Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

“Trả lại lá chắn” cho rừng

Quỳnh Chi - 12:39, 30/11/2020

Mường Lát là huyện biên giới, đặc biệt khó khăn của tỉnh Thanh Hóa. Những năm gần đây, địa bàn thường xuyên xảy ra thiên tai, lũ quét, sạt lở. Nhận thấy một phần nguyên nhân là do chính bàn tay con người đã phá hoại thiên nhiên, phá rừng…; nhiều hộ gia đình trẻ ở địa phương đã rủ nhau trồng rừng. Việc làm này, không những mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ, mà cũng là một hành động ý nghĩa, trả lại cho rừng những lá chắn chống thiên tai.

Anh Hà Văn Tình, dân tộc Thái ở bản Chiềng Cồng luôn dành phần lớn thời gian vào rừng chăm sóc cây
Anh Hà Văn Tình, dân tộc Thái ở bản Chiềng Cồng luôn dành phần lớn thời gian vào rừng chăm sóc cây

Là một người đam mê rừng và cây cối, anh Hà Văn Tình, dân tộc Thái ở bản Chiềng Cồng, thị trấn Mường Lát, thường dành phần lớn thời gian trong ngày ở trong rừng. Lúc thì anh tỉa cây, cắt cỏ, chăm sóc các loại cây đang lớn, khi thì trồng mới các giống cây khác. Dường như lúc nào anh cũng bận rộn, thậm chí anh không cho phép bản thân được rảnh rang.

Rừng của anh Tình ở trên đồi cao, phần lớn địa hình đồi núi ở Mường Lát thường dốc đứng, rất khó khăn để có thể leo đồi đối với những người không chuyên. Hồ hởi dẫn đường đưa phóng viên đến thăm rừng cây của mình, anh Tình kể, mình sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo. Tuổi thơ chịu nhiều vất vả khi bố mẹ phải sống nhờ rừng, chạy vạy từng bữa nhưng vẫn không đủ ăn. Anh nhận thức được ở vùng đất nghèo chỉ có rừng núi này, phải tận dụng những gì đang có, biến những khó khăn trở thành động lực để thoát nghèo. Nghĩ là làm, anh vay vốn ngân hàng để trồng rừng gỗ lớn.

“Tôi nghĩ việc trồng rừng là cần thiết, mục đích không chỉ để làm kinh tế. Tôi muốn những cánh rừng tôi trồng lên còn có tác dụng ngăn xói mòn, sạt lở mỗi mùa mưa lũ, điều từng xảy ra và gây hậu quả nghiêm trọng ở Mường Lát", anh Tình nói.

Anh Tình sử dụng 7 ha đất để trồng một số loại cây như xoan, lát... khép kín bao phủ đồi trọc. Cùng với đó, anh kết hợp chăn nuôi bò, lợn. Đến nay, diện tích rừng của anh ngày một phát triển tốt. Dù rừng vẫn chưa cho thu hoạch, nhưng tương lai, hứa hẹn kết quả tốt. Nhìn khu rừng xanh tươi do tay mình trồng nên, anh Tình rất phấn khởi. Anh còn tích cực truyền cảm hứng đến các đoàn viên, thanh niên khác trong xã tích cực trồng rừng.

Anh Hà Văn Điệp ở bản Lát, là một trong những thanh niên tích cực với phong trào gây rừng ở Mường Lát
Anh Hà Văn Điệp ở bản Lát, là một trong những thanh niên tích cực với phong trào gây rừng ở Mường Lát

Xuất phát điểm cũng như anh Tình, anh Hà Văn Điệp ở bản Lát, xã Tam Chung, cũng là một thanh niên tích cực với phong trào gây rừng ở địa phương. Năm 2016, sau khi được Huyện đoàn Mường Lát tư vấn về phát triển kinh tế rừng, anh Điệp quyết định hưởng ứng. Vay vốn được 40 triệu đồng để đầu tư cây giống, con giống và cải tạo đất đai, anh làm mô hình kinh tế rừng tổng hợp khi kết hợp trồng cây và chăn nuôi bò, lợn, gà dưới tán rừng.

Từng chứng kiến những trận mưa lũ, sạt lở kinh hoàng xóa sổ cả bản làng, anh Điệp càng nhận thức rõ vai trò của trồng rừng. Từ đó, anh chọn trồng rừng xoan, lát trên những quả đồi trọc để góp phần điều hòa nguồn nước, hạn chế xói mòn đất và lũ ống, lũ quét.

“Khi đã có ý tưởng, tôi lao vào làm không ngơi nghỉ với hi vọng một ngày sẽ được gặt hái thành quả. Hiện, 8ha rừng đang phát triển tốt, chưa thu hoạch. Còn hàng chục bò, dê và lợn cũng đã đã giúp gia đình có thêm thu nhập.

Anh Lâu Văn Phía, Bí thư Huyện đoàn Mường Lát cho biết: Trong giai đoạn 2017 - 2020, Huyện đoàn đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ cây giống, tập huấn kỹ thuật trồng rừng. Đến nay, các đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện đã trồng mới được gần 200 ha rừng, giúp phòng chống thiên tai và giảm nghèo tại địa phương.

“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ tối đa cho các đoàn viên, thanh niên trên địa bàn phát triển mô hình trồng rừng kinh tế và phòng, chống thiên tai, đặc biệt ưu tiên thanh niên người dân tộc Mông, Khơ Mú, Thái tại các bản nghèo biên giới”, anh Phía cho hay.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.