghê) có 76 hộ nằm trong khu vực đá lăn, lũ quét từ năm 2018, hiện còn những khối đá to phía trên khu dân cư; Xóm Tuổng Bãi (xã Mường Chiềng) có 51 hộ nằm dưới điểm sụt lún từ năm 2016 và điểm lũ quét từ năm 2017; Xóm Rằng (xã Cao Sơn) còn 14 hộ nằm trong điểm sạt lở đất, lũ quét từ năm 2017; Xóm Riêng (xã Tú Lý) còn 12 hộ nằm trong điểm sạt lở từ mùa mưa bão năm 2016, hiện có vết nứt, sụt lún, điểm sụt trượt xuống khoảng 25 cm, rãnh rộng từ 25 - 30 cm, rất nguy hiểm.

Trong khi chưa có kinh phí để di chuyển dân, UBND huyện đã chỉ đạo Ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp thường xuyên theo dõi sát diễn biến thời tiết, chỉ đạo UBND và Ban chỉ huy PCTT&TKCN cấp xã di chuyển người dân đến các khu tránh trú, điểm trường học, nhà văn hóa, người thân quen…Về lâu dài, cần tính toán phương án sắp xếp di chuyển dân ra khỏi khu vực nguy cơ cao do thiên tai.

Huyện Đà Bắc đã rà soát các điểm còn quỹ đất có khả năng sắp xếp, bố trí dân cư, cụ thể như: Điểm tại xã Nánh Nghê có thể xây dựng khu TĐC cho 76 hộ dân các xóm: Bưa Xen, Cơi, Duốc. Tại xã Mường Chiềng xây dựng khu TĐC cho 68 hộ dân xóm Tuổng Bãi, Tuổng Đồi. Đối với điểm xóm Rằng, xã Cao Sơn có 14 hộ dân, do địa phương không còn quỹ đất, dự kiến theo hướng rà soát lại quỹ đất của lâm trường trả về cho địa phương để UBND xã bố trí dân chuyển đến. Điểm xóm Riêng, xã Tú Lý có 12 hộ, dự kiến bố trí xen ghép.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.