Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Thắt chặt tình thân, biên giới yên bình: Tiếng Việt ở xứ “Triệu Voi” (Bài 2)

Khánh Nguyên - 10:58, 16/10/2022

Trên vùng đất Nam Lào, những người tôi vừa mới quen giao tiếp với nhau bằng tiếng Việt. Họ là những kiều bào sinh sống lâu năm ở vùng đất Triệu Voi, với đủ ngành nghề từ công nhân, thương lái, doanh nhân, cho đến giáo viên đang làm nhiệm vụ giảng dạy cho con em người Việt xa quê…

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh thăm hỏi cộng đồng người Việt Nam tại tỉnh Sê Kông nhân chuyến công tác tại các tỉnh Nam Lào
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh thăm hỏi cộng đồng người Việt Nam tại tỉnh Sê Kông nhân chuyến công tác tại các tỉnh Nam Lào

Nghe tiếng… người mình

Chúng tôi đặt chân đến huyện Lạ Màm (tỉnh Sê Kông, Lào) lúc ráng chiều đã nhuốm màu đỏ rực. Phía trong khuôn viên Trường Hữu nghị Lào - Việt Nam tỉnh Sê Kông, hàng chục kiều bào và đại diện lãnh đạo của trường đã chờ sẵn. Sau nhiều năm sinh sống ở vùng đất mới, ngôi trường trở thành “điểm đến” quen thuộc, nơi duy nhất kiều bào có thể giao tiếp với nhau bằng tiếng mẹ đẻ trong những lần đưa đón con và gặp gỡ đồng hương.

Chuyến đi công tác ngắn ngày nên cuộc gặp gỡ cũng không thể lâu hơn. Nhưng, điều tạo nên cảm xúc với chúng tôi, chính là giây phút chứng kiến cuộc nói chuyện giữa con dân Việt Nam xa quê với đồng hương vừa mới đặt chân đến đất Lào. Trong phút giây hội ngộ ấy, tiếng Việt lại vang lên đầy niềm kiêu hãnh. Kể từ sau dịch bệnh Covid-19, họ nói đây là lần thứ 2 được đón đoàn công tác từ quê nhà đến thăm, động viên làm ăn, sinh sống.

Bà Trần Thị Phượng chia sẻ câu chuyện con trẻ học tiếng Việt tại Lào
Bà Trần Thị Phượng chia sẻ câu chuyện con trẻ học tiếng Việt tại Lào

Hơn chục năm sinh sống ở trung tâm huyện Lạ Màm, bà Trần Thị Phượng, một tiểu thương ở chợ Sê Kông không giấu được niềm vui khi được gặp gỡ đoàn công tác của tỉnh Quảng Nam trong lần hội ngộ mới đây ở đất Nam Lào. Trong câu chuyện của mình, bà Phượng nói, kể từ sau đại dịch Covid-19 xuất hiện, cuộc sống của những người làm nghề buôn bán, kinh doanh trở nên khó khăn vô cùng. Có lúc, bà tưởng chừng không thể bám trụ ở vùng “đất hứa” này thêm một ngày nào nữa. Nhưng, thật may, chính sự quan tâm, chia sẻ, động viên của những người đồng hương xa quê đã giúp bà và nhiều thương lái khác ở chợ vượt qua khó khăn, tiếp tục hiện thực lời hứa của lòng mình trên đất Nam Lào.

Để các tiểu thương yên tâm sinh sống, làm việc, bà Phượng nói rất cần sự quan tâm, góp thêm tiếng nói từ Hội người Việt Nam tại tỉnh Sê Kông, cũng như chính quyền các địa phương của Việt Nam giáp biên giới với các tỉnh Nam Lào, nhất là trong đầu tư giáo dục, hệ thống trường lớp và môi trường giảng dạy tiếng Việt cho trẻ. Bởi hiện nay, số lượng giáo viên giảng dạy tiếng Việt quá ít so với nhu cầu, khiến trẻ tiếp thu chậm, đặc biệt là học sinh địa phương người Lào.

