Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thầy giáo người Tày có nhiều đóng góp cho sự phát triển giáo dục vùng khó

Trí Phương - 09:37, 14/11/2023

Sinh năm 1985, thầy giáo Vi Văn Hà, dân tộc Tày đã có 15 năm cống hiến cho ngành giáo dục vùng cao Lục Ngạn nói riêng cũng như ngành giáo dục tỉnh Bắc Giang nói chung. Tình yêu nghề giáo đã giúp thầy Hà có thêm nhiều động lực để gắn bó truyền dạy kiến thức, cảm hứng trong học tập cho học sinh đặc biệt là học sinh nghèo người DTTS.

Thầy giáo Vi Văn Hà tại Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi lần thứ I huyện Lục Ngạn
Thầy giáo Vi Văn Hà tại Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi lần thứ I huyện Lục Ngạn

Sinh ra trong một gia đình nghèo tại xã vùng cao Vĩnh Khương (nay là xã Vĩnh An), huyện Sơn Động, nhìn cuộc sống khó khăn của gia đình và những người xung quanh, cậu bé Vi Văn Hà ngày ấy mang trong mình quyết tâm học thật tốt để thay đổi cuộc sống và thực hiện ước mơ trở thành thầy giáo.

Sau nhiều năm "dùi mài kinh sử", năm 2004 Hà trúng tuyển vào Khoa Địa lý, trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Suốt 4 năm Đại học Hà làm nhiều việc kiếm thêm thu nhập đỡ gánh nặng cho bố mẹ. Năm sau khi tốt nghiệp Đại học với tấm bằng loại Khá và được phân công về công tác tại trường Phổ thông cấp 2+3 Tân Sơn, nay là Trường THPT Lục Ngạn số 4, ngôi trường ở xã đặc biệt khó khăn của huyện Lục Ngạn, với hơn 90% học sinh là người DTTS.

Về với ngôi trường bộn bề những khó khăn, thiếu thốn ấy, cậu sinh viên mới tốt nghiệp luôn tự nhủ phải cố gắng thật nhiều. Nơi đây có bao thầy cô, học trò đã, đang vượt qua thử thách, hà cớ gì một thanh niên đầy sức trẻ như mình lại phải đầu hàng. 

Nhìn những học trò nghèo vượt khó bám trường, bám lớp, thầy giáo Hà càng tự động viên mình, phải học hỏi, trau rồi kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng để truyền dạy cho những em nhỏ nơi đây. Bằng sự cố gắng, nỗ lực và bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, chỉ trong một thời gian ngắn, thầy giáo Hà đã tiếp cận và quen với môi trường công tác đầu tiên của mình và nhận được tình cảm yêu quý của học trò, của đồng nghiệp.

Năm 2016, thầy giáo Hà được chuyển công tác về trường THPT Lục Ngạn số 2, ngôi trường cũng có tới gần 90% học sinh là con em đồng bào DTTS. Trong suốt thời gian công tác, thầy Hà luôn khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ vì thầy hiểu những khó khăn, thiệt thòi, khát vọng được học tập, vươn lên của các em học sinh vùng cao.

Được nhà trường phân công bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi dự thi cấp tỉnh môn Địa lý, để tạo niềm đam mê, yêu thích đối với môn học trong các em, thầy cùng các đồng nghiệp lập kế hoạch chi tiết cho cả quá trình ôn luyện, từng bước bù đắp các thiếu hụt về kiến thức, kỹ năng, chú trọng việc nâng cao kỹ năng, cách trình bày, diễn đạt cho học sinh.

“Học trò người DTTS vốn nhạy cảm, trong quá trình ôn luyện, người giáo viên vừa phải rèn giũa vừa phải khích lệ học trò để ngày càng cố gắng, tiến bộ, tránh việc tự ti, chán nản mà bỏ cuộc. Bên cạnh đó, phải luôn luôn quan tâm các em, hỏi han, động viên, nắm bắt tâm tư của học trò kịp thời… Không chỉ vậy, tôi còn gặp gỡ, chia sẻ để tìm kiếm sự ủng hộ của phụ huynh, thông cảm và tạo điều kiện cho con có thời gian ôn luyện”, thầy Hà chia sẻ thêm.

