Tiền trảm, hậu tấu!
Theo thông tin bạn đọc phản ánh, giai đoạn 2013 - 2015, Công ty Nhiệt điện Na Dương - TKV đã xây dựng các bờ chắn xỉ và hệ thống xử lý môi trường. Công trình gồm bờ chắn, lắng xỉ số 1, dài 100 m, rộng 300 m, diện tích 30.000 m2; bờ chắn, lắng xỉ số 2 dài 150 m, rộng 200 m, diện tích 30.000 m2; bờ chắn, lắng xỉ số 3 dài 100 m, rộng 250 m, diện tích 25.000 m2; trạm và hồ xử lý nước dài 150 m, rộng 300 m, diện tích 45.000m2. Tổng diện tích là 130.000 m2 (13 ha).
Tuy nhiên, nghịch lý là Công ty đã xây dựng hệ thống lên tới 13 ha trong nhiều năm, nhưng phần diện tích này lại chưa hề được cơ quan chức năng tiến hành giao đất, hoặc cho thuê đất. Cụ thể, đến ngày 15/3/2022, ông Phạm Đức Tuyên, Phó Giám đốc Công ty nhiệt điện Na Dương - TKV vẫn có công văn số 623/NĐND-HĐTVT (CV 623) về việc xin thuê đất làm hệ thống xử lý môi trường. Theo đó, Công ty Nhiệt điện Na Dương đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lạng Sơn cho Công ty thuê 13 ha đất sử dụng vào mục đích làm hệ thống xử lý môi trường.
Tại CV 623, Công ty Nhiệt điện Na Dương báo cáo: Ngày 28/5/2010, UBND tỉnh Lạng Sơn ra Quyết định 776/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch đổ thải, thoát nước có tỷ lệ 1/2000 bãi thải xỉ Nhà máy Nhiệt điện Na Dương - TKV. Tiếp theo, ngày 19/6/2013, Công ty Điện lực - Vinacomin có Quyết định số 834/QĐ-QĐ-ĐLTKV về việc phê duyệt dự án đầu tư và kế hoạch đấu thầu dự án bãi thải tro xỉ công ty nhiệt diện Na Dương giai đoạn 2013 - 2015.
Trên thực tế, UBND huyện Lộc Bình giao các cơ quan chuyên môn đo đạc đất đai, kiểm đếm cây cối hoa màu. Từ năm 2012 đến nay, UBND huyện Lộc Bình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và chi trả hơn 20 tỷ đồng cho 42 hộ gia đình và 1 tổ chức, với tổng diện tích 57,79 ha.
Sau khi giải phóng mặt bằng, ngày 2/6/2020, UBND tỉnh Lạng Sơn ra Quyết định số 1012/QĐ-UBND về việc cho Công ty Nhiệt điện Na Dương - TKV thuê 9,64 ha vào mục đích bãi tro xỉ nhà máy. Hiện tại, Công ty đang đổ thải trong diện tích được cho thuê. Tuy nhiên, phần diện tích hệ thống xử lý môi trường 13 ha dù đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng nhưng vẫn chưa được UBND tỉnh Lạng Sơn cho thuê đất.
Cơ quan chức năng nói gì?
Nói về việc Công ty Nhiệt điện Na Dương xây dựng công trình khi chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn - Công ty Nhiệt điện Na Dương thừa nhận, về nguyên tắc phải hoàn thiện mới được đầu tư xây dựng, nhưng văn bản chuyển đi chuyển lại không nhận được câu trả lời. Do đó, để sản xuất kinh doanh không ảnh hưởng xấu tới môi trường, Công ty đã tiến hành xây dựng luôn.
Giải thích sâu hơn về vấn đề này, một cán bộ kế hoạch của Công ty Nhiệt điện Na Dương cho biết, hiện Công ty đã làm thủ tục thuê đất để xây dựng công trình. Tuy nhiên, hiện vẫn vướng mắc Quyết định 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng. Cụ thể, quyết định này yêu cầu đến năm 2020 diện tích bãi thải không quá 2 năm sản xuất trung bình. Theo đó, cơ quan chức năng chỉ cho Công ty thuê phần diện tích 9,64 ha (tại Quyết định số 1012/QĐ-UBND)
Trao đổi với Báo Dân tộc và Phát triển, ông Chu Văn Thạch, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lạng Sơn cho biết, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cũng như qua rà soát diện tích đổ thải của Công ty chỉ được duyệt khoảng gần 10 ha. Đối với diện tích Công ty muốn thuê thêm (13 ha) thì phải có căn cứ, nếu không có căn cứ thì không thể cho thuê được. Vấn đề này sở Tài nguyên và Môi trường sẽ kiểm tra và thông tin lại cho báo chí.
Để tìm hiểu về việc xây dựng công trình khi chưa được UBND tỉnh Lạng Sơn cho thuê đất có vi phạm pháp luật về xây dựng hay không, phóng viên đã liên hệ với ông Nguyễn Duy Đông, Phó Giám đốc, người phát ngôn của Sở Xây dựng. Sau khi tiếp nhận thông tin, ông Nguyễn Duy Đông đề nghị phóng viên liên hệ với ông Trương Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở. Ông Hiếu đã tiếp nhận thông tin, hứa sẽ kiểm tra và trả lời báo chí.
Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin tới bạn đọc trong thời gian tới.