Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Thắt chặt tình thân, biên giới yên bình: Nhớ về cố hương (Bài 3)

Khánh Nguyên - 08:07, 17/10/2022

Bây giờ, dù cha đã mất, những người con của ông Lê Viết Muồng (tên thân mật ở Lào là Bô Nhơn) vẫn đau đáu nhớ về quê hương xứ sở. Trong thâm tâm mỗi người, họ mang niềm hoài cảm nên mong một ngày gần nhất có chuyến hồi hương để tìm hiểu sâu hơn về văn hóa cội nguồn, như ước nguyện của người cha quá cố…

Người thân của ông Lê Viết Muồng chia sẻ về câu chuyện gia đình và mong ước sớm trở về thăm quê xứ
Người thân của ông Lê Viết Muồng chia sẻ về câu chuyện gia đình và mong ước sớm trở về thăm quê xứ

Tự hào nguồn cội

Căn nhà sàn đặc trưng của Lào ở bản Nôn-mi-say (huyện Lạ Màm, tỉnh Sê Kông, nước CHDCND Lào) vẫn vẹn nguyên cảnh vật, chỉ khác là… vắng đi chủ cũ. Ông Bô Nhơn - Lê Viết Muồng, chủ nhân của căn nhà này đã mất cách đây gần 5 năm, nên mọi sự cai quản đều do người con trai út đảm nhiệm. Khác với những chuyến thăm trước, đón khách lần này là một phụ nữ đã ở tuổi xế chiều. Bà mặc trên người sắc phục thổ cẩm truyền thống của Lào, với khuôn mặt phúc hậu và đầy cảm xúc. Đó là vợ ông Bô Nhơn - Lê Viết Muồng, một phụ nữ Lào, nguyên cán bộ thanh vận huyện Đắc Chưng (tỉnh Sê Kông).

Anh Xúc-đa-vanh, con trai út của Bô Nhơn - Lê Viết Muồng ngồi cạnh mẹ, cùng đón những người anh em đồng hương xứ Quảng. Trước đó, anh đến tận bàn thờ của cha, cùng những vị khách thắp nén nhang tri ân, tưởng nhớ người quá cố. Dù nói sõi tiếng Việt, nhưng chừng như anh Xúc-đa-vanh khá ngại ngùng khi tiếp xúc với khách, nên chỉ quan sát và trả lời những câu hỏi liên quan khi cần thiết. Ngoài học từ cha, anh bảo sở dĩ biết đến tiếng Việt là nhờ có thời gian anh được cử sang đào tạo, học tập tại Việt Nam. Sau quá trình rèn luyện và trưởng thành, Xúc-đa-vanh nay đã được bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở Bưu chính viễn thông Sê Kông, tiếp nối truyền thống của cha làm cách mạng.

Anh Xúc-đa-vanh nói, ngày trước lúc còn sống, cha anh luôn căn dặn con cái, sau này dù làm gì, ở đâu cũng không được quên nguồn cội. Bởi đó là quê hương xứ sở, với những máu mủ ruột rà, nơi ông được sinh ra và lớn lên trước khi sang Lào làm nhiệm vụ quân tình nguyện tham gia kháng chiến. Theo di nguyện của cha, Xúc-đa-vanh bày tỏ quyết tâm sẽ có chuyến hồi hương để đưa mẹ trở lại Việt Nam, thăm phố cổ Hội An - mảnh đất đã sinh thành và nuôi nấng người cha quá cố.

“Anh em chúng tôi mặc dù ở Lào nhưng rất tự hào và yêu văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam. Nếu có dịp về thăm, chắc chắn chúng tôi sẽ ở lại lâu hơn, tìm hiểu sâu hơn về mảnh đất văn hóa, con người Việt Nam, đặc biệt là Quảng Nam quê hương của cha tôi” - Xúc-đa-vanh bộc bạch.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh viếng hương cố nhà lãnh đạo Bô Nhơn - Lê Viếng Muồng tại bản Nôn-mi-say (huyện Lạ Màm, tỉnh Sê Kông).
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh thắp hương tưởng niệm ông Bô Nhơn - Lê Viếng Muồng tại bản Nôn-mi-say (huyện Lạ Màm, tỉnh Sê Kông).

Mạch nguồn gắn kết

Trong chuyến công tác tại các tỉnh Nam Lào mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh dành thời gian đến thăm gia đình và viếng hương ông Bô Nhơn - Lê Viếng Muồng. Trong câu chuyện thân tình, ông Thanh ví tấm lòng yêu nước, truyền thống cách mạng và những đóng góp của Bô Nhơn cho Đảng Nhân dân cách mạng Lào, cũng như sự nghiệp giải phóng dân tộc hai nước Việt Nam - Lào như sợi dây gắn kết mạch nguồn, đầy niềm kiêu hãnh. Mạch nguồn ấy, xuất phát từ tinh thần quả cảm và lòng trung hiếu của người chiến sĩ cộng sản đối với dân tộc, đất nước.

Phát huy truyền thống gia đình, ông Thanh mong muốn người thân của Bô Nhơn tiếp tục lan tỏa tinh thần của một người cha, người chồng đã suốt đời cống hiến cho sự bình yên của Tổ quốc, non sông và cho cả tình đoàn kết keo sơn giữa hai Đảng, hai dân tộc Việt - Lào anh em. Đồng thời xem đó là niềm tự hào không chỉ của riêng gia đình, mà chung cho cả cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở Sê Kông, cũng như tất cả người con đất Quảng ở quê nhà.

“Tỉnh Quảng Nam luôn biết ơn những đóng góp và hi sinh to lớn của đồng chí Bô Nhơn - Lê Viết Muồng cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, đặc biệt là đóng góp trong việc tạo dựng mối quan hệ hữu nghị truyền thống Quảng Nam và Sê Kông ngày càng thắt chặt”, ông Thanh nhấn mạnh.

Tượng đài chiến thắng liên minh Lào - Việt Nam ở Sê Kông ghi dấu ấn tình đoàn kết hai nước, cùng sự đóng góp của ông Lê Viết Muồng
Tượng đài chiến thắng liên minh Lào - Việt Nam ở Sê Kông ghi dấu ấn tình đoàn kết hai nước, cùng sự đóng góp của ông Lê Viết Muồng

Nắm chặt tay của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh, vợ ông Bô Nhơn nói trong xúc động, rằng từ lúc cụ Lê Viết Muồng còn sống cho đến bây giờ khi ông đã về với tổ tiên, cũng đều nhận được sự quan tâm đặc biệt từ phía lãnh đạo tỉnh Quảng Nam. Vì thế, lúc sinh thời ông Bô Nhơn bày tỏ sự cảm kích nên lúc nào cũng động viên vợ con sắp xếp công việc, tìm về “quê cha đất tổ” để hiểu hơn về văn hóa cội nguồn. Bà nói, đó không đơn thuần là một cuộc trở về, mà còn là di nguyện, lẫn ước mong của một người con luôn đau đáu với quê nhà…

Ông Lê Viết Muồng (sinh ngày 12/6/1928, mất ngày 14/1/2018) - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, nguyên Bí thư - Tỉnh trưởng tỉnh Sê Kông. Ông Muồng có quê ở xã Cẩm Nam (TP.Hội An), tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Năm 1948, ông được Đảng, Nhà nước chọn cử sang giúp nước bạn Lào xây dựng lực lượng khởi nghĩa nhằm đấu tranh giải phóng khu vực Nam Lào… Ông vinh dự được Đảng và Nhà nước Lào trao tặng nhiều huân chương, huy chương cao quý; Đảng và Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba và Huân chương Hữu nghị.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.