Từ sự cố gắng của tập thể thầy và trò, những năm vừa qua trường THPT Lục Ngạn số 2 đã có nhiều học sinh đạt giải Nhì, giải Ba, khuyến khích môn Địa lí cấp tỉnh trong đó có nhiều em là học sinh đồng bào DTTS; Tỷ lệ học sinh xếp loại khá, giỏi khối lớp thầy giáo Hà phụ trách luôn đạt trên 90%, không có học sinh xếp loại yếu, kém. Trong 02 năm học  liên tiếp, thầy giáo Hà đều được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.

Sáng kiến "Sử dụng mô hình lớp học đảo ngược ứng dụng Shub Classroom trong dạy học nhằm hình thành và phát triển năng lực học sinh" của thầy giáo Hà được Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang công nhận và đánh giá cao
Sáng kiến "Sử dụng mô hình lớp học đảo ngược ứng dụng Shub Classroom trong dạy học nhằm hình thành và phát triển năng lực học sinh" của thầy giáo Hà được Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang công nhận và đánh giá cao

Năm 2023, sáng kiến "Sử dụng mô hình lớp học đảo ngược với ứng dụng SHub Classroom trong dạy học chủ đề Sinh quyển - Địa lí lớp 10 nhằm hình thành và phát triển năng lực học sinh" của thầy giáo Hà, được Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang công nhận và đánh giá cao, được giáo viên ứng dụng và đưa vào giảng dạy. 

Mô hình này đã khai thác triệt để những ưu điểm của công nghệ và góp phần giải quyết được những hạn chế của mô hình dạy học truyền thống bằng cách “đảo ngược” quá trình dạy học so với mô hình dạy học truyền thống. Sự “đảo ngược” ở đây được hiểu là cách triển khai các nội dung, mục tiêu dạy học lấy học sinh là trung tâm và tăng cường sự tương tác giữa thầy và trò.

Với những thành tích đã đạt được, thầy giáo Hà có 9 lần được nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 01 Bằng khen của BCH Liên đoàn Lao động tỉnh, 02 Giấy khen của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, 06 Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn; năm 2023, anh vinh dự được nhận Giấy khen của Trưởng Ban Dân tộc tại Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi lần thứ I huyện Lục Ngạn.

Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Nguyễn Xuân Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lục Ngạn 2 cho biết: thầy giáo Vi Văn Hà là một giáo viên tâm huyết với nghề, nhiệt tình, luôn luôn tích cực trong việc tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của bản thân. Thầy giáo Hà đã có nhiều phương pháp hay, cách làm mới, sáng tạo trong các hoạt động dạy và học của nhà trường.

“Đặc biệt năm học 2022 - 2023, sáng kiến sử dụng mô hình lớp học đảo ngược với sự hỗ trợ của ứng dụng SHub Classroom trong dạy học của thầy Hà đã góp phần quan trọng vào việc hình thành và phát triển các năng lực tự học; năng lực giao tiếp, hợp tác; năng lực tìm kiếm, xử lí thông tin; năng lực vận dụng, sáng tạo,...cho học sinh. Sáng kiến đã được Sở GD&ĐT Bắc Giang công nhận hiệu quả áp dụng và phạm vi ảnh hưởng sáng kiến ngành giáo dục tỉnh nhà năm học 2022 – 2023”, ông Hạnh nhấn mạnh.

Những kết quả đáng tự hào của thầy giáo trẻ người Tày Vi Văn Hà là sự ghi nhận cống hiến, đóng góp trong công tác dạy và học ở vùng cao tỉnh Bắc Giang. Mong rằng, người thầy giáo trẻ ấy tiếp tục gặt hái được những thành công trong sự nghiệp “trồng người” nơi vùng đất khó.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.