Đoàn công tác của tỉnh Quảng Nam gặp gỡ với kiều bào sinh sống tại Sê Kông
Đoàn công tác của tỉnh Quảng Nam gặp gỡ với kiều bào sinh sống tại Sê Kông

Những chia sẻ của bà Phượng và nhiều tiểu thương khác sinh sống ở tỉnh Sê Kông không gì khác ngoài tập trung đầu tư hạ tầng giáo dục và môi trường đào tạo trẻ về văn hóa, tiếng nói, chữ viết của người Việt giúp trẻ có cơ hội tiếp nhận đầy đủ khả năng giao tiếp, phát triển nhân cách, trí tuệ ở vùng đất mà các em được sinh ra, vốn còn nhiều khó khăn như tỉnh Sê Kông của nước bạn Lào. “Chúng tôi luôn mong muốn con em mình có điều kiện học tập tốt nhất, để không phải thiệt thòi so với lứa bạn ở quê. Hơn nữa, trong tâm nguyện của mỗi người, dù ở xa quê, nhưng vẫn muốn con được truyền dạy đủ đầy về văn hóa, giáo dục… để sau này khi lớn lên, chúng có thể tự hào mình là con cháu Việt Nam”, bà Phượng chia sẻ.

Tiếng Việt cần được lan tỏa

Theo ông Trần Đình Hải - Chủ tịch Hội người Việt Nam tại tỉnh Sê Kông, mặc dù trong điều kiện khó khăn chung sau đại dịch Covid-19, nhưng nhờ sự quan tâm của chính quyền tỉnh Sê Kông, cũng như các tỉnh giáp biên giới của Việt Nam, đời sống của cộng đồng người Việt Nam tại tỉnh Sê Kông đã từng bước ổn định trở lại. Đặc biệt, từ sự hỗ trợ của Việt Nam, thời gian qua, hệ thống cơ sở hạ tầng của Trường Hữu nghị Lào - Việt Nam tỉnh Sê Kông dần được đầu tư khang trang hơn, tạo điều kiện giúp học sinh có cơ hội tiếp cận công nghệ, nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương. “Hội người Việt Nam tại tỉnh Sê Kông mong muốn các cấp tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nguồn lực giúp việc đầu tư giảng dạy tiếng Việt, văn hóa Việt Nam ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu học tập của con em người Việt Nam nói riêng và địa phương Lào nói chung, góp phần lan tỏa ngôn ngữ tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống tại Nam Lào”, ông Hải nói.

Một góc Trường Hữu nghị Lào - Việt Nam tại Sê Kông -
Một góc Trường Hữu nghị Lào - Việt Nam tại Sê Kông -

Là người duy nhất làm nhiệm vụ giảng dạy tiếng Việt cho học sinh tại Trường Hữu nghị Lào - Việt Nam tỉnh Sê Kông, thầy giáo Trần Thiên Bảo nói, khó khăn nhất hiện nay, ngoài hệ thống giáo dục chưa đáp ứng nhu cầu, còn là việc thiếu giáo viên trực tiếp truyền đạt tiếng Việt cho học sinh các cấp. Bởi số lượng học sinh tại trường rất đông - 658 em/19 lớp, một mình anh dù phải “chạy” vất vả nhưng cũng không thể đảm nhiệm hết công việc chuyên môn. “Hơn nữa, thời gian giáo viên làm nhiệm vụ giảng dạy tại một điểm trường khá ngắn, khoảng 1 năm biệt phái, sau đó phải về nước. Do vậy, sự truyền đạt của giáo viên chưa đủ độ sâu so với chất lượng nội dung yêu cầu, khiến việc tiếp nhận của học sinh trở nên khá chậm”, anh Bảo tâm sự.

Đi qua các tỉnh Nam Lào, thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp các biển hiệu được ghi bằng tiếng Việt. Chợt thấy lòng thật ấm áp, như lạc chân ở một huyện miền núi quê nhà. Nhớ các đêm trước, trong dịp dự bữa cơm thân mật của đoàn công tác với chính quyền địa phương của Lào, giữa câu chuyện vui, bất chợt lại nghe giọng Việt Nam vang từ lời bài hát do chính các ca sĩ Lào thể hiện. Ai cũng chăm chú ngồi nghe, như để cảm thức niềm tự hào quê hương ngay trên đất bạn. Một người quen của tôi nói, gần như rất nhiều cán bộ của Lào, từ huyện cho đến tỉnh, thậm chí là trung ương đều nói và hiểu được tiếng Việt một cách khá lưu loát.

Tin cùng chuyên mục
Ông Vi Văn Sơn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An: Tăng cường công tác tham mưu quản lý, điều hành tổ chức hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Ông Vi Văn Sơn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An: Tăng cường công tác tham mưu quản lý, điều hành tổ chức hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Thực hiện giai đoạn I: từ 2021-2025 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế-xã hội, cơ sở hạ tầng... Ông Vi Văn Sơn, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển về thành quả, định hướng trong công tác điều hành, quản lý, tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình MTQG 1719 trong giai đoạn tiếp theo.