Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Thích nhau là cưới- Vấn nạn ở Kon Rẫy

PV - 09:59, 25/05/2018

Mỗi khi bình minh ló rạng, nhìn về phía những đứa bạn đang tung tăng đến lớp, Y Liễu (ở làng Kon Keng, xã Đăk Tơ Lung, Kon Rẫy, Kon Tum) lại lặng buồn ngồi mơ tưởng được quay về với sự hồn nhiên nhưng mơ tưởng giản đơn ấy như làn khói mong manh.

Bao lo lắng triền miên bám chặt lấy Liễu cũng bởi em lấy chồng và sinh con ở tuổi thiếu niên. Lời ru buồn càng ám ảnh hơn khi kéo dài qua nhiều buôn làng ở Kon Rẫy những sơn nữ tảo hôn như Y Liễu có đến hàng trăm người.

Chưa thạo mặt chữ đã mang bầu

Đã bao đêm trôi qua trong tiếng nấc nghẹn, Y Liễu cũng không nhớ nữa. Chỉ biết rằng sự đắng đót cứ dâng lên rồi lại chìm xuống đáy lòng để nỗi buồn nặng hơn theo năm tháng và nỗi hối tiếc vì lấy chồng khi tuổi còn trẻ con. Những khi để tâm trí trôi vào khuya vắng, Y Liễu như nghe rõ mồn một tiếng xào xạc của cây rừng, tiếng ve kêu râm ran tựa như những thanh âm ở trường học mà Liễu đã bỏ dở.

Bước qua tuổi 14, còn chưa hết nét ngây ngô của tuổi thơ, Liễu đem lòng thương A Sơn. Sau mấy lần trăng sáng hẹn hò nơi rẫy bắp thì bụng Liễu to dần lên. Cái thai quá lớn, gia đình đành cho Liễu lấy chồng mà không đăng ký kết hôn. Vì cả hai vợ chồng đều là trẻ con, không có kiến thức về sức khỏe sinh sản, con Liễu đã vĩnh viễn ra đi khi vừa chào đời. Từ đó, thân Liễu cũng quắt lại như tàu lá, phải thường xuyên đến trạm y tế.

Thôn buôn vùng sâu vùng xa là nơi thường xuyên xảy ra tình trạng tảo hôn. (Ảnh minh họa) Thôn buôn vùng sâu vùng xa là nơi thường xuyên xảy ra tình trạng tảo hôn. (Ảnh minh họa)

 

Cách nhà Y Liễu vài trăm bước chân, nhiều ngày qua, Y Xuyên cũng miên man trong nỗi niềm khó tả. Chính bản thân Xuyên cũng không lý giải được vì sao mình lại yêu sớm và thích làm chuyện người lớn với Y Quyết khi chưa thạo mặt chữ. Xuyên bảo: Nghèo lắm, chưa thạo cái chữ mà đã có con nên càng vất vả hơn. Lúc sinh con mới có 15 tuổi, còn không biết cách bế, cách cho con bú nữa, người già phải chỉ cho mãi. Giờ kiếm được cái gì ăn cái đó thôi.

Ở làng Kon Keng hôm ấy, giữa lúc bài hát ru con của Y Xuyên chưa dứt thì ngay cạnh nhà Xuyên, một gia đình khác đang nô nức làm những tấm hình kỳ quặc, vẽ hoa văn sặc sỡ để chuẩn bị cúng Yàng (trời) và đi cưới chồng cho một đứa trẻ tuổi 14. Bà A Thảo đã đi qua 72 mùa rẫy giãi bày đầy chua chát rằng: Ở đây trẻ con lấy trẻ con rồi đẻ ra trẻ con không còn hiếm nữa. Dân làng thì cứ thấy có đám cưới là mừng, là ăn uống linh đình rồi sau đó mọi chuyện mới tính sau. Trẻ con đi đám cưới người này thấy thích nên về cũng muốn nhanh được làm đám cưới. Nhiều gia đình cho con học nhiều chữ sợ ế chồng. Có người còn ví von: Không đâu bằng gái Kon Keng/ Mười ba, mười bốn bắt đôi chung tình. Mà chả phải Kon Keng, nhiều làng khác trẻ con 14, 15 cũng vô tư lập gia đình. Người ta nghĩ rằng ở cái tuổi đó, trẻ đã có thể tự lên rừng, lên rẫy kiếm cái ăn cho bản thân nên không cần sự bao bọc của gia đình nữa. Thực tế cho thấy, ý nghĩ đó là hoàn toàn lạc hậu.

