Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thi công công trình Thủy điện Tràng Định 2 - Coi trời bằng vung?

Kẻ Sĩ - 07:24, 09/05/2022

Thời gian vừa qua, Báo Dân tộc và Phát triển nhận được phản ánh của hơn 60 hộ đồng bào DTTS ở xóm Nà Mằn, thôn 3, xã Đào Viên, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn về việc dự án Thủy điện Tràng Định 2 do Công ty Cổ phần Thủy điện Tân Việt Bắc Lạng Sơn làm chủ đầu tư chưa có phương án đền bù giải phóng mặt bằng, chưa di dời người dân đã thi công rầm rộ. Tình trạng này gây sạt lở nghiêm trọng phần đất của người dân đang sinh sống, tiềm ẩn nguy hiểm tới tính mạng, tài sản của họ.

Người dân bức xúc phản ánh về phần đất của mình bị sạt lở
Người dân bức xúc phản ánh về phần đất của mình bị sạt lở

Cuộc sống bị đe dọa

Ông H.Đ.D (xin dấu tên), một người dân xóm Nà Mằn cho biết, gia đình ông sống bên cạnh sông Kỳ Cùng nhiều đời nay. Khoảng đầu năm 2020, ông và một số người dân trong xóm thấy một số cán bộ về đo đạc khảo sát và được biết sắp làm công trình thủy điện. Người dân rất ủng hộ chủ trương của chính quyền xây dựng công trình. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 đến nay, người dân ngạc nhiên và lo ngại khi chưa nhận được phương án đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB), chưa di dời, nhưng Công ty Cổ phần Thủy điện Tân Việt Bắc Lạng Sơn (Công ty) đã đưa hàng chục xe tải cùng nhiều phương tiện máy móc quần thảo tại công trường.

Ông H.Đ.D cho biết, việc công ty tự ý thi công khi chưa có phương án đền bù GPMB đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của Nhân dân, thậm chí đe dọa đến tính mạng, tài sản của họ. Bởi trên thực tế, khi Công ty đào bới, xúc đất khiến cho bờ sông bị xói mòn, sạt lở. Nhiều đất đai cây trồng trên phần đất người dân sinh sống bị nhấn chìm xuống dòng sông.

Không những vậy, nhiều hộ nghèo trên địa bàn đang phải đối diện với nguy cơ mất sinh kế. Tiêu biểu như gia đình anh Trương Văn Nghẻ, sinh năm 1980, bị di chứng chất độc màu da cam, lại có tới 3 con nhỏ. Thời gian qua, phần đất của gia đình anh cũng đã bị sụt lún nham nhở vô cùng nguy hiểm. Theo như tính toán của người dân, thời gian tới, nếu dự án này đi vào hoạt động, thì anh Nghẻ gần như mất hết đất đai chưa biết sinh sống bằng nghề gì?

Trước việc Công ty thi công khi chưa có phương án đền bù GPMB người dân đã nhiều lần có ý kiến. Chính quyền địa phương và người dân cũng từng đề nghị Công ty dừng thi công, nhưng được vài ngày, Công ty lại tiếp tục cày xới bất chấp sự phản đối.

Tiêu biểu ngày 10/4/2022, bà con Nhân dân xóm Nà Nằm lập biên bản ghi nhận sự việc như sau: Theo chỉ đạo trong cuộc họp ngày 7/4/2022, phía Công ty Thủy điện Tân Việt Bắc Lạng Sơn đã cam kết dừng thi công công trình Thủy điện Tràng định 2. Nhưng hồi 13h30 ngày 10/4/2022, ông Trần Quốc Toàn (chỉ huy thi công công trình Thủy điện Tràng Định 2) đã tự ý đưa thiết bị, xuống bốc xúc vận chuyển cát sỏi khu vực lòng sông. Trên cơ sở lập biên bản, người dân đề nghị: Phía Công ty không được thi công khu vực lòng sông và những khu vực chưa được GPMB.

Xe tải, máy móc tập trung tại công trình
Xe tải, máy móc tập trung tại công trình

Coi trời bằng vung?

Thông tin về tiến độ GPMB công trình Thủy điện Tràng Định 2, ông Hoàng Như Bách, Phó Chủ tịch UBND huyện Tràng Định gửi báo cáo vào tháng 3/2022 như sau: Sau khi Thành lập Hội đồng bồi thường hạ tầng và tái định cư, UBND huyện giao Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện phối hợp với Công ty Cổ phần Thủy điện Tân Việt Bắc Lạng Sơn (chủ đầu tư), UBND xã Đào Viên tiến hành họp triển khai về công thác bồi thường, hạ tầng và tái định cư đến các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, đồng thời tổ chức đo đạc kiểm đếm đất đai, tài sản bị ảnh hưởng. Kết quả đến thời điểm hiện nay đã kiểm đếm được 63 hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng, 59 hộ khu vực đường vào và đập đầu mối, 4 hộ lòng hồ, tổng diện tích là hơn 6 ha.

Ông Nông Việt Vinh, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn cũng xác nhận, đến thời điểm này, huyện chưa có phương án bồi thường hạ tầng, tái định cư. Chính quyền địa phương mới chỉ tiến hành kiểm đếm một số tài sản của người dân trên địa bàn.

Đem thông tin Công ty Cổ phần Thủy điện Tân Việt Bắc Lạng Sơn thi công khi chưa có phương án đền bù GPMB, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển có buổi làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh. Ông Chu Văn Thạch, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh rất bức xúc: Công ty này coi trời bằng vung à? Thi công như thế xảy ra tai nạn chết người thì sao? Chính quyền huyện sao lại để Công ty lộng hành như thế?

Tại buổi làm việc với phóng viên, ông Chu Văn Thạch đã điện thoại chỉ đạo nóng cấp dưới kiểm tra xem Công ty này làm thủ tục về đất đai gì chưa mà đã đào bới. Như thế phải lập biên bản xử phạt.

Xoay quanh công trình Thủy điện Tràng định 2 còn nhiều dấu hiệu về sai phạm, Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Công trình Thủy điện Tràng định 2 do Công ty Cổ phần Thủy điện Tân Việt Bắc Lạng Sơn làm chủ đầu tư. Công trình đã được ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn ký Quyết định số 1200 ngày 19/6/2021 chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư. Dự án có quy mô công suất thiết kế: 29,8 MW. Cấp công trình: Công trình công nghiệp cấp II. Tổng vốn đầu tư: 1.048,6 tỷ đồng. Địa điểm thực hiện dự án: Xã Đào Viên, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn. Hình thức sử dụng đất: Nhà đầu tư thuê đất với Nhà nước để thực hiện dự án (dự án thuộc đối tượng được Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 62 Luật Đất đai năm 2013). Diện tích đất dự kiến sử dụng 212,86 ha.

Ông Trương Thế Lực, người dân xóm Nà Mằn bức xúc chia sẻ sự việc
Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.