Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Thắt chặt tình thân, biên giới yên bình: Người chắp nối nhịp cầu hữu nghị (Bài 4)

Khánh Nguyên - 11:14, 17/10/2022

Hơn 15 năm gắn bó với nghề, Lê Huynh Trưởng - Phó Trưởng phòng Quản lý biên giới và phi chính phủ nước ngoài (Sở Ngoại vụ Quảng Nam) nói, gần như chuyến công tác, gặp gỡ, trao đổi thông tin nào giữa lãnh đạo tỉnh Quảng Nam với các địa phương của Lào anh cũng đều góp mặt. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn phiên dịch, anh còn là người kết nối, thông qua mối quan hệ cá nhân giúp tìm kiếm sự hài lòng nhất có thể cho mỗi chuyến đi của các đoàn.

Lê Huynh Trưởng (ở giữa) phiên dịch cuộc trao đổi giữa Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh và Bí thư, Tỉnh Trưởng Sê Kông Lếch-lay Sỉ-vi-lay nhân khai trương Cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Đắc Tà Oọc, vào tháng 8/2021
Lê Huynh Trưởng (ở giữa) phiên dịch cuộc trao đổi giữa Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh và Bí thư, Tỉnh Trưởng Sê Kông Lếch-lay Sỉ-vi-lay nhân khai trương Cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Đắc Tà Oọc, vào tháng 8/2021

Có duyên với tiếng Lào

Một chuyến đi Lào, tôi được bố trí ở cùng phòng với anh Lê Huynh Trưởng. Những tưởng sang đất Triệu Voi hai anh em sẽ có thời gian chuyện trò, nào ngờ, khi vừa đến Sê Kông, Attapue rồi Chămpasak, mọi thứ không như “kế hoạch” ban đầu. Anh Trưởng bận bịu với công việc chẳng khác gì nghệ sĩ… chạy show. Nhiệm vụ phiên dịch này, tôi nói vui, cả đoàn công tác không ai có thể… giành với anh. Là bởi, tiếng Lào với anh đã như ngôn ngữ thông dụng không thua tiếng mẹ đẻ.

Nhưng, phải khổ luyện thì mới thành tài. Anh Trưởng nói, có thời điểm, anh phải tự nhốt mình trong phòng kín để… “luyện công”. Suốt 3 tháng trời, cứ thế, bằng phương pháp “nghe - dịch, dịch - nghe”, anh mới đủ tự tin đảm nhận công việc phiên dịch trong các sự kiện lớn của tỉnh, thậm chí là quốc gia. Ở vai trò của mình, ngoài các buổi làm việc chính thức, khi trao đổi hợp tác với bạn Lào, anh Trưởng cũng thường xuất hiện trong các bữa cơm thân mật hay buổi cà phê giữa lãnh đạo hai bên. Nhiệm vụ phiên dịch đòi hỏi anh phải tập trung lắng nghe để có thể dịch sát nghĩa, đúng ý của người nói, điều đó giúp quá trình trao đổi thêm chất lượng và thoải mái.

Anh Trưởng từng có thời gian làm báo, tập sự cho một đài tuyến cơ sở chừng đâu nửa năm. Hồi đó, khi hay tin Sở Ngoại vụ tuyển người phiên dịch tiếng Lào, người thân khuyên anh làm hồ sơ ứng tuyển. Nhưng nào ngờ, khi vừa đến nộp hồ sơ, anh đã lọt vào “mắt xanh” của nhà tuyển dụng. Vậy là đổi nghề. Từ một phóng viên tập sự, anh trở thành người phiên dịch. Đó là năm 2007, không lâu sau anh được cử đi học nghiệp vụ 6 tháng, chủ yếu là giúp đội cắm mốc biên giới làm nhiệm vụ. “Như duyên trời định. Mình học tiếng nói và chữ viết của Lào rất nhanh. Gần như tiếng Lào là ngôn ngữ dành sẵn cho cuộc đời của riêng mình, nên hay nói đùa rằng, nghề phiên dịch đã chọn lấy mình, như bây giờ” - anh Trưởng tâm sự.

Gần như cuộc làm việc nào giữa Quảng Nam với các tỉnh Nam Lào đều có sự góp mặt của anh Lê Huynh Trưởng
Gần như cuộc làm việc nào giữa Quảng Nam với các tỉnh Nam Lào đều có sự góp mặt của anh Lê Huynh Trưởng

Thời điểm anh Trưởng công tác tại Sở Ngoại vụ, lúc đó ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam là giám đốc đương nhiệm. Với tư duy quyết liệt phải tìm người phiên dịch, ông Thanh gặp riêng anh để trao đổi, động viên tiếp tục học tập và nâng cao trình độ tiếng Lào. Lúc đó, ông Thanh nói với anh, rằng biên giới Quảng Nam và Sê Kông rất rộng, quan hệ giữa hai nước lại đặc biệt quan trọng, vì thế về lâu về dài phải có người phiên dịch phục vụ quan hệ ngoại giao.

