Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Môi trường sống

Cần một kịch bản khác cho ngành Điện

PV - 15:44, 18/06/2018

Theo quy hoạch hiện tại, để đảm bảo đủ năng lượng điện, đến năm 2030, Việt Nam sẽ phải xây dựng thêm 25 nhà máy nhiệt điện than. Hệ lụy của kịch bản này là chúng ta phải huy động 60 tỷ đô la, phát thải ra môi trường 116 triệu tấn CO2 mỗi năm, có khoảng 7600 ca tử vong sớm.

Thay thế điện than bằng năng lượng tái tạo

Những con số trên hoàn toàn có thể được thay thế nếu chúng ta đưa ngành Điện đi theo một kịch bản khác. Mới đây, tại buổi Hội thảo “Phát triển năng lượng gắn với bảo vệ môi trường vì phát triển bền vững ở Việt Nam”, các nhà khoa học khuyến cáo, thời gian tới, Việt Nam cần thay thế sản xuất điện than bằng các năng lượng tái tạo.

Điện mặt trời được kỳ vọng thay thế dần điện than trong tương lai. Điện mặt trời được kỳ vọng thay thế dần điện than trong tương lai.

 

Ông Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng: “Sản xuất điện bằng năng lượng tái tạo hiện nay chủ yếu bằng năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Đây là một phương án khả thi với Việt Nam. Vì Việt Nam có trữ lượng điện mặt trời và gió rất lớn. Hiện nay, cường độ bức xạ mặt trời ở Việt Nam trung bình khá cao, khoảng 5kWh/m2/ngày và số giờ nắng đến khoảng 1700- 2500 giờ/năm. Trữ lượng gió ước tính đạt 513.360 MW, gấp hơn 6 lần tổng công suất ước tính của toàn ngành Điện vào năm 2020”.

Theo ông Khải, việc chuyển dịch sang năng lượng xanh là rất quan trọng và cần thiết. Bởi Việt Nam là một trong số ít các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu. Hơn nữa, phát triển xanh là hướng đi thông minh cho Việt Nam.

Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh cũng cho biết: Qua quá trình nghiên cứu, nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng, phương án an toàn và chấp nhận được để đáp ứng nhu cầu năng lượng của Việt Nam đến năm 2030 là, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo từ khoảng 21% lên 30%. Đồng thời, tăng tỷ trọng nhiệt điện khí từ 14,7% lên 22,8% và giảm tỷ trọng của nhiệt điện than từ 42,6% xuống chỉ còn 24,4%.

Cùng chia sẻ thông tin, ông Rainer Brohm, chuyên gia năng lượng tái tạo Công ty tư vấn RB Berlin nhận định, năng lượng tái tạo cũng đang dần cạnh tranh hơn với các dạng năng lượng hoá thạch ở quy mô thương mại. Hiện nay, trên toàn cầu, ngày càng ít các dự án nhiệt điện than mới, số các nhà máy nhiệt điện than đóng cửa ngày càng nhiều. Do vậy, xu hướng phát triển năng lượng của Việt Nam trong những năm tới cần tập trung mạnh hơn vào năng lượng tái tạo.

Cần huy động nguồn lực xã hội

Tuy nhiên, việc chuyển dịch này đòi hỏi phải bỏ chi phí ban đầu rất lớn, và đầu tư khoa học kỹ thuật hiện đại. Vì vậy, để thực hiện được phương án chuyển dịch năng lượng điện than sang năng lượng tái tạo, cần có sự chung tay của cộng đồng xã hội.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, việc phát triển năng lượng tái tạo là phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững. Theo bà Lan, thời gian tới, chúng ta nên xã hội hóa đầu tư năng lượng tái tạo theo hướng công tư, huy động nguồn lực xã hội.

“Huy động nguồn lực xã hội, hiện nay, chúng ta mới chỉ hướng tới doanh nghiệp mà quên đi người dân. Nhiều người dân họ đã tự đầu tư làm năng lượng mặt trời và chia sẻ nguồn năng lượng đó cho những người xung quanh. Nếu người dân có điều kiện đầu tư, hay một cụm dân cư cùng nhau đầu tư để làm sẽ giảm gánh nặng cho Nhà nước. Vì vậy, chúng ta nên có hỗ trợ nhất định cho họ”, bà Lan nói.

Ông Nghiêm Vũ Khải đưa ra khuyến cáo, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả không chỉ bằng khuyến khích, mà phải hướng tới bắt buộc, như sử dụng năng lượng mặt trời tại các toà nhà, mái nhà. Đồng thời, xem xét đến các công nghệ mới trong việc khai thác sử dung năng lượng tái tạo.

Nói về vấn đề này, ông Lê Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) nhấn mạnh, Bộ Công Thương rất khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo. Trong thời gian tới, khi xây dựng Quy hoạch điện VIII, Bộ Công thương sẽ tiếp thu tất cả những ý kiến của các chuyên gia, tổ chức đã có nhiều nghiên cứu đóng góp, để làm sao xây dựng một quy hoạch mà quy hoạch này đảm bảo được các yếu tố như: cấp điện một cách đầy đủ và tin cậy; đảm bảo giá chi phí sản xuất điện, giá điện một cách hợp lý, không phải thấp nhất nhưng cũng phải phù hợp với năng lực kinh tế của Chính phủ, xã hội, người dân và phải gắn với phát triển bền vững.

HIẾU ANH

Tin cùng chuyên mục
Hơn 420 hộ dân ở xã miền núi Tân Hóa bị ngập sâu trong nước lũ

Hơn 420 hộ dân ở xã miền núi Tân Hóa bị ngập sâu trong nước lũ

Đầu giờ chiều nay (20/9), trao đổi qua điện thoại với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Trương Thanh Duẩn - Chủ tịch UBND xã Tân Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) cho biết: “Hiện toàn xã có 428 hộ dân bị ngập trong nước. Trong đó, các hộ dân ở khu vực Cồn Ba đã ngập sâu 2m”.