Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Lao động tự do thích ứng trong đại dịch

Khánh Ngân - 18:07, 08/12/2021

Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lao động tự do là những người bị tác động nhanh nhất, sớm nhất đến đời sống. Khi dịch kéo dài và diễn biến còn phức tạp, những lao động tự do ở TP. Vinh (Nghệ An) đã nhanh chóng thích ứng, linh hoạt hơn; thậm chí chuyển “nghề” để phù hợp với điều kiện có dịch, sớm ổn định cuộc sống.

Vì nhiều người đã chuyển nghề nên “chợ người” ở khu vực
Vì nhiều người đã chuyển nghề nên “chợ lao động” ở khu vực "Tam giác quỷ" thưa vắng người

Linh hoạt để tìm cơ hội

Từ sáng sớm, nhóm lao động tự do đã tập trung trên vỉa hè khu vực "Tam Giác Quỷ", một “chợ lao động” nổi tiếng ở phường Hưng Bình, TP. Vinh (Nghệ An) để chờ người thuê. Sau nhiều lần nếm trải “bão” dịch Covid-19, những lao động tự do này đã linh hoạt hơn để thích ứng với cuộc sống trong điều kiện có dịch.

Trước đây, anh Nguyễn Đình Hiếu ở TP. Vinh, chỉ nhận chở hàng bằng xe xích lô từ bến xe đến các địa điểm trong thành phố mà khách yêu cầu. Nhưng kể từ ngày có dịch Covid-19, việc làm của anh đã ít hẳn đi, cuộc sống cũng vì thế mà chật vật theo. Khi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, anh Hiếu đã đi làm trở lại. Cứ có việc là anh nhận làm ngay, không còn "kén cá, chọn canh" như trước. Ai thuê bốc vác, dọn nhà theo giờ… anh cũng sẵn sàng làm. Cũng vì thế mà anh đã có thêm nhiều cơ hội việc làm hơn trong ngày.

“Ở đây ai thuê gì chúng tôi đều làm hết, may có việc làm tốt lắm rồi. Ngày có nhiều người thuê thì được 150 - 200 nghìn đồng, có ngày cũng về không. Thời điểm này, chúng tôi cũng nhận được sự chia sẻ, hỗ trợ của chính quyền địa phương và các mạnh thường quân nên cảm thấy ấm áp, có thêm nghị lực vượt qua thời kỳ gian khó này”, anh Hiếu bộc bạch.

 Vừa dứt lời, có người đàn ông đi xe máy đến hỏi anh Hiếu. Sau một đoạn trao đổi, anh đã lên xe theo người đàn ông kia đi về phía trung tâm thành phố. Trên vỉa hè, nhiều người ở “chợ lao động” vẫn đang trông ngóng!

Hầu hết lao động tự do ở chợ đầu mối TP. Vinh đã linh hoạt làm nhiều việc để bảo đảm cuộc sống
Hầu hết lao động tự do ở chợ đầu mối TP. Vinh đã linh hoạt làm nhiều việc để bảo đảm cuộc sống

Tại chợ Đầu Mối, phường Vinh Tân, TP. Vinh, dù tìm công việc khó khăn hơn trước do tác động của dịch Covid-19, nhưng nhiều lao động đã cố gắng hòa nhịp trong dòng chảy “bình thường mới” để tiếp tục cuộc mưu sinh. Tại góc chợ phía Tây, một tốp người đang hối hả với công việc chở hàng thuê cho các tiểu thương.

Anh Nguyễn Văn Hùng, phường Vinh Tân- người đã có thâm niên lâu năm chở hàng thuê ở chợ cho biết: “Trước đây, thu nhập của tôi từ 200 - 250 nghìn đồng/ngày, nay chỉ 100 - 150 nghìn đồng/ngày, mà việc cũng rất ít. Ai thuê chở hàng thì chở hàng, ai thuê bốc vác thì bốc vác. Việc gì cũng làm chứ không kén việc, chọn việc như trước”. Anh Hùng cho biết thêm, giai đoạn khó khăn này các chủ hàng cũng có nhiều khó khăn, do vậy các anh làm việc cũng là để cùng với những chủ hàng lâu năm của mình, vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Đến chuyển đổi “nghề”

Đại dịch Covid -19 đã ảnh hưởng và tác động tiêu cực đến hầu hết lao động trong các lĩnh vực ngành nghề. Chính quyền địa phương đã có những chính sách hỗ trợ người lao động, dù không nhiều nhưng đó là những đồng tiền rất quý, giúp họ có thêm động lực để vượt qua khó khăn. Khi việc làm khan hiếm, thu nhập bị giảm sút, lao động tự do đã linh hoạt hơn để tìm kiếm cơ hội việc làm. Thậm chí có nhiều người chủ động tìm kiếm việc làm mới, như buôn bán hàng rong, thu gom phế liệu, giúp việc theo giờ, làm phụ hồ... để ổn định cuộc sống.

Nhờ chuyển đổi sang nghề ve chai mà chị Linh có thu nhập khoảng 200 nghìn đồng/ngày để ổn định cuộc sống trong “bão” dịch
Nhờ chuyển đổi sang nghề ve chai mà chị Linh có thu nhập khoảng 200 nghìn đồng/ngày để ổn định cuộc sống trong “bão” dịch

Kể từ khi dịch bùng phát, công việc khan hiếm, chị Đinh Thị Liên ở xã Vân Diên, huyện Nam Đàn đã không ngồi ở “chợ người” Tam Giác Quỷ để chờ người thuê nữa, mà đã chủ động xin vào công trường làm nghề phụ hồ. Công việc tuy có vất vả hơn, nhưng mỗi tuần làm việc đủ công, chị được chủ thầu trả cho 2,1 triệu đồng. Nhờ kịp thời chuyển đổi “nghề” hợp lý, cuộc sống của gia đình chị gần như không bị đảo lộn so với trước dịch. Các con của chị cũng được mua điện thoại mới để học Online.

Chị Cao Thị Linh 38 tuổi ở phường Lê Mao, TP. Vinh cũng đã linh hoạt chọn cho mình một nghề mới để mưu sinh. Hàng ngày chị Linh rong ruổi khắp các ngõ phố trên chiếc xe đạp để lượm lặn, thu mua đồng nát. Mỗi ngày chị cũng kiếm được từ 150-200 nghìn đồng để trang trải chi tiêu sinh hoạt của gia đình. Chị bảo, với mức thu nhập này, so với thời điểm trước đại dịch Covid-19, việc chi tiêu, sinh hoạt trong gia đình thay đổi không đáng kể.

Cuộc sống của những người lao động tự do vốn dĩ đã khó khăn, càng trở nên chật vật hơn trong điều kiện có dịch Covid-19. Tuy nhiên, hiện có rất nhiều người như chị Linh, chị Liên không thụ động chờ đợi, khoanh tay đứng nhìn, mà linh hoạt ứng biến để tìm cho mình một cơ hội việc làm mới để có thu nhập, ổn định cuộc sống trong tình hình mới.

Tin cùng chuyên mục
Kim Bôi (Hòa Bình): Phát huy sức mạnh tổng hợp tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Kim Bôi (Hòa Bình): Phát huy sức mạnh tổng hợp tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS và miền núi, những năm qua, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT) và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhằm hiểu rõ sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền cũng như kết quả trong phòng chống TH-HNCHT trên địa bàn huyện, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Việt Hòa, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Kim Bôi về vấn đề này.