Vậy là tiếp tục khăn gói đi học. Lần này, là theo học chương trình thạc sĩ. Thời điểm đó, cả nước chưa có tiền lệ, đây là khóa đầu tiên Việt Nam cử 4 học viên sang Lào đào tạo. Với khả năng tiếp nhận nhạy bén, chỉ hơn một năm rưỡi, anh Trưởng hoàn thành chương trình thạc sĩ, rút ngắn thời gian gần 6 tháng theo khung đào tạo. Ra trường, tiếp tục với công việc, anh không nhớ mình đã phiên dịch bao nhiêu cuộc làm việc với Lào, chỉ biết rằng, sau mỗi lần hoàn thành nhiệm vụ, niềm vui cứ ăm ắp dài thêm.

Chắp nối nhịp cầu hữu nghị

Như một sứ mệnh, trải qua không biết bao nhiêu khổ cực, nhưng cuối cùng anh cũng vượt qua để rồi nhìn lại, tự hào với chặng đường đã qua. Anh Trưởng nói với tôi, có nhiều lúc áp lực quá, anh đã nghĩ đến việc từ bỏ trách nhiệm, tìm kiếm công việc mới. Nhưng, cũng chính lúc đó, niềm tin lại nhen nhóm giúp anh bình tâm và cố gắng.

Lê Huynh Trưởng trong một lần làm nhiệm vụ phiên dịch cuộc họp giữa Việt Nam với Lào
Lê Huynh Trưởng trong một lần làm nhiệm vụ phiên dịch cuộc họp giữa Việt Nam với Lào

Đã 15 năm kể từ khi làm nhiệm phiên dịch, gần như không có thời gian nào được dành để nghỉ. Anh Trưởng cùng các cộng sự cứ thế miệt mài theo hành trình ngược núi, dọc đường biên và ngược xuôi trên đất Lào. Anh kể, nhiều năm trước, phải mất nhiều năm trời ròng rã anh cùng các cộng sự mới hoàn thành thủ tục pháp lý điều tra, xác định công dân di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới giữa hai nước Việt Nam - Lào.

Trên cơ sở xác minh này, năm 2019, Chủ tịch nước đã ký quyết định công nhận Quốc tịch Việt Nam cho 20 công dân Lào, đảm bảo theo Biên bản ghi nhớ giữa hai tỉnh Quảng Nam - Sê Kông về phối hợp triển khai thực hiện Thỏa thuận của hai Chính phủ Việt Nam - Lào. “Lúc chứng kiến lễ trao quyết định công nhận quốc tịch Việt Nam cho cư dân Lào, mình thực sự xúc động và vui. Bởi sau bao nhiêu năm chờ đợi, cuối cùng họ cũng đã có quốc tịch, trở thành công dân Việt Nam thực thụ”, anh Trưởng nói.

Đằm sâu trong từng câu chuyện, tôi cảm nhận một sự khiêm nhường khi anh nói về nghề. Làm phiên dịch, không phải lúc nào cũng dễ dàng. Đôi khi trong một cuộc họp, nhiều vấn đề phát sinh không nằm trong kịch bản. Nhưng, người phiên dịch buộc phải dịch, dù đó là một đoạn dài được chia sẻ. Phải chính xác và không thể bỏ sót từ nào, nhất là các cuộc đàm phán, giải quyết sự việc đôi bên. “Vậy làm thế nào để nhớ hết nội dung?”. “Mình luôn có ký hiệu riêng. Thông thường là vạch ra ý đầu, sau đó lắng nghe và diễn đạt theo nội dung của người nói. Làm lâu thì quen dần, bây giờ mình chỉ cần nghe rồi dịch thôi!”.

Anh Lê Huynh Trưởng phiên dịch lại nội dung cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh và cộng đồng người Việt Nam tại Sê Kông với phóng viên Lào
Anh Lê Huynh Trưởng phiên dịch lại nội dung cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh và cộng đồng người Việt Nam tại Sê Kông với phóng viên Lào

Câu chuyện giữa chúng tôi bất chợt bị ngắt quãng. Anh Trưởng có điện thoại. Đầu dây bên kia thông báo chuẩn bị kế hoạch cho chuyến thăm của đoàn đại biểu tỉnh Sê Kông đến Quảng Nam. Anh lại thêm công việc mới, dù trên tay lúc này có cả xấp tài liệu đã được phiên dịch song ngữ Việt Nam - Lào, hỗ trợ các tỉnh lân cận tiếp khách. Trên gương mặt vẫn một nét vui thường thấy, anh Trưởng nói, sau nhiều năm gắn bó với nghề và tiếp xúc với nét văn hóa thuần hậu của Lào, anh đã trở nên nhẹ nhàng, thoải mái hơn…

Hơn 15 năm làm nghề, anh Trưởng nhớ mãi khoảnh khắc được Thủ tướng Chính phủ nước CHDCND Lào Thongloun Sisoulith - nay là Tổng Bí thư Đảng nhân dân cách mạng Lào khen ngợi vào tháng 7/2020, trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - nay là Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tại TP.Hội An. Lúc đó, do phiên dịch viên chính thức bị sự cố nên anh được giao nhiệm vụ “đóng thế” một cách bất đắc dĩ. Khi cuộc họp vừa kết thúc, Thủ tướng Thongloun Sisoulith nói bằng tiếng Việt, khen lần đầu tiên ông nghe một phiên dịch viên nói chuẩn và dịch sát nghĩa tiếng Lào. Lời khen ấy đã trở thành động lực tiếp sức để anh Trưởng nỗ lực hơn trong công việc của mình.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.