Đói nghèo đeo bám

Sau khi lập gia đình, nhiều cặp vợ chồng trẻ con rơi vào vòng luẩn quẩn của đói nghèo, người chồng chìm sâu vào sự chán nản. Nguyễn Thị Giang ở thôn 11 (xã Đăk Tờ Re) bắt đầu cuộc sống vợ chồng năm 15 tuổi. Trước khi cưới, chồng Giang còn quanh năm đi chơi bắn bi cùng những bạn bè trẻ con cùng trang lứa. Giang buồn rầu chia sẻ rằng: Nhà mình nghèo lắm nhưng thích nhau thì lấy, ở đây toàn thế. Mình có bầu rồi quanh quẩn sinh con nên không làm được gì cả. Có những hôm phải ăn rau rừng thay cơm nên con đẻ ra còi cọc, nheo nhóc lắm.

Trẻ con ở Kon Rẫy nheo nhóc vì nạn tảo hôn. Trẻ con ở Kon Rẫy nheo nhóc vì nạn tảo hôn.

 

Cùng thôn với Giang, Cao Thị Hà cũng lấy chồng năm 14 tuổi, không chỉ luẩn quẩn trong đói nghèo mà đứa con đầu lòng của Hà sinh trong tình trạng cơ thể Hà phát triển chưa đầy đủ nên cháu bé ốm liên miên. Có lúc thấy cuộc sống thật ngột ngạt, gạo, ngô, khoai trong nhà đều hết sạch, phải chạy vạy chỗ này đắp đổi chỗ kia qua ngày.

Chứng kiến nạn tảo hôn diễn ra ngày càng nhiều ở các thôn buôn, già làng Y Chung ở xã Đăk Tơ Lung thổn thức: Nói mãi với các cháu rồi đấy nhưng vì hầu hết các bậc cha mẹ đều ít quan tâm, ít thời gian gần gũi, tâm tình với con mình nên khi các cháu có thai rồi đành phải cưới. Hơn nữa, nhận thức bà con còn hạn chế nên muốn tuyên truyền phải từ từ, không làm gấp gáp được. Nhìn cảnh buôn này nối buôn kia cứ nghèo túng thêm vì nạn tảo hôn, chúng tôi cũng xót lòng.

Theo thống kê của huyện Kon Rẫy, riêng từ năm 2013 đến hết năm 2017, trên địa bàn huyện đã có trên 120 trường hợp tảo hôn. Số trường hợp tảo hôn thường nằm ở độ tuổi 14 đến 16. Việc tảo hôn đã gây ra nhiều hệ lụy buồn, ảnh hưởng lớn đến việc học hành, kéo giảm chất lượng sống. Những đứa trẻ chưa phát triển đã sinh con nên các cháu bé đều suy dinh dưỡng.

Chính vì vậy, các hộ dân cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc lập gia đình cho con em mình. Phải trên 18 tuổi thì phụ nữ mới đủ điều kiện để sinh đẻ và đàn ông mới đủ nhận thức và lo lắng về cuộc sống gia đình. Các bậc cha mẹ và các trường học, ngay từ đầu cấp 2 cũng cần tăng cường tuyên truyền, quản lý để các em không bỏ học sớm và yêu đương. Chính việc bỏ trường lớp và yêu đường sớm cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn.

UBND xã Đăk Tơ Lung cũng đưa ra giải pháp, cùng với việc tuyên truyền trực tiếp, đánh trực diện vào nhận thức của các hộ dân thì các cấp chính quyền huyện cần sớm cung cấp tài liệu, sản phẩm tuyên truyền bằng tiếng Việt và tiếng dân tộc về hôn nhân, gia đình và ngăn ngừa tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Phối hợp nhiều biện pháp liên tục như vậy thì may ra mới chuyển biến được tình hình.

ĐÔNG HƯNG

Tin cùng chuyên mục
Phổ cập xóa mù chữ: Cách làm hay ở Lạng Sơn

Phổ cập xóa mù chữ: Cách làm hay ở Lạng Sơn

Không chỉ được tăng cường khả năng sử dụng tiếng Việt, kỹ năng tính toán, mà các học viên còn được tham dự Ngày hội giao lưu Toán, Tiếng Việt để vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn… Đây là cách làm sáng tạo trong công tác xóa mù chữ đã và đang lan tỏa, góp phần nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ cho đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa, biên giới Lạng Sơn.