Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thế giới sắp chạm ngưỡng 270 triệu ca nhiễm COVID-19

PV - 10:00, 09/12/2021

Tính đến sáng 9/12, thế giới ghi nhận 268.053.311 trường hợp mắc COVID-19, với 5.294.328 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, số ca mắc mới trên thế giới ở mức cao (644.068 ca), tuy nhiên, những nhận định ban đầu do giới khoa học đưa ra về biến thể Omicron dường như đã hé lộ triển vọng về tương lai đẩy lùi đại dịch.

Một cây thông Noel làm từ 19.000 lọ vaccine COVID-19 đã qua sử dụng đang được trưng bày tại một trung tâm tiêm chủng ở Bucharest, Romania nhằm nâng cao nhận thức của người dân về việc tiêm chủng. (Ảnh: Xinhua)
Một cây thông Noel làm từ 19.000 lọ vaccine COVID-19 đã qua sử dụng đang được trưng bày tại một trung tâm tiêm chủng ở Bucharest, Romania nhằm nâng cao nhận thức của người dân về việc tiêm chủng. (Ảnh: Xinhua)

Sự xuất hiện của biến thể Omicron có thể không hoàn toàn tồi tệ?

Trong bài viết: “Liệu biến thể Omicron có thể cứu chúng ta khỏi COVID-19?” mới đăng trên trang mạng rt.com, Tiến sĩ Anthony Fauci - Cố vấn y tế của Nhà Trắng và là chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Mỹ nhận định rằng sự xuất hiện của biến thể Omicron có thể không là điều hoàn toàn tồi tệ.

Lập luận từ chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Mỹ chỉ ra rằng, qua đánh giá các dấu hiệu ban đầu, dường như mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron không cao và đây là các tín hiệu có đôi chút khích lệ. Các đột biến của Omicron dường như khiến biến thể này có khả năng lây nhiễm sang người cao hơn, nhưng đây có thể không phải là một điều xấu nếu Omicron cho thấy ít khả năng gây bệnh nghiêm trọng hơn và giúp người nhiễm bệnh hình thành miễn dịch một cách tự nhiên chống lại tất cả các chủng của virus SARS-CoV-2.

Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Angelique Coetzee, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Nam Phi, đã chỉ trích phản ứng mà bà cho là cực đoan của các nước phương Tây khi áp đặt các biện pháp hạn chế đối với cá hành khách đến từ các quốc gia khu vực Nam châu Phi.

Theo đánh giá của bà Coetzee, tất cả các trường hợp nhiễm Omicron mà bà đã chứng kiến ở Nam Phi đều ở thể nhẹ. Nếu trải nghiệm của Nam Phi với Omicron là ví dụ điển hình, thì bệnh COVID-19 mà Omicron gây ra không những ít nghiêm trọng hơn bệnh cúm thông thường mà còn giúp hình thành miễn dịch chống COVID-19. “Đây sẽ là một yếu tố hữu ích trên con đường đạt đến miễn dịch cộng đồng” – Tiến sỹ Coetzee nói.

Kể từ khi ghi nhận các ca nhiễm đầu tiên tại Nam Phi vào tháng trước, tính đến ngày 8/12, đã có 52 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca mắc biến chủng Omicron – theo số liệu do Reuters công bố. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 26/11 đưa biến chủng Omicron vào danh sách "biến chủng đáng lo ngại" và nhiều nước cũng bày tỏ quan ngại rằng sự xuất hiện của biến thể virus mới sẽ khiến cuộc chiến chống đại dịch trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, trong một thông báo mới đây, WHO cho biết chưa có bằng cho thấy biến chủng này nguy hiểm hơn các chủng virus cũ, cũng như nhu cầu cần loại vaccine mới dành riêng cho Omicron. Cho tới nay, các loại vaccine hiện tại được chứng minh là có hiệu quả với mọi biến thể của virus SARS-CoV-2, giảm nguy cơ bệnh nặng và nhập viện.

Trên tinh thần đó, ngày 8/12, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kêu gọi chính phủ các nước cần đánh giá lại các biện pháp ứng phó quốc gia đối với đại dịch COVID-19 và tăng tốc các chương trình tiêm chủng vaccine nhằm giảm đà lây lan của biến thể Omicron.

Theo quan điểm của người đứng đầu WHO, việc biến thể Omicron lây lan toàn cầu có thể tác động lớn dến đại dịch COVID-19 và hiện tại cần phải kiểm soát ngay trước khi có thêm nhiều bệnh nhân mắc biến thể mới phải nhập viện. Tất cả các nước cần tăng cường giám sát, xét nghiệm, giải trình tự gen và "bất kì sự tự mãn nào cũng phải trả giá bằng mạng sống".

Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 7/12/2021. (Ảnh: Xinhua)
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 7/12/2021. (Ảnh: Xinhua)

Số ca nhiễm COVID-19 tiếp tục tăng tại nhiều khu vực trên thế giới

Còn về diễn biến dịch bệnh, số liệu thống kê cụ thể trên worldometers.info vào sáng 9/12 cho thấy, hiện toàn thế giới có 241.256.222 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 98% tổng số ca mắc). Trong số 21.502.769 ca bệnh đang điều trị thì có 21.414.359 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,6%) và 88.410 ca (chiếm 0,4%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng.

Xét theo quy mô toàn khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 76.689.548 trường hợp, trong đó có 1.446.703 ca tử vong và 67.117.959 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, số ca nhiễm COVID-19 mới tại châu Âu là 392.116 trường hợp, cao nhất thế giới. Lục địa già đang đứng trước nguy cơ bùng phát làn sóng dịch bệnh mới khi mùa lễ hội cuối năm đang đến gần. Thực tế đó đã nhấn mạnh tính cần thiết của việc đẩy mạnh các chiến dịch tiêm chủng cho người dân.

Theo số liệu do trang web ourworldindata.org công bố vào sáng 9/12, hiện 55,3% - tức hơn một nửa dân số thế giới đã được tiêm chủng ít nhất 1 liều vaccine. Tính cho đến nay, đã có 8,28 tỷ liều vaccine được sử dụng trên toàn thế giới, với 32,8 triệu liều được tiêm mỗi ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng vẫn diễn ra không đồng đều, khi số người được chủng ngừa ít nhất 1 liều vaccine tại các nước thu nhập thấp chỉ được cải thiện khiêm tốn, ở mức 6,3%.

Hiện Bắc Mỹ có 560.165.331 ca nhiễm bệnh, trong đó có 1.206.783 ca tử vong vì COVID-19. Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trong khu vực và trên thế giới, với tổng số 50.403.623 ca nhiễm và 813.782 ca tử vong vì COVID-19 ở thời điểm hiện tại.

Tính đến sáng 9/12, Nam Mỹ có 39.138.588 ca nhiễm COVID-19, với 1.185.033 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, với 22.167.781 ca nhiễm.

Tại châu Á, tình hình dịch dường như được cải thiện khi số ca nhiễm mới giảm, trong khi tỷ lệ tiêm chủng ngày càng tăng, mở đường cho các nước soạn thảo lộ trình mở cửa và sống chung an toàn với dịch bệnh. Hiện tổng số ca nhiễm COVID-19 tại khu vực này là 82.788.739 trường hợp, với 1.226.761 ca tử vong và 80.045.587 ca điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, khu vực này ghi nhận 84.783 ca nhiễm mới.

Tính đến sáng 9/12, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 8.888.229 trường hợp, trong đó có 224.715 ca tử vong và 8.183.323 ca bình phục. Trong tổng số 480.191 ca đang điều trị thì có 1.798 ca trong tình trạng nguy kịch.

Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 3.071.064 ca nhiễm COVID-19 và 90.038 ca tử vong vì dịch bệnh.

Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 1.829 ca nhiễm COVID-19. Hiện khu vực này có tổng số 382.155 trường hợp ca mắc COVID-19, với 4.310 ca tử vong. Australia hiện đang có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 222.260 ca, tiếp theo sau là New Zealand với 12.516 ca.

Sáng 9/12, Văn phòng của Phó Thủ tướng Australia cho biết Phó Thủ tướng Australia Barnaby Joyce đã xuất hiện "các triệu chứng nhẹ" trước khi quyết định đi xét nghiệm COVID-19 và cho kết quả dương tính. Ông Joyce đã được tiêm chủng đầy đủ và sẽ phải cách ly cho đến khi có thông báo mới. Trong khi đó, các thành viên khác của đoàn Phó Thủ tướng Australia đều cho kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19.

Ông Joyce đang có chuyến công du nước ngoài 10 ngày, vừa kết thúc chuyến thăm Anh trước khi bay tới Mỹ./.

Tin cùng chuyên mục
Kim Bôi (Hòa Bình): Phát huy sức mạnh tổng hợp tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Kim Bôi (Hòa Bình): Phát huy sức mạnh tổng hợp tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS và miền núi, những năm qua, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT) và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhằm hiểu rõ sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền cũng như kết quả trong phòng chống TH-HNCHT trên địa bàn huyện, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Việt Hòa, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Kim Bôi về vấn